DUY KHÔI
Tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang hiện nay có Di tích Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940 ở Phú Hữu. Ðó là minh chứng cho tinh thần yêu nước, quả cảm của quân và dân Cần Thơ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Ðồng chí Nguyễn Phước Ngoạn (Ba Gần), người đã cắm cờ ở nhà Việc Phú Hữu trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Ảnh chụp lại tại Di tích Khám Lớn Cần Thơ (DUY KHÔI chụp).
Thời điểm những năm 1940, xã Phú Hữu thuộc quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Sống trong cảnh áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến địa chủ, người dân Phú Hữu chịu rất nhiều cơ cực. Lúc bấy giờ, phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cần Thơ, đã cổ vũ khí thế cách mạng cho nông dân Phú Hữu.
Năm 1937, hai anh em ruột là Nguyễn Phước Ngoạn (tự Ba Gần) và Nguyễn Văn Phúc (tức Trần Duy Phước) ở Phú Hữu cùng với ông Ngô Văn Diệm được đồng chí Quản Trọng Hoàng, cán bộ lãnh đạo của Ðặc ủy Hậu Giang, đến xã Phú Hữu hoạt động cách mạng, kết nạp vào tổ chức Nông Hội Ðỏ. Sau đó, đồng chí Quản Trọng Hoàng đã thay mặt Ðặc ủy Hậu Giang kết nạp 3 đồng chí vào tổ chức Ðảng Cộng sản Ðông Dương, tại rạch Bà Hơn (Xóm Chài - Cần Thơ) và trở về thành lập chi bộ dự bị tại nhà ông Ba Gần ở Phú Hữu, do đồng chí Quản Trọng Hoàng làm Bí thư.
Chi bộ Ðảng ở Phú Hữu ra đời đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân rất sôi nổi, xây dựng cơ sở cách mạng rất tốt.
Nhận được “Ðề cương khởi nghĩa” của Xứ ủy Nam Kỳ do Tỉnh ủy Cần Thơ triển khai vào tháng 4-1940, Chi bộ Phú Hữu tập trung chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ đến Cần Thơ vào lúc 12 giờ trưa ngày 22-11-1940, nhưng đến khuya ngày 23-11-1940, Quận ủy Phụng Hiệp mới nhận được lệnh và tiến hành.
Sáng ngày 24-11-1940, Chi bộ Phú Hữu tập hợp được 70 quần chúng và kết hợp các làng khác cùng đến thị trấn Phụng Hiệp để cướp dinh quận. Quận trưởng chạy lên Cần Thơ trốn, nên lực lượng khởi nghĩa không thực hiện được kế hoạch, chuyển sang phá cầu Phụng Hiệp, đốn cây hai bên đường, kéo cột dây thép... làm chướng ngại. Công việc đang tiến hành, thì lệnh cấp trên chỉ thị cho lực lượng khởi nghĩa về đánh đồn Cái Cui ở Ðông Phú.
5 giờ sáng ngày 25-11-1940, lực lượng khởi nghĩa bao vây đồn Cái Cui (Ðông Phú), lính đồn bỏ chạy. Lực lượng khởi nghĩa về làng Phú Hữu (vàm Mái Dầm), chiếm nhà Việc, đốt toàn bộ sổ sách, giấy tờ... và tổ chức mít-tinh, hô vang các khẩu hiệu “Ðả đảo thực dân Pháp”. Ðồng chí Nguyễn Phước Ngoạn đã cắm cờ ở nhà Việc trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.
Ðược tin cuộc khởi nghĩa tại Phú Hữu, quận trưởng Trà Ôn đưa tàu lính đến đàn áp. Khi địch đến Phú Hữu thì cuộc mít-tinh đã giải tán. Sau đó, địch bắt 37 người, gồm các cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Nhiều người sau đó bị giam ở Khám Lớn Cần Thơ, trước khi bị đày ra Côn Ðảo.
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Phú Hữu, Cần Thơ nói riêng, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nói chung, đã nêu cao khí thế cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Sự kiện này đã gây tiếng vang và tầm ảnh hưởng cách mạng rộng lớn, là bài học quý về khởi nghĩa vũ trang, là cuộc tập dượt chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 toàn thắng.l
-----------
* Bài viết có tham khảo tư liệu “Ðịa chí Cần Thơ”.