HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider)
Các tàu ngầm Mỹ và Anh sẽ sớm hoạt động ở ngoài khơi nước Úc, qua đó có thể mở rộng hiện diện tại Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương, nơi mà những đối thủ đang tăng cường các hoạt động dưới mặt biển.
USS Asheville, tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, thăm Úc hồi tháng 3. Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc
Hồi tháng 3-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các lãnh đạo Anh và Úc đã công bố thỏa thuận tàu ngầm lịch sử trong khuôn khổ hợp tác AUKUS. Theo đó, Úc sẽ sở hữu thế hệ tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân mới do Mỹ sản xuất vào đầu thập niên 2030, rồi tiếp tục nhận những tàu ngầm nội địa đầu tiên trong thập niên 2040.
Nhưng trước mắt, các tàu ngầm Mỹ và Anh sẽ thăm các cảng của Úc thường xuyên hơn và đến năm 2027, các tàu ngầm tấn công của 2 nước trên (gồm 4 tàu của Mỹ và 1 của Anh) sẽ bắt đầu hiện diện luân phiên tại căn cứ hải quân HMAS Stirling gần thành phố Perth (bang Tây Úc), trên Ấn Ðộ Dương. Các quan chức Mỹ cho rằng sự hiện diện này sẽ giúp phát triển năng lực vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc.
Tàu ngầm Nga, Trung hoạt động tích cực
Thỏa thuận AUKUS ra đời trong bối Trung Quốc và Nga đang mở rộng hạm đội tàu ngầm và hoạt động tích cực tại Thái Bình Dương. Nga tiếp tục bổ sung thêm các tàu ngầm mới cho Hạm đội Thái Bình Dương, bao gồm 2 chiếc hồi tháng 10-2022. Một trong số này là tàu ngầm lớp Yasen được trang bị tên lửa dẫn đường và có độ ồn thấp hơn những tàu ngầm khác của Nga. Do vậy, nhiều sĩ quan cao cấp lo ngại tàu ngầm lớp Yasen có thể thách thức khả năng theo dõi của Hải quân Mỹ.
Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Bắc của quân đội Mỹ, cảnh báo tàu ngầm lớp Yasen của Nga có thể hiện diện thường xuyên ngoài khơi Mỹ và trở thành mối “đe dọa thường trực” đối với nước này chỉ trong hai năm tới.
Trong báo cáo gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá các tàu ngầm của Trung Quốc thường không hiện đại bằng các tàu ngầm Nga, nhưng hải quân nước này đang ưu tiên hiện đại hóa chúng. Mặt khác, lực lượng dưới mặt nước của Bắc Kinh cũng đã có những bước phát triển đáng chú ý. Loại tàu ngầm mới nhất của Trung Quốc là tàu lớp Yuan chạy bằng diesel-điện hoạt động yên ắng và sở hữu những thiết bị sonar tiên tiến hơn, “rất lợi hại trong cuộc chiến diệt ngầm”. Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng 6 tàu ngầm lớp Jin mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc đang tuần tra răn đe trên biển “gần như liên tục”, một dấu hiệu cho thấy lực lượng tàu ngầm của nước này vẫn tiếp tục cải thiện năng lực hoạt động.
Tướng Anthony Cotton, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi đầu năm cho rằng các tàu ngầm lớp Jin đang được trang bị tên lửa thế hệ thứ ba - JL-3. Với tầm bắn hơn 10.000km, JL-3 có thể cho phép tàu ngầm Trung Quốc lần đầu tiên bắn tên lửa từ vùng ven biển của nước này tới lãnh thổ Mỹ.
Chính những bước tiến trên khiến Mỹ càng chú trọng hơn vào khả năng bố trí các tàu ngầm ở gần Tây Thái Bình Dương. 25 trong số 49 tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ đang đóng tại Thái Bình Dương. Washington đã di chuyển một số tàu ngầm xa hơn về phía Tây. Hồi tháng 3-2022, số lượng tàu ngầm đóng tại đảo Guam đã tăng lên 5, so với 2 tàu vào năm 2021. Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở hỗ trợ tàu ngầm ở Guam nhằm mở rộng khả năng hoạt động tại vùng lãnh thổ hải ngoại này. Giống như đảo Guam, việc hoạt động tại Úc sẽ giúp các tàu ngầm ở gần Tây Thái Bình Dương hơn và cho phép tàu hoạt động trên biển nhiều hơn.