MAI QUYÊN (Theo Nikkei)
Lục quân Mỹ đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tiến hành những cải cách chưa từng có nhằm chuyển trọng tâm quân sự từ chống khủng bố ở Trung Ðông sang đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc.

Lục quân Mỹ huấn luyện chống tăng trong cuộc tập trận Lá chắn phương Đông.
Theo dữ liệu của Lầu Năm Góc, khoảng 54.000 lính Mỹ đồn trú ở Nhật bản tính đến tháng 9-2022. Trong đó chỉ có 2.400 lính Lục quân, dễ tạo ấn tượng chung rằng quân chủng này không đóng vai trò quan trọng trong cam kết bảo vệ Tokyo hoặc những tình huống bất ngờ liên quan Trung Quốc. Thay vì tăng số lượng quân thường trú vốn khó xảy ra, Lục quân đã tiến hành các đợt cải tổ cơ cấu hoạt động và phát triển hệ thống vũ khí mới nhằm tăng cường năng lực ngăn chặn Trung Quốc. Cơ quan này cũng chú trọng cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản.
Tiềm năng hợp tác giữa hai đồng minh
Tuần rồi, Tướng Randy George thăm Nhật Bản trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên trên tư cách Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ. Phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara, vị này nêu bật quan hệ bền chặt giữa 2 nước, qua đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương. Tướng George đặc biệt lưu ý các cuộc tập trận chung thường niên như Lá chắn phương Ðông (Orient Shield) hay Yama Sakura, coi đây là cơ hội tốt để nâng cao kỹ năng chiến đấu và củng cố liên minh Mỹ - Nhật.
Trong đợt thị sát cuộc tập trận Lá chắn phương Ðông tuần trước, Tư lệnh lực lượng liên hợp số 1 của Lục quân Mỹ, Chuẩn tướng Bernard Harrington còn tiết lộ kế hoạch chia sẻ thông tin tình báo giữa lực lượng đặc nhiệm đa vùng với Nhật Bản. Ðược biết, lực lượng đặc nhiệm đa vùng đầu tiên do ông Harrington chỉ huy được thành lập năm 2017, phản ánh chiến lược xoay trục của Lục quân sang Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Lực lượng có 4 nhóm với khả năng phòng không, bắn tầm xa và hỗ trợ các loại hình tác chiến phi động học như trên không gian mạng, ngoài vũ trụ và điện từ. Một trong những chức năng cốt lõi của lực lượng đặc nhiệm là thu thập thông tin tình báo ở tiền tuyến thông qua các tài sản trên không, không gian mạng và vũ trụ.
Về mối đe dọa từ Trung Quốc, ông Harrington lưu ý nước này sở hữu kho vũ khí lớn gồm tên lửa đạn đạo và hành trình phục vụ cho chiến lược “chống tiếp cận/từ chối khu vực”. Mục tiêu chiến lược là làm gián đoạn các hoạt động trên không và trên biển của Mỹ, nhưng ông Harrington khẳng định Lục quân với lực lượng bộ binh cơ động và linh hoạt hoàn toàn có khả năng chống trả cũng như ngăn chặn Bắc Kinh.
Thách thức hiện nay là nhu cầu về sự hiện diện liên tục dọc theo “chuỗi đảo thứ nhất” trải dài từ Okinawa (Nhật) và Ðài Loan đến Philippines. Ðiều này đòi hỏi đơn vị hỏa lực tầm xa của lực lượng đặc nhiệm nằm trong tầm tiếp cận các điểm nóng tiềm ẩn ở khu vực như Eo biển Ðài Loan và Biển Ðông. Ðể đạt mục tiêu trên, lực lượng đặc nhiệm đang tăng cường huấn luyện chung với nhiều nước châu Á. Ngoài ra, Lục quân Mỹ dường như có kế hoạch tìm kiếm các căn cứ mới ở đây. Tuy không rõ mức độ sẵn sàng của Lầu Năm Góc, nhưng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hồi tháng 7 từng đề cập Nhật Bản, Philippines như những địa điểm tiềm năng.
Ngày 26-9, Hàn Quốc tổ chức cuộc họp 3 bên hiếm hoi với các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc và Nhật Bản. Đây được coi là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằm xoa dịu lo ngại của Bắc Kinh về mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc giữa Seoul và Tokyo với Mỹ. Mặt khác, cuộc gặp được kỳ vọng tạo tiền đề nối lại hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 3 nước.