Phái đoàn châu Phi đề xuất kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17-6 tuyên bố Washington sẽ không tiến hành “thu xếp” đặc biệt để Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).
Phát biểu với báo giới tại một căn cứ quân sự gần thủ đô Washington khi đang chuẩn bị lên đường tới thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), Tổng thống Biden khẳng định: “Họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giống nhau”, vì vậy, Mỹ “sẽ không đơn giản hóa” tiến trình gia nhập NATO của Ukraine.
Bình luận của Tổng thống Mỹ được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva) trong tháng tới.
Trước đó, hôm 16-6, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự này đang nhắm mục tiêu tổ chức phiên họp đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine với Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Vilnius. Cuộc gặp sẽ mang lại cho Ukraine vị thế bình đẳng hơn trong tiến trình “tham vấn và quyết định về các vấn đề an ninh”. Tuy vậy, ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh mặc dù NATO sẽ siết chặt quan hệ chính trị với Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, song sẽ không có bất cứ cuộc thảo luận nào về chủ đề trao tư cách thành viên cho Kiev.
Ngày 24-5, Tổng Thư ký Stoltenberg đã thừa nhận các quốc gia thành viên NATO đang chia rẽ về những việc cần làm tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius liên quan đến quá trình Ukraine thúc đẩy gia nhập liên minh quân sự này. Các quốc gia thành viên NATO đã viện trợ số lượng vũ khí có tổng giá trị lên tới hàng chục tỉ USD cho Ukraine kể từ cuối tháng 2-2022, song một số nhà lãnh đạo trong khối lo ngại quyết định trao tư cách thành viên cho Kiev sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.
Ðến nay, NATO chưa chấp thuận đề nghị của Ukraine là tạo điều kiện thuận lợi để Kiev sớm được gia nhập liên minh quân sự này. Ukraine dự kiến sẽ đưa ra “thông điệp rõ ràng” tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius rằng Kiev sẽ gia nhập NATO sau khi cuộc xung đột với Nga kết thúc. Ukraine thừa nhận sẽ không gia nhập NATO khi đang xảy ra xung đột trên lãnh thổ nước này, nhưng muốn liên minh quân sự có hành động vượt ra ngoài cam kết đưa ra hồi năm 2008 rằng sẽ kết nạp Kiev vào một thời điểm nào đó.
► Trong diễn biến khác, ngày 17-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm về giải quyết cuộc xung đột Ukraine với phái đoàn ngoại giao cấp cao châu Phi, bao gồm đại diện của 7 quốc gia thuộc châu lục này tại thành phố St-Peterburg.
Tại cuộc hội đàm, phái đoàn ngoại giao châu Phi kêu gọi Nga và Ukraine cùng ngồi vào bàn đàm phán để sớm chấm dứt xung đột và châu Phi muốn trở thành nhà môi giới trong tiến trình tìm kiếm hoà bình. Phái đoàn châu Phi đã đề xuất kế hoạch hoà bình tập trung vào 10 điểm chính bao gồm: lắng nghe quan điểm của các quốc gia; bắt đầu đàm phán ngoại giao càng sớm càng tốt; bắt đầu giảm leo thang xung đột từ cả 2 phía; bảo đảm chủ quyền quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc; đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia; đảm bảo việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của cả 2 nước; hỗ trợ nhân đạo cho những người đã trở thành nạn nhân của chiến tranh; giải quyết vấn đề trao đổi tù binh chiến tranh và trao trả trẻ em; tái thiết sau chiến tranh và hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh; hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Phi.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin khẳng định Mát-xcơ-va sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với tất cả những ai mong muốn hòa bình trên nguyên tắc công lý, có tính đến lợi ích hợp pháp của các bên và sẽ xem xét bất kỳ đề xuất nào từ các nước châu Phi về giải quyết vấn đề ở Ukraine. Tổng thống Nga cũng đánh giá cao cách tiếp cận cân bằng của lãnh đạo Liên minh châu Phi đối với tình hình ở Ukraine.
Phái đoàn ngoại giao cấp cao châu Phi trước đó đã đến Kiev ngày 16-6 với hy vọng sẽ mang đến bàn đàm phán tiếng nói của một lục địa đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ cuộc xung đột Ukraine, bao gồm việc tăng giá ngũ cốc.
TRUNG KIÊN (TTXVN)