20/12/2019 - 08:18

Nắm bắt cơ hội nghề nghiệp 

Nhằm trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên (SV), thời gian qua, các cấp bộ Đoàn- Hội TP Cần Thơ đã đổi mới công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho SV. Nổi bật là thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm, giao lưu với các doanh nhân; tham quan và thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Tuy nhiên, để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường lao động, đòi hỏi mỗi bạn trẻ cần tự học, tự trui rèn kỹ năng từ những trải nghiệm thực tế.

Kết nối với doanh nghiệp

Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vừa tổ chức Ngày hội việc làm Công nghệ thông tin vào cuối tuần qua, thu hút hơn 2.000 SV tham gia. Gần 20 doanh nghiệp lĩnh vực Công nghệ thông tin đã tư vấn hướng nghiệp, tuyển thực tập viên, đồng thời phỏng vấn tuyển dụng nhân sự trực tiếp tại ngày hội. Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo cầu nối giữa nhà trường với các tổ chức tuyển dụng để cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động, đồng thời tạo kênh tương tác giữa SV với doanh nghiệp. Qua đó, giúp các bạn trẻ nắm bắt những yêu cầu của doanh nghiệp, từ đó đề ra mục tiêu phấn đấu học tập và rèn luyện.

Ngô Minh Trung, SV năm cuối ngành Kỹ thuật phần mềm (Trường ĐHCT), chia sẻ: “Thông qua ngày hội, em được hướng dẫn làm hồ sơ ứng tuyển làm thực tập viên tại Công ty Công nghệ thông tin VNPT. Đây là cơ hội để em áp dụng và phát triển các kiến thức chuyên môn được học, như: hỗ trợ các hoạt động thiết kế ấn phẩm truyền thông, Marketing, được tập huấn kỹ năng làm việc nhóm…”. Theo Trung, đây cũng là cơ hội để cậu tích lũy kinh nghiệm thực tế trong môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp. Trung còn tiếp cận nhiều gói ưu đãi giảm giá học phí ngoại ngữ, các khóa tập huấn kỹ năng bổ ích; hiểu rõ hơn về môi trường việc làm của doanh nghiệp lĩnh vực Công nghệ thông tin để chuẩn bị đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Không chỉ thu hút số lượng lớn SV năm 3, năm 4, nhiều SV năm 1, năm 2 cũng đến với ngày hội để tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Nguyễn Thanh Tuấn, SV năm thứ 1 ngành Công nghệ thông tin (Trường Đại học An Giang), chia sẻ, em được các doanh nhân tư vấn hướng nghiệp, chia sẻ phương pháp xây dựng kế hoạch học tập để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo đó, bên cạnh việc học tập tốt, SV cần rèn luyện kỹ năng mềm, từ kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm đến khả năng sử dụng tin học, ngoại ngữ. “Thậm chí một số doanh nghiệp còn yêu cầu ứng viên phải biết viết PR, cách quảng cáo trên mạng xã hội hoặc kỹ năng chụp ảnh, photoshop…”- Tuấn chia sẻ. Vì vậy, qua ngày hội, em sẽ nỗ lực tham gia các hoạt động ngoại khóa, học thêm một số kỹ năng ngoài chuyên ngành được học.  

Theo Giáo sư- Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, hiện toàn trường có hơn 5.000 SV học các ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông, mỗi năm có hơn 1.000 SV tốt nghiệp. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, hằng năm, Ngày hội việc làm Công nghệ thông tin được trường tổ chức nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp từ nhà tuyển dụng, từ đó giúp nhà trường đổi mới chương trình đào tạo; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

SV đăng ký làm thực tập viên tại một doanh nghiệp trong Ngày hội việc làm Công nghệ thông tin do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Nhiều hoạt động rèn kỹ năng

Ngô Tài Lợi, vừa tốt nghiệp ngành Việt Nam học (Trường ĐH Tây Đô), nay được trường tuyển dụng ngay làm nhân viên Trung tâm Hỗ trợ SV và Hợp tác doanh nghiệp. Từng là Phó Bí thư Đoàn khoa Ngữ văn khi còn là SV nên Lợi có môi trường để trau dồi và phát triển kỹ năng. Nhờ vậy, khi bắt đầu làm việc, anh sớm nắm bắt công việc và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo tâm sự của Lợi, hoạt động Đoàn- Hội giúp anh tự tin và tích lũy được nhiều kiến thức thực tế bổ ích. Cụ thể, thông qua các hoạt động, phong trào, anh biết cách xây dựng kế hoạch, vận động SV tham gia, đồng thời xây dựng được mối quan hệ xã hội lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; bản thân học được cách giao tiếp khéo léo, kỹ năng xử lý tình huống cũng tốt hơn. Thực tế cho thấy, nhờ các mối quan hệ xã hội từ thời SV nên khi làm việc, phụ trách mảng tư vấn hướng nghiệp và hợp tác doanh nghiệp, anh tham mưu lãnh đạo kết nối được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia các chương trình, hoạt động tư vấn, giao lưu với SV; tuyển dụng thực tập viên, nhân sự dành cho SV năm cuối, cũng như nhiều sân chơi bổ ích cho SV rèn luyện kỹ năng.

Anh Nguyễn Trọng Hiếu, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cũng cho rằng, hoạt động giao lưu, kết nối giữa SV và doanh nghiệp được trường rất chú trọng. Bởi chính những trải nghiệm thực tế giúp SV lĩnh hội kiến thức đầy đủ, khoa học và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Đoàn trường cũng phối hợp tổ chức nhiều khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng mềm cho SV, như: phối hợp tổ chức giảng dạy 3 lớp kỹ năng mềm cho hơn 150 SV; tăng cường các hoạt động học thuật tạo điều kiện cho SV thi tay nghề giỏi, ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn; tổ chức các hội thảo, diễn đàn giao lưu giữa doanh nghiệp với SV… 

Không chỉ các đơn vị trên, cấp bộ Đoàn- Hội trên địa bàn thành phố còn thành lập nhiều câu lạc bộ “SV 5 tốt”, mỗi trường tổ chức ít nhất 1 hoạt động hỗ trợ SV khởi nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm đi đôi với triển khai các lớp đào tạo kỹ năng mềm nhằm tạo môi trường giúp SV rèn luyện. Qua đó, góp phần giúp SV nâng cao ý thức học tập, có mục tiêu phấn đấu trong học tập và rèn luyện, trang bị kỹ năng vững chắc làm hành trang trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết