05/10/2022 - 21:38

Mỹ lần đầu triển khai tàu sân bay tối tân nhất 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Interesting Engineering)

Ngày 4-10, tàu sân bay mới nhất và hiện đại nhất của Hải quân Mỹ mang tên USS Gerald R. Ford (CVN 78) đã bắt đầu đợt triển khai đầu tiên với kế hoạch tham gia tập trận cùng các đồng minh ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ. Ảnh: Sea Forces

Theo thông cáo của Hải quân Mỹ, tàu USS Gerald Ford và nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ hoạt động cùng các đồng minh, đối tác của Mỹ ở cả khu vực chuyên trách của Hạm đội 2 và Hạm đội 6 trên Ðại Tây Dương và Ðịa Trung Hải. Việc triển khai sẽ bao gồm “khoảng 9.000 binh sĩ, 20 tàu và 60 máy bay đến từ 9 quốc gia”. Các nước tham gia tập trận gồm Mỹ, Canada, Ðan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ðức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Ðiển. Ðợt triển khai này sẽ ngắn hơn so với quá trình triển khai tiêu chuẩn kéo dài 6 tháng.

Hải quân Mỹ cho biết USS Gerald Ford là tàu sân bay mới đầu tiên được thiết kế trong “hơn 40 năm”. Quá trình đóng tàu chính thức bắt đầu vào tháng 11-2009 và nó được đưa vào hoạt động trong năm 2017 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Chi phí sản xuất 13,3 tỉ USD cộng với 4,7 tỉ USD chi phí nghiên cứu đã biến USS Gerald Ford thành một trong những khí tài đắt đỏ nhất của Mỹ. Ðây là tàu sân bay hạt nhân lớp Ford đầu tiên của Mỹ, được đóng để thay thế các siêu tàu sân bay lớp Enterprise và Nimitz lỗi thời. Hải quân Mỹ đã bắt đầu đóng 2 tàu sân bay lớp Ford tiếp theo là USS Kennedy và USS Enterprise.

Hàng không mẫu hạm lớp Ford được trang bị hàng loạt công nghệ hiện đại mới, bao gồm “lượng điện năng gần gấp ba lần” so với các tàu sân bay lớp Nimitz và sử dụng hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS). EMALS sử dụng năng lượng điện để phóng máy bay khỏi tàu thay cho hệ thống máy phóng hơi nước trước đây. Hệ thống này tạo ít áp lực lên máy bay hơn khi phóng và giúp rút ngắn thời gian giữa các đợt phóng. Nhờ vậy, USS Gerald Ford có thể phóng nhiều phi cơ hơn 25% mỗi ngày và cần ít hơn 25% thủy thủ vận hành so với tàu sân bay lớp Nimitz (chiếc này cần 5.000 thủy thủ). Theo tính toán, chi phí vận hành trong khoảng thời gian 50 năm phục vụ của tàu sân bay lớp Ford sẽ thấp hơn 4 tỉ USD so với các tàu sân bay
tiền nhiệm.

Với “trái tim” là 2 lò phản ứng hạt nhân A1B được nâng cấp, USS Gerald Ford có thể đạt vận tốc tối đa 56km/h. Tốc độ này kém chiếc tiền nhiệm USS Enterprise một chút nhưng bù lại gây ấn tượng mạnh bởi kích cỡ và lượng giãn nước. So với 94.000 tấn của USS Enterprise, chiếc USS Gerald Ford có lượng giãn nước toàn tải là 100.000 tấn.

Ngoài ra, USS Gerald Ford dài 333m, rộng 78m, với tháp điều khiển cao 76m. Ngoại thất của tàu được phủ bởi 757.000 lít sơn, đủ để sơn ngoại thất Nhà Trắng 350 lần. Nhưng nhờ kích thước khổng lồ, USS Gerald Ford có thể “cõng” hơn 75 chiến đấu cơ, bao gồm tiêm kích F/A-18E/F “Super Hornet” của Boeing, cùng nhiều máy bay hỗ trợ khác như Grumman C-2 Greyhound, Northrop Grumman E-2 Hawk. Một trong các tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ là F-35C Lightning II dự kiến cũng sẽ được lựa chọn để làm nhiệm vụ thường trực trên tàu sân bay này.

Bản thân USS Gerald Ford cũng có khả năng tự vệ khi được trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa và tầm gần. Trong số này có bệ phóng tên lửa đất đối không RIM-162 Evolved Sea Sparrow, RIM-116, hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx được trang bị pháo 6 nòng 20mm M61 Vulcan và súng máy M2 12,7mm. Hệ thống Phalanx có thể tự động phát hiện, nhắm và tiêu diệt nhiều dạng mối đe dọa trên không, từ tên lửa, máy bay chiến đấu cho đến các phương tiện không người lái.

Về hệ thống tác chiến điện tử, tàu sân bay lớp Ford mạnh hơn nhiều so với tàu lớp Nimitz do được trang bị các radar đa năng AN/SPY-3 X-Band và AN/SPY-4 S-Band tân tiến. Tàu lớp Ford cũng có radar băng tần kép (DBR), lần đầu được phát triển cho khu trục hạm lớp Zumwalt.

Chia sẻ bài viết