09/12/2024 - 08:41

Nâng cao chất lượng điện năng cho người dân nông thôn 

Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tại TP Cần Thơ sau một thời gian triển khai, đến nay đã có 14 tuyến lưới điện trung, hạ thế ở huyện Thới Lai được đóng điện và đưa vào sử dụng. Qua đó, đã góp phần xóa bỏ tình trạng sử dụng điện câu đuôi không an toàn, gia tăng chất lượng cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng nông thôn.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP Cần Thơ kiểm tra các tuyến lưới điện nông thôn vừa hoàn thành công tác đóng điện.

Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tại TP Cần Thơ do Sở Công Thương TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, với nguồn vốn được phân bổ là 78 tỉ đồng, trong đó có một phần vốn Trung ương và vốn ODA do EU tài trợ. Dự án được triển khai từ năm 2018-2020, đầu tư xây dựng các tuyến đường dây trung áp, hạ áp và trạm biến áp cấp điện cho các hộ dân tại các khu vực chưa có điện lưới quốc gia ở các huyện Cờ Ðỏ, Phong Ðiền, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Nhưng do gặp nhiều vướng mắc, nên đến nay mới có 14 tuyến lưới điện trung, hạ thế ở huyện Thới Lai được đóng điện và chính thức lắp điện kế cho người dân sử dụng.

Công trình xây dựng mới lưới điện nông thôn trên địa bàn huyện Thới Lai được khởi công vào giữa năm 2019, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện an toàn trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân ở 11 xã và 1 thị trấn của huyện Thới Lai. Công trình có vốn đầu tư trên 22 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục xây dựng mới hơn 5,56km đường dây trung áp và 23km đường dây hạ áp cùng với việc lắp mới các trạm biến áp… Ông Lê Minh Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thới Lai, cho biết: Với sự quan tâm vào cuộc hỗ trợ của Sở Công Thương TP Cần Thơ, đến thời điểm công trình xây dựng mới lưới điện nông thôn trên địa bàn huyện Thới Lai đã chính thức đóng điện và đưa vào sử dụng 14 tuyến lưới điện nông thôn, đáp ứng cơ bản yêu cầu sử dụng điện an toàn cho người dân tại các địa phương.

Ông Bùi Văn Giàu, xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: Trước đây gia đình tôi xài điện câu đuôi và phải trả tiền điện theo giá mà người cho câu nhờ đưa ra. Ngoài ra, đường dây điện bị cũ và xuống cấp gây quá tải, làm tiêu tốn nhiều điện… Nhưng giờ đây, nhà tôi đã được ngành điện lắp đồng hồ điện, nên tiền điện trả hằng tháng đã giảm hơn phân nữa so trước (từ 700.000 đồng/tháng, nay giảm còn 300.000 đồng/tháng). Điều quan trọng là không chỉ giảm tiền điện, mà là nguồn điện xài trong sinh hoạt hằng ngày rất ổn định và an toàn.

Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, Công trình xây dựng mới lưới điện nông thôn trên địa bàn huyện Thới Lai là một trong những công trình điện nông thôn do Sở Công Thương làm chủ đầu tư, với kinh phí đầu tư là 22 tỉ đồng, trong đó có một phần vốn ODA do EU tài trợ. Đến nay công trình đã được đưa vào sử dụng và hiện có hơn 150/330 hộ dân đã được lắp điện kế mới và ngành điện cũng đang gấp rút hoàn tất công tác gắn điện kế cho các hộ dân còn lại… Qua đó không chỉ góp phần xóa bỏ tình trạng sử dụng điện câu đuôi không an toàn cho người dân, mà còn giúp nâng cao chất lượng điện, phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn.

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, để đáp ứng mục tiêu cấp điện an toàn cho vùng nông thôn, Sở Công Thương TP Cần Thơ đã và đang tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, triển khai đầu tư nhiều công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, nhằm gia tăng chất lượng cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống cho người dân vùng nông thôn. Tại TP Cần Thơ có Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia do Sở Công Thương làm chủ đầu tư, được phân bổ vốn thực hiện là 78 tỉ đồng. Dự án được Sở Công Thương thực hiện từ 2018-2020 tại 4 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Phong Điền. Nhưng đến nay, mới chỉ có huyện Thới Lai chính thức được thụ hưởng từ Dự án này; các công trình xây dựng lưới điện nông thôn còn lại ở các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Phong Điền mới chỉ hoàn thành hạng mục dựng trụ và đang chờ bổ sung vốn đầu tư để thực hiện các hạng mục kéo dây, đóng điện đưa vào vận hành… Theo ông Huỳnh Thanh Sử, việc đầu tư các tuyến lưới điện nông thôn thường gặp các vướng mắc về điều kiện xây dựng, nhất là đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt… Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu cấp điện an toàn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, Sở Công Thương thành phố sẽ tổng hợp các đề nghị cũng như những nhu cầu sử dụng điện cấp thiết của người dân vùng nông thôn, từ đó Sở sẽ đề xuất thành phố và kiến nghị Bộ Công Thương tìm kiếm, bố trí và bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các khu vực có nhu cầu…

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

Chia sẻ bài viết