26/01/2019 - 07:31

Mỹ từ chối đóng cửa sứ quán tại Venezuela 

Quan hệ Mỹ - Venezuela tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi hai bên tuyên bố rút nhân viên ngoại giao về nước.

Tổng thống Maduro vẫy quốc kỳ Venezuela trước đám đông ủng hộ tại Điện Miraflores. Ảnh: Reuters

Hôm 24-1, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro yêu cầu Mỹ đóng cửa đại sứ quán ở Thủ đô Caracas và đưa tất cả nhân viên ngoại giao về nước trong 72 giờ. Nhà lãnh đạo cánh tả sau đó triệu hồi tất cả nhân viên của đại sứ quán và 7 lãnh sự quán Venezuela trên đất Mỹ. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác yêu cầu rút phái bộ ngoại giao nước này tại Venezuela khi khẳng định Washington không công nhận chế độ ông Maduro là “chính quyền hợp pháp”.

Nhưng trong thông báo tiếp theo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết toàn bộ nhân viên không chủ chốt được lệnh rời khỏi quốc gia Nam Mỹ. Song, thông báo nêu rõ Washington chỉ giảm nhân viên và đại sứ quán ở Caracas vẫn tiếp tục hoạt động đáp ứng “nhu cầu khẩn cấp” của công dân Mỹ. Dù vậy, cơ quan này khuyến cáo người Mỹ tại Venezuela nghiêm túc cân nhắc rời khỏi đây. Động thái được đưa ra sau cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino về “cuộc nội chiến” bị châm ngòi bởi “âm mưu” do Mỹ hậu thuẫn hòng lật đổ Tổng thống Maduro.

Ngoại trưởng Pompeo cũng đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận tình hình Venezuela. Theo giới phân tích, bất ổn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ có xu hướng bùng nổ thành khủng hoảng sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tuyên bố trở thành “tổng thống lâm thời” và được Mỹ, Canada, Anh, Pháp cùng nhiều quốc gia khu vực ủng hộ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton còn cho biết Nhà Trắng đang tìm cách cắt giảm tài chính của Tổng thống Maduro và đảm bảo doanh thu từ dầu mỏ của Venezuela tới tay ông Guaido. Trong hai năm qua, Mỹ đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhắm đến các quan chức trong chính quyền Maduro, hạn chế Caracas tiếp cận thị trường nợ của Mỹ đồng thời ngăn chặn giao dịch liên quan ngành kinh doanh vàng của Venezuela.

Trong khi chính quyền Trump tiếp tục gây sức ép lên ông Maduro, cộng đồng quốc tế vẫn đang chia rẽ về “hai vị tổng thống” Venezuela. Tuyên bố của Nga chỉ trích việc ủng hộ lãnh đạo đối lập Guaido là “vi phạm luật pháp quốc tế” và “con đường trực tiếp dẫn tới đổ máu”. Điện Kremlin xác định tình hình Venezuela là “cuộc khủng hoảng chính trị trong nước bị kích động bởi các thế lực bên ngoài”. Trong tuyên bố ủng hộ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng trừng phạt và can thiệp từ bên ngoài chỉ khiến tình hình thêm phức tạp. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên Venezuela đối thoại để tránh khủng hoảng vượt tầm kiểm soát, dẫn đến thảm họa đối với người dân Venezuela và khu vực. Liên minh Bolivar cho các Dân tộc châu Mỹ-Thỏa thuận Thương mại giữa các Dân tộc (ALBA-TCP) hôm 24-1 ra thông cáo khẳng định sự ủng hộ và công nhận Tổng thống  Maduro  là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela. Tổ chức khu vực này cũng cáo buộc một số nước Mỹ Latinh âm mưu làm suy yếu và gây bất ổn chính quyền hợp pháp của Venezuela thông qua sự ủng hộ vi hiến đối với một chính phủ song song tại quốc gia Nam Mỹ này. Tại phiên họp bất thường của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) diễn ra cùng ngày, đa số các nước thành viên đã không ký thông cáo do Mỹ đề xuất công nhận ông Guaido là “tổng thống lâm thời” của Venezuela.

Về phần mình, Tổng thống Maduro tuyên bố ông sẵn sàng “đối thoại, để thấu hiểu, thương lượng và thỏa thuận”. Song, ông cũng cáo buộc phe đối lập đang trở thành “con tốt” trong âm mưu của Mỹ. Đáp lại, ông Guaido khẳng định không ai muốn can thiệp quân sự nước ngoài ở Venezuela, đồng thời nói rằng Tổng thống Maduro “có thể được ân xá” nếu chấp nhận từ bỏ quyền lực, thực hiện tiến trình chuyển tiếp chính trị trong hòa bình. Theo giới quan sát, tình hình hiện nay phản ánh vị thế chiến lược của Venezuela - quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Trong đó, giáo sư lịch sử Mỹ Latinh Miguel Tinker Salas tại Đại học Pomona cho rằng một giải pháp đàm phán, có thể do Mexico và Uruguay làm trung gian, là cách duy nhất xoa dịu bất ổn chính trị đang manh nha leo thang thành khủng hoảng địa chính trị lớn giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết