17/10/2008 - 08:00

Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII:

Năm 2009, tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, chăm lo tốt hơn an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị

Sáng 16-10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự khai mạc kỳ họp có: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Chương trình nghị sự của kỳ họp thứ tư gồm nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào một số nhóm vấn đề sau đây: Một là, xem xét các Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009. Hai là, thảo luận và thông qua 8 dự án luật và 1 Nghị quyết. Đó là các dự án: Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật cán bộ, công chức; Luật quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật thi hành án dân sự; Luật bảo hiểm y tế; Luật công nghệ cao; Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật đa dạng sinh học và Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Cho ý kiến về 6 dự án luật: Luật quản lý nợ công; Luật lý lịch tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật bồi thường nhà nước; Luật quy hoạch đô thị và Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Ba là, xem xét báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ và các ngành Tòa án, Kiểm sát về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại của Nhà nước; tình hình quốc phòng, an ninh và một số báo cáo chuyên đề khác. Bốn là, tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 và một số vấn đề mới phát sinh trong những tháng đầu năm 2008. Xem xét một số báo cáo kết quả giám sát chuyên đề do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thực hiện.

Nghe báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009. Năm là, xem xét Đề án và thảo luận, thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và việc nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày nêu rõ: Năm 2008, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả bước đầu quan trọng; nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá trong điều kiện lạm phát cao: Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,5 - 7% ; trong đó, nông nghiệp tăng 3,5 - 3,9%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,3 - 7,5%, dịch vụ tăng 7,2 - 7,8%; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giá đầu vào tăng cao nhưng nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả nổi trội: giá trị sản xuất ước tăng 5,1% (năm 2007 tăng 4,6%); sản lượng lúa tăng khoảng 2,6 triệu tấn, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, thủy sản tăng gần 9,0%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 16,2% (năm 2007 tăng 17,1%). Nhiều ngành dịch vụ phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 31% (năm 2007 tăng 22,7%). Xuất khẩu năm 2008 tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 48,6 tỉ USD tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007 (cùng kỳ tăng 19,4%); ước cả năm đạt trên 65 tỉ USD, tăng 33,9% là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua (năm 2007 tăng 21,9%). An sinh xã hội được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả; các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin và bảo vệ môi trường được chú trọng; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có những chuyển biến tích cực; hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Khẳng định những chuyển biến tích cực bước đầu quan trọng nêu trên, Thủ tướng cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém là: Lạm phát cao, nhập siêu lớn, cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; Hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế khó đạt chỉ tiêu đề ra; Đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn; Việc giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc còn chậm, kết quả còn hạn chế; Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu là khâu đột phá; kết quả phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn thấp; An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn vẫn còn phức tạp.

Báo cáo nêu rõ: Mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế, xã hội của năm 2009 cần được xác định là: tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, chủ động hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chăm lo tốt hơn an sinh xã hội; duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát trên đây, phải tập trung làm tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau: Một là, thực hiện có hiệu quả các chính sách về tiền tệ, tài khóa, đầu tư, xuất nhập khẩu, tăng cường mức độ an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; đưa lạm phát năm 2009 xuống dưới 15% và xuống một con số vào năm 2010. Hai là, thực hiện tốt các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tiếp tục phát triển vững chắc các lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường. Ba là, phát huy mọi tiềm năng của đất nước, tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, trên cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển nhanh khu vực dân doanh, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh và nâng cao chất lượng của đầu tư nước ngoài. Bốn là, đặc biệt coi trọng tính bền vững và chất lượng tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch và hiệu quả đầu tư, áp dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế. Năm là, tập trung cao hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Sáu là, tập trung khắc phục những “điểm nghẽn” trong tăng trưởng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, thu hút đầu tư; trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là sức cạnh tranh cơ bản nhất, là yêu cầu bất biến trong thế giới toàn cầu hóa và biến đổi không ngừng.

Chiều 16-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp tục trình bày nhiều báo cáo, tờ trình quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết