30/05/2008 - 22:14

Mỹ muốn khai thác triệt để năng lượng từ gió

Một trại năng lượng gió của Mỹ trên sa mạc. Ảnh: Standford.edu

Trong hai thập kỷ tới, người Mỹ sẽ sử dụng điện do những “cối xay gió” sản xuất ra nhiều hơn là từ các nhà máy điện hạt nhân. Dự báo này được Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) nêu trong báo cáo mới đây về triển vọng phát triển ngành năng lượng gió của nước này.

Dự báo đến năm 2030, năng lượng gió có thể tạo ra 20% sản lượng điện quốc gia, tương đương tổng công suất của các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ hiện nay. Sự phát triển chóng mặt như vậy của ngành năng lượng “sạch” này sẽ đặt ra một số thách thức lớn, song mục tiêu trên hoàn toàn có thể thực hiện được mà không cần một bước đột phá đáng kể nào về công nghệ. Nếu có chiến lược thích hợp, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng tái tạo Andrew Karsner cho rằng có thể sản xuất điện từ gió trên phạm vi toàn quốc mà chỉ “tốn” chưa đến nửa cent cho mỗi kWh.

Năm 2007 được xem là năm nhảy vọt của ngành năng lượng gió ở Mỹ khi vốn đầu tư vào các nhà máy mới lên tới 9 tỉ USD và sản lượng điện tạo ra tăng tới 45%, theo Hiệp hội Năng lượng gió Mỹ (AWEA). Tuy nhiên, năng lượng gió chỉ mới đáp ứng 1% tổng sản lượng điện tiêu thụ của nước này. Theo AWEA, hiện các nhà máy điện chạy bằng sức gió đã được lắp đặt tại 34 bang với tổng công suất hơn 16.000 MW/năm, mới đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt cho 4,5 triệu hộ dân. Mỹ đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm các “nhà máy” phong điện mới, trong số này đáng chú ý là trang trại năng lượng gió lớn nhất nước ở sa mạc Mojave thuộc bang California. Khi hoàn thành vào năm 2010, cả 80 tua-bin gió ở đây sẽ sản xuất đủ điện sinh hoạt cho 56.000 hộ gia đình ở Los Angeles. Trong quí 1 năm nay, ngành năng lượng gió Mỹ lắp đặt thêm hệ thống tua-bin mới với công suất 1.400 MW, sản xuất đủ điện cho thêm 400.000 hộ dân. AWEA cho rằng với việc lắp đặt thêm các tua-bin mới, tổng công suất của ngành năng lượng gió của Mỹ năm nay sẽ tăng lên 18.000 MW – đủ đáp ứng nhu cầu của 5 triệu hộ gia đình.

Thị trường năng lượng gió toàn cầu sẽ phát triển mạnh trong 10 năm tới

Viện Năng lượng gió (DEWI) của Đức cho biết thị trường năng lượng từ sức gió toàn cầu sẽ phát triển mạnh trong 10 năm tới, và có thể đạt tới con số 107.000 MW/năm vào năm 2017.

Theo DEWI, trị giá lượng điện sản xuất từ sức gió vào năm 2017 sẽ vào khoảng 100 tỉ euro, tăng 5 lần so với lượng điện 20.000 MW được sản xuất hàng năm hiện nay, trong đó các thị trường đạt tăng trưởng mạnh nhất về nguồn năng lượng gió là Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ấn Độ.

(TTXVN)

Theo tính toán của DOE, để đạt mức 20% tổng sản lượng điện quốc gia, các tua-bin chạy bằng sức gió sẽ phải sản xuất 300.000 MW điện, gấp gần 20 lần so với hiện nay. Điều này có nghĩa phải lắp đặt thêm hơn 75.000 tua-bin mới, và thậm chí nhiều tua-bin phải lớn hơn. Kèm theo đó là mạng lưới điện phải được mở rộng để tải điện từ các khu vực gió lớn tới những vùng khác của đất nước. Mặc dù khá tốn kém và có nhiều khó khăn nhưng kế hoạch phát triển năng lượng gió của Mỹ theo DOE đánh giá là rất có tính khả thi. Thách thức chủ yếu là nó đòi hỏi sự cải tiến công nghệ tua-bin và mở rộng hệ thống truyền tải điện cũng như thị trường tiêu thụ nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này để đạt mức tăng 16.000 MW điện/năm, bắt đầu từ năm 2018, cao gấp 5 lần so với mức tăng hiện nay.

Nếu tỷ trọng điện từ gió của Mỹ đạt 20%, DOE ước tính lượng tiêu thụ khí đốt và than dự kiến sẽ giảm lần lượt là 11% và 18% vào năm 2030. Kết quả là lượng khí CO2 - thủ phạm làm Trái đất nóng lên - thải vào bầu khí quyển cũng sẽ giảm 825 triệu tấn mỗi năm, tương đương với việc “cất” 140 triệu ô tô trong ga-ra.

H.A (Theo Reuters, TTXVN, Xinhua, Somd)

Vẫn dùng phong điện khi trời lặng gió

Làm thế nào giữ đèn vẫn sáng khi trời không có gió hoặc khi cối xay gió ở địa phương ngưng hoạt động? Đảo Utsira nằm ở ngoài khơi bờ biển Tây Nam Na Uy đang thử nghiệm phương pháp lưu trữ năng lượng tạo ra từ gió cho những ngày lặng gió và bước đầu đã thành công.

Tọa lạc ở vị trí lộng gió quanh năm, Utsira hiện có hệ thống chuyển hóa năng lượng gió dôi dư thành khí hyđrô đầu tiên trên thế giới. Bình thường, 2 tua-bin gió trên đảo tạo ra lượng điện nhiều hơn so với nhu cầu sử dụng của 210 người dân ở đây. Vào ngày ít gió, hầu hết dân trên hòn đảo rộng chỉ 6 km2 này phải xài ké điện trong đất liền. Tuy nhiên, bất chấp điều kiện thời tiết thế nào, có 10 hộ dân vẫn sử dụng năng lượng gió nhờ dự án lưu trữ năng lượng gió được thí điểm cách đây 4 năm.

Theo đó, năng lượng gió dôi ra sẽ được xử lý qua nước và qua quá trình điện phân để tách nguyên tử hyđrô ra khỏi ôxy. Khí hyđrô sau đó được nén và trữ trong bồn chứa để đáp ứng nhu cầu năng lượng của 10 gia đình trong 2 ngày trời không gió.

T.H (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết