17/05/2016 - 21:14

Mỹ - Nhật - Hàn tập trận chống tên lửa Triều Tiên

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng nước này cho biết Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung đầu tiên vào cuối tháng 6 tới trong bối cảnh quan ngại về mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ CHDCND Triều Tiên ngày càng gia tăng.

Cuộc diễn tập được ấn định vào ngày 28-6, bên lề hoạt động tập trận hải quân quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu trên vùng biển ngoài khơi Hawaii từ ngày 1-6 đến ngày 1-8. Trong cuộc tập trận, Mỹ và hai đồng minh Đông Á sẽ triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis để kiểm tra năng lực theo dõi và phát hiện tên lửa trong tình huống mô phỏng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Trang CNN trích lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói thêm, mục tiêu diễn tập không bao gồm hoạt động đánh chặn tên lửa thực tế. Thay vào đó, tàu Hải quân các đơn vị sẽ tập trung vào khả năng thu thập dấu hiệu và chia sẻ thông tin quỹ đạo tên lửa giả định phóng từ Triều Tiên thông qua kênh hoạt động chung.

Máy bay chiến đấu của Mỹ tại căn cứ không quân ở Gunsan, Hàn Quốc, trong một cuộc tập trận chung hồi tháng 4 năm nay. Ảnh: EPA

Trả lời phỏng vấn của CNN, phát ngôn viên Lầu Năm Góc - Thiếu tá Jamie Davis không nêu thông tin cụ thể cuộc tập trận sắp tới nhưng cho biết hoạt động này diễn ra trong phạm vi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, ký kết giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối năm 2014. Đây là hiệp định đầu tiên giữa 3 nước sau nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy 2 đồng minh lớn nhất châu Á cải thiện và thắt chặt quan hệ song phương trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự bên cạnh các mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

Trước nay, Mỹ vẫn thường chia sẻ thông tin tình báo cũng như tập trận riêng với Hàn Quốc hoặc Nhật Bản theo các hiệp ước song phương. Ngoài giới hạn diễn tập tìm kiếm cứu hộ, hợp tác trực tiếp quân sự với Nhật Bản vẫn là vấn đề nhạy cảm đối với Seoul do mâu thuẫn giữa hai nước liên quan lịch sử chiến tranh. Điển hình như thỏa thuận năm 2014, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đồng ý chia sẻ bí mật quân sự thông qua Mỹ và Mỹ chỉ được chia sẻ thông tin đã nhận với bên thứ 3 nếu được sự đồng ý của quốc gia còn lại. Do đó, việc Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung với Mỹ được ghi nhận là "sự kiện hiếm có", là "dấu hiệu cho thấy liên minh Mỹ- Nhật- Hàn nhìn nhận nghiêm túc hơn mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên" – theo chuyên gia Thomas Karako thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Mặt khác, giới quan sát dự đoán hoạt động huấn luyện phòng thủ tên lửa trên có thể vấp phải phản ứng gay gắt từ Trung Quốc. Được biết, Hàn Quốc từng lên tiếng về khả năng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa riêng. Trung Quốc và Nga ngay sau đó đã phản đối đề xuất của Wahsington về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc khi cho rằng kế hoạch này sẽ phá vỡ thế cân bằng quân sự trong khu vực. Nhưng theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 16-5, hoạt động diễn tập giữa Hàn Quốc và hai nước đồng minh không liên quan việc Hàn Quốc có triển khai THAAD hay không.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết