07/05/2012 - 14:30

Mỹ Duyên và hành trình vượt khó

Được sự giới thiệu của Hội Khuyến học quận Ninh Kiều, chúng tôi tìm đến nhà trọ em Lý Mỹ Duyên (ở đường 3 Tháng 2, phường Xuân Khánh). Duyên trông cứng cỏi hơn nhiều so với tuổi 15, đôi tay chai sần của em liên tục quẹt nước mắt khi kể chuyện nhà. Ngần ấy tuổi đầu Duyên đã phải vất vả kiếm tiền đi học và chăm sóc mẹ bệnh nặng. Thời gian qua, nhiều chuyện không may liên tục xảy đến nhưng em vẫn vững vàng vượt khó, làm bờ vai vững chãi cho mẹ. Điều đáng quý là dù khó khăn trăm bề nhưng cô bé vẫn ham học và đạt danh hiệu học sinh (HS) giỏi nhiều năm liền.

Bà Trần Thị Ngó, chủ nhà trọ nơi Duyên ở, kể: “Duyên ngoan lắm, rất giỏi giang và hiếu thảo với mẹ. Cuộc sống khó nhọc nhưng tôi chưa bao giờ nghe cháu than vãn mà ngược lại còn động viên mẹ đừng lo nghĩ nhiều, ráng tịnh dưỡng để mau hết bệnh”. Biết hoàn cảnh Duyên, hàng xóm rất thương, hay cho đồ ăn, quần áo, giúp tiền để em lo thuốc thang cho mẹ. Mấy năm qua, sách vở, dụng cụ học tập của Duyên đều do nhà trường và bạn bè giúp đỡ. Duyên kể: “Đôi lúc em cũng tủi thân, nhưng xem trên ti-vi, đọc báo, thấy nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình nên em tự nhủ phải cố gắng. Cực khổ cỡ nào em cũng chịu được, chỉ mong mẹ khoẻ, sống lâu vì em chỉ còn mẹ là người thân”.

 Em Lý Mỹ Duyên học bài tại nhà trọ.

Duyên đang học lớp 9A1 Trường THCS Trần Hưng Đạo. Em vừa thi HS giỏi môn Sinh cấp thành phố vào giữa tháng 4-2012. Trong căn phòng trọ không có gì đáng giá, chiếc bàn gỗ mục là nơi ăn cơm cũng là góc học tập của em. Trong suốt buổi trò chuyện, Duyên đau đáu ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học để theo đuổi ngành công nghệ sinh học. Nhìn vào xấp giấy khen và các cuốn sổ liên lạc toàn điểm 9, 10, A+... của Duyên, chúng tôi tin rằng em sẽ thực hiện được mục tiêu của mình: Quyết tâm học để đổi đời, có việc làm ổn định kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu, mẹ của Duyên, hai năm qua, bị thoái hóa cột sống, hiện biến chứng rất nặng, các cơ bị teo, mất sức lao động. Mới đây, chị Thu còn phát hiện bị thần kinh tọa, thiếu máu tim, suy thận. Lúc trước, chị Thu uống thuốc tây, sau này, không có tiền, chỉ uống thuốc nam cầm chừng, hễ ngưng uống thì đau nhức chịu không nổi. Còn Duyên bị suyễn từ nhỏ, mỗi ngày phải uống thuốc, đi đâu cũng thủ sẵn chai thuốc xịt phòng lúc lên cơn, không thở được. Sử dụng thuốc quá nhiều nên cơ thể hai mẹ con đều bị tích nước, phù nề.

Trước đây, gia đình Duyên ở phường An Phú, có sổ hộ nghèo, được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ. Nhưng từ khi bán nhà cửa, cắt hộ khẩu khỏi địa phương thì gia đình em không còn được hưởng các chế độ trợ cấp nữa, cuộc sống càng thêm khó khăn. Năm Duyên học lớp 6, cha mẹ chia tay nhau, rồi cha đi biền biệt đến nay, không liên lạc. Niềm đau chia lìa người thân chưa nguôi thì bà ngoại phát bệnh tai biến. Thời gian ngoại trong bệnh viện, mẹ đi làm suốt, Duyên vào bệnh viện xin cơm từ thiện ăn và chăm sóc ngoại. Cô bé còn làm giúp việc lặt vặt cho những bệnh nhân khác nằm cùng phòng. Ngoại xuất viện, 2 năm trời sống đời thực vật, Duyên cũng là người sớm hôm cận kề, chăm cho ngoại từng muỗng cơm, viên thuốc. Rồi ngoại mất, mẹ Duyên suy sụp nằm liệt giường cả năm trời. Không tiền, không nhà, Duyên và mẹ thay đổi chỗ trọ liên tục, có khi phải ở nhờ bên chái nhà người khác. Không thể để mẹ bệnh tật ở nhà một mình, Duyên nuốt nước mắt xin nghỉ học một năm để đi làm, chăm sóc mẹ. Chị Thu kể: “Thời gian đó khổ không kể xiết. Sáng nào cháu cũng đưa tôi tập đi, một bên tôi tựa vào gậy, một bên tựa vào vai đứa con gái bé bỏng. Gần cả năm trời ròng rã, nhờ sự hỗ trợ của con, tôi mới đi lại được”.

Mấy năm qua, để có tiền sinh sống, trả tiền trọ, hàng ngày, sau giờ học, Duyên đi làm thuê tại một cơ sở chế biến mì trong quận Ninh Kiều. Những ngày nghỉ, em đi làm từ sáng đến gần 9 giờ tối mới xong. Duyên kể: “Đợi người ta cán mì bỏ vô lò hấp, em đập mì cho bung ra, kéo thành dây, ngắt đoạn, vắt thành từng vắt nhỏ. Nhức lưng, đau các đầu ngón tay, chóng mặt nhưng em không nản, ráng làm để có thêm tiền thuốc thang cho mẹ. Em sợ nhất là vào mùa mưa, mì không phơi được cũng đồng nghĩa với không có việc làm, em mua chịu tiệm tạp hóa của chủ nhà trọ, sống cầm cự qua ngày”. Ăn theo sản phẩm nên phải làm nhiều mới có tiền, trung bình mỗi ngày Duyên kiếm được khoảng 50.000 đồng, làm một buổi thì ít hơn. Từ lúc 6 tuổi, Duyên đã theo mẹ vào làm ở lò mì, giờ em trở thành lao động chính. Dạo gần đây, mẹ thường bị xỉu nên đi làm Duyên đem mẹ theo để tiện chăm sóc. Bà chủ lò mì tạo điều kiện cho mẹ Duyên phụ việc lặt vặt kiếm thêm thu nhập, bao cơm ngày hai bữa, hai mẹ con cũng đỡ được phần nào chi phí.

Không thể kể hết bao nỗi nhọc nhằn, vất vả Duyên đã trải qua. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cô bé cũng tự nhủ cố gắng học tập, sống tốt như niềm mong mỏi của mẹ. Đêm nào cũng vậy, sau giờ làm, về nhà dọn dẹp, giặt giũ xong, Duyên thức học bài đến khuya, còn tranh thủ thời gian hướng dẫn một số em nhỏ trong nhà trọ làm toán. Có những khi làm đêm, sáng ngồi không nổi nhưng Duyên cương quyết không nghỉ học. Không chỉ thế, Duyên còn tham gia nhiệt tình các phong trào do lớp, trường phát động, từng nhận được giấy khen hoàn thành xuất sắc công tác Đội... Thầy cô và các bạn trong lớp rất thương Duyên, đã san sẻ bằng những số tiền đóng góp đầy ắp nghĩa tình để Duyên đón tết, mua thuốc cho mẹ...

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ninh Kiều, cho biết: “Duyên là một đứa trẻ rất có nghị lực, sống có hoài bão. Ở lứa tuổi này, đáng ra phải được sống trong sự bảo bọc của gia đình thì em lại sớm vào đời, nhọc nhằn mưu sinh. Từ ngày biết hoàn cảnh của Duyên, chúng tôi đã đồng hành với em nhiều năm liền, hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập để giúp em vơi bớt phần nào khó khăn. Tôi mong Duyên được giúp đỡ nhiều hơn nữa để có điều kiện xây dựng tương lai, yên tâm học hành, phụng dưỡng mẹ”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết