01/03/2008 - 22:08

Truyện ký

Một thoáng Vòng Cung

* MINH THƠ

Đôi mắt tôi như bị thôi miên vào tấm ảnh màu cỡ 9x12. Và trong đầu tôi cũng nhẩm tính lại thời gian xa cách Lụa. Thấm thoát mà đã gần 60 tuổi, tóc của cô còn xanh, vẫn còn nét đẹp của dáng vóc năm xưa, cái vóc dáng mảnh khảnh, đôi mắt sáng trong, gương mặt bầu bĩnh, màu da trắng mịn, đã gần 40 năm vẫn còn in rõ ở trí tôi. Rồi từng kỷ niệm cũng lần lượt hiện về trong trí nhớ.

* * *

Hồi ấy sau đợt 1 tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, tôi được anh hai Sừng dẫn đến một ngôi nhà lá ở ven đô thị xã Cần Thơ, anh quào vách cửa 3 lần, cánh cửa nhà mở hé, tôi và anh lách vào, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn chưn vịt để trên bàn thờ, anh hai Sừng kéo tay người đàn ông chủ nhà đến bên tôi nói nhỏ vừa đủ 3 người nghe:

- Đây là nhà chú Hai, cơ sở nội thành, em yên tâm ăn ở đây theo sắp xếp của chú.

Vậy là từ đêm đó cho đến suốt hàng tháng sau này, tôi bám trụ ở nhà chú Hai. Ít lâu sau mới biết tên chú là Hai Đang. Chú thím đã ngoài 40 tuổi, có hai cô con gái rất xinh: cô lớn tên Lụa, năm ấy 17 tuổi, học sinh lớp 10 Trường Đoàn Thị Điểm, có vóc dáng đẹp quyến rũ, nhất là khi cô mặc bộ áo quần dài trắng học sinh, em gái của Lụa tên là Tơ, nhỏ hơn chị 7 tuổi, học ở trường làng.

Công việc của tôi thường đêm đi xây dựng cơ sở, lạc quyên tiền, của ủng hộ cách mạng, có khi làm cả việc dắt đường cho bộ đội vào đánh trong nội ô thị xã Cần Thơ. Sau mỗi lần hoạt động, tôi trở về nhà chú Hai không dưới 2, 3 giờ sáng. Lần nào thím Hai cũng bồng cô Tơ và gọi Lụa dậy để ra bộ chõng tre phía trước ngủ tiếp, nhường buồng trong của hai cô gái cho tôi ngủ. Chú Hai thì đến chiếc võng ở mái hiên đưa cọt kẹt, đập muỗi xành xạch đến sáng.

Có lần chú thím Hai và Tơ đi đám giỗ bên ngoại từ khuya, dặn Lụa ở nhà canh thay chú. Sáng ra Lụa lo nấu cơm trong bếp, đến khi đám lính nghĩa quân la ó om sòm, chó sủa vang dội, Lụa chạy ra đường nhìn đằng cua quẹo cách đó khoảng trăm mét thấy đám lính đang tiến về phía mình. Lụa vội vã chạy vô đóng cửa nhà lại, vào buồng giật ngược tôi dậy. Thấy mặt Lụa tái xanh tôi biết là có chuyện gì rồi. Lụa luýnh quýnh nói khẽ:

Anh Tấn, lính tới... lính tới... Rồi cô bước vội đến mí vách phía tủ thờ, kéo nắp hầm bí mật lên, đẩy tôi xuống, cô trở lại giở mùng của tôi coi có còn sót thứ gì không, rồi cô cũng chun xuống hầm theo, đậy nắp hầm lại.

Dưới hầm tối om om, tôi kê sát tai Lụa hỏi nhỏ:

- Sao em cũng xuống?

- Ở trên một mình em sợ lắm, có chết, chết chung!

Tiếng đám lính nghe rõ ở đằng trước sân, tôi lấy tay bụm miệng Lụa, nghe tim Lụa đánh thình thịch, tim tôi cũng vậy. Có tiếng tên lính quát:

- Chủ nhà đâu, mở cửa? - Chẳng có tiếng trả lời, đám lính xô sập cánh cửa lá, chúng vào nhà lục phá đồ đạc nghe lổn cổn leng keng, chúng xộc vào buồng, có lẽ ngoài đồ đạc áo quần của Lụa, Tơ ra chẳng thấy thứ gì khác, có tiếng tên lính dưới bếp vọng lên:

- Có thấy gì không?

- Toàn áo quần con gái! - Tên lính dưới bếp văng tục:

- Đ..m... Nồi cơm mới chín tới, lửa củi còn than đỏ tươi, chắc nó đã chạy!- Tên lính trong buồng đáp lại:

- Sáng thì nhà ai không nấu cơm, chắc người ta ra đồng bắt cá, hái rau, mầy thấy đâu cũng Việt cộng.

Chiếc hầm bí mật mà tôi và Lụa đang ở, chú Hai xây dưới đít tủ bàn thờ ở giữa nhà phía trước vách buồng, nên bọn giặc khó ngờ. Dưới đáy hầm chú cẩn thận trải một lớp chiếu dày, tôi đã nhiều lần chun xuống chun lên. Ban ngày, thường thì tôi ở dưới hầm, đêm mới lên ngủ trong phòng của hai chị em Lụa, Tơ.

Chắc chẳng tìm được gì, nên đám lính bỏ đi, tiếng la ó, tiếng chó sủa xa dần, xa dần... Lụa kéo tay tôi nói nhỏ:

- Tụi nó đã đi - Tôi “ừ”. Một không khí yên lặng phập phồng khó hiểu. Chúng tôi tựa lưng vào vách hầm. Tôi nghe tim Lụa và cả tim tôi nữa không còn đập mạnh như hồi nãy, chỉ còn hơi ấm của Lụa như chuyền sang tôi đỡ lạnh và cả cái mùi con gái thoang thoảng ở mũi tôi, một thứ mùi dễ chịu làm sao mà lần đầu tiên trong đời tôi mới có dịp ngửi nó. Cả hai không ai cục cựa, tôi ngồi bất động như những nhà tu ngồi thiền, rồi tôi ngủ thiếp đi tự lúc nào chẳng biết. Khi tỉnh dậy mới hay Lụa cũng ngủ, đầu ngả vào vai phải của tôi, tóc lòa xòa bên ngực tôi, cứ để yên như vậy cho Lụa ngủ dù đôi chân tôi đã tê cóng, bỗng có tiếng kêu khẽ trên nắp hầm:

- Lụa ơi, Lụa à!

Tôi đỡ đầu Lụa dậy và nói nhỏ:

- Hình như tiếng chú Hai?

- Lụa ơi, Lụa à! - Rõ ràng tiếng của chú Hai rồi, tôi khẽ:

- Lên đi! - Lụa đẩy nắp hầm chun lên, tôi vẫn ở lại. Nhưng lòng tôi phập phồng hơn, lẽ đương nhiên là thứ lo ngại phập phồng không giống như lúc sáng khi giặc vào.

Nhưng rồi cớ sao ngày qua ngày chú và thím Hai chẳng một lời rầy la cả Lụa lẫn tôi, sự lo ngại phập phồng ấy cứ dồn lên trong lòng. Rồi một buổi chiều mưa tuy không to nhưng cũng chẳng tạnh, chú Hai bưng mâm cơm vào buồng để xuống đất rồi lại nắp hầm khẽ gọi: - “Lụa ơi, Lụa à”. - Nghe đúng ám hiệu của chú Hai. tôi đẩy nắp hầm chun lên, thấy mâm cơm đặt y chỗ cũ, tôi ngạc nhiên tự hỏi “vì sao hôm nay chú Hai đem cơm cho mình?”. Và tôi cũng tự trả lời: “phải rồi chuyện lo ngại của mình đến rồi đây”, tôi đã chuẩn bị sẵn lời nhận lỗi. Thấy thái độ của chú Hai rất từ tốn, nghiêm trang, đã sợ tôi càng lo hơn.

- Cháu ăn cơm đi, con Lụa gác đường thay chú rồi! - Ngưng một chút chú tiếp, tôi nghe giọng chú nghèn nghẹn:

- Tại chú chủ quan, tính tụi nó không đi càn nên chú thím mới đi đám giỗ cúng ông ngoại sắp nhỏ, phải biết vậy chú ở nhà để thím với con Tơ đi là được rồi! May mà bữa đó không sao, nếu lỡ có bề gì chú có tội với Đảng lớn lắm!

Nói đến đó, tôi nghe giọng chú bị lạc khàn, chú đã khóc, khóc thật! Chú đứng dậy bước ra cửa buồng, chần chừ lúc lâu quay lại nói vói:

- Thôi cháu ăn cơm đi! - Làm sao tôi ăn vô với không khí ấy, lòng nao nao thấy thương chú Hai vô hạn!

Màn đêm buông xuống, tôi thay đồ, xuống hầm đem súng lên, cơn mưa cũng tạnh hẳn, khoác súng lên vai, tôi bước lại cửa sau, ra vườn như thường đêm đã đi công tác.

Lụa đứng tựa cửa trông theo tôi trong bóng tối!...

* * *

Ở nhà tôi thứ Út, không hiểu vì sao, nhất là từ ngày Lụa và tôi ở chung hầm bí mật đến nay, Tơ gọi tôi là anh Hai, xưng em ngọt sớt. Tôi rất áy náy trong lòng. Một hôm chỉ có tôi và Tơ, tôi hỏi: “Anh thứ Út sao cưng gọi là anh Hai, không sợ má rầy?” – “Chị Hai biểu đó, mà anh không xứng là anh Hai em sao? Má nói bộ mầy chịu thằng Tấn làm anh Hai mầy chắc, rồi má ôm hôn em, má dặn; đi học con đừng khoe ở nhà mình có anh Hai nhé, biết được tụi giặc nó vô bắt anh Hai đó!” – “Con biết rồi!”.

Sau ngày ở chung dưới hầm bí mật, nhiều lần đem cơm, Lụa ngồi đối diện trong buồng với tôi suốt bữa ăn. Lụa bảo tôi đưa áo quần dơ cô đi giặt, thấy áo tôi rách Lụa mạng lại, Lụa hỏi tôi nhà ở đâu? – “Nhà anh ở dưới Cà Mau, em hỏi làm chi, xứ nước mặn con gái đàn bà khổ cực lắm, bộ em muốn xuống dưới à?” - Lụa lặng thinh hồi lâu bắt sang chuyện khác: “Chắc ba má anh còn đủ, già hơn ba má em dữ hôn?” - Tôi đáp nửa đùa nửa thử: “Bộ muốn làm dâu sao hỏi dữ vậy, má bị Tây bắn hồi anh mới 4 tuổi, rồi ba anh cũng hy sinh lúc anh lên 10”.

Lụa đăm chiêu nhìn sang hướng khác, hồi lâu mới cất tiếng hỏi khẽ:

- Rồi anh ở với ai?

- Ở với mấy chị, 12 tuổi anh đi học!

- Học ngoài chợ hả, chắc anh học giỏi lắm?

- Không, anh học trường trong kháng chiến, trường Lý Tự Trọng, học đến lớp 10/10 thôi - Lụa lại lặng thinh, cô nói một mình “Mồ côi cha mẹ!”.

Sau này mỗi buổi học về, đem cơm vào buồng cho tôi, Lụa thường mang sách học nhờ tôi giúp. Thấy vậy, Tơ cũng vào nhờ tôi. Bị Lụa rầy, Tơ nũng nịu ngả vào lòng tôi so bì:

- Anh Hai dạy chị Hai, “hổng” dạy em, nghỉ thương anh Hai!

* * *

Hôm ấy trời vừa rạng sáng, chú Hai vào buồng giở mùng gọi tôi dậy, kê sát tai nói nhỏ “Cơ sở vừa cho hay, bữa nay địch càn lớn, cháu ra hầm ở ngoài vườn sẽ cơ động hơn, thím đã gói cơm sẵn cho cháu nè, ra ngoải sớm đi”. Tôi cầm gói cơm mo cau còn nóng hổi, vai khoác khẩu súng AK ra sau hè, đi về hướng hầm bí mật ở đầu bờ đôi giáp chòm mả đá.

Tám giờ sáng, giặc đến bao vây khu vườn cạnh bên, cách hầm tôi vài trăm mét. Chúng cho đắp đập ứ nước khu vườn lại, đem máy bơm, bơm nước ngập các bờ đã đắp. Chúng gọi đó là “chiến thuật đổ nước hang bắt chuột”.

Ở trên miệng hầm, tôi đã giở nắp sẵn, đưa mắt quan sát phía giặc rất kỹ thấy rõ từng thao tác của chúng, tôi nhận định “chắc đã có điềm chỉ điểm, chúng khui hầm của đồng chí ta”. Đến xế chiều, tôi nghe súng nổ rộ phía ấy, sau đó nổ từng tràng rồi im bặt. Ở dưới hầm đầu óc tôi suy nghĩ vớ vẩn, phán đoán lung tung, không có lời giải đáp?...

Tôi nằm rất lâu dưới hầm, hết đèn cầy tôi lại đốt, chẳng còn nghe động tĩnh gì, ngồi dậy kê tay sát ngọn đèn cầy xem đồng hồ, đã 6 giờ 50 hơn. Tôi cẩn thận đẩy nắp hầm nhô đầu lên quan sát xung quanh, sau đó mới chun lên. Bỗng từ xa có bóng người thấp thoáng trong ráng chiều chập choạng tối. Tôi vội vã bước nhanh xuống hầm, vẫn đưa đầu lên quan sát. Bóng người ấy vừa đi như vừa kiếm tìm. Tôi đã nhận ra Lụa mà Lụa chẳng thấy tôi. Tôi gọi nhỏ:

- Lụa, Lụa - Cô ngó dáo dác kiếm tìm. Tôi gọi tiếp:

- Anh đây nè! - Lụa lội thẳng đến tôi khi ấy tôi đã lên khỏi hầm. Cô báo, giọng buồn rười rượi: “Giặc khui hầm đã bắn chết ba người, chúng lấy xác về Cần Thơ” - Lụa không nói thêm lời nào; cả hai chúng tôi ngồi gục mặt xuống hồi lâu. Lụa móc túi áo đưa tôi tấm giấy nhỏ, mở ra tôi thấy ngay là nét chữ của anh bảy Thanh, thủ trưởng tôi; thơ vắn tắt “Có người của ta đầu giặc khai báo, vùng này đã bị lộ, được thơ, cấp tốc đến điểm hẹn đêm qua”. Tôi nắm tay Lụa thật chặt, nói khẽ và nhanh:

- Anh phải đi ngay, em về đi, trời tối!

Chiếc ba lô đã lên vai, tay cầm khẩu súng, tôi chạy ngang chòm mả ra đồng, quay đầu lại trong ánh sáng của trời chạng vạng tối, tôi thấy Lụa còn đứng trông theo.

Đến điểm hẹn thì đoàn xuồng cũng bắt đầu xuất phát.

Một hàng xuồng rất dài trên bốn mươi chiếc, bơi có, chèo có, mỗi xuồng hai hoặc ba thương binh đầu, tay chân, có quấn băng trắng, lặng lẽ tiến ra hướng lộ Vòng Cung, qua ngã ba Trà Bét, ra rạch Xẻo Cui, khi gần đến vàm, bỗng súng nổ dữ dội. Qua máy bộ đàm báo về xuồng chỉ huy, tôi biết đội cảnh giới đã đánh nhau với đám lính hàn lộ. Lịnh chỉ huy quyết đánh để mở đường máu ra khỏi Vòng Cung, đụng đâu đánh đó. Thế là đoàn xuồng tăng tốc dưới làn mưa đạn của hai bên đan xen nhau. Bỗng hai chiếc trực thăng cá lẹp từ hướng phi trường Trà Nóc lồng lộn ầm ầm bay đến, quần đảo thả pháo sáng, sáng rực vùng trời Cầu Nhiếm - Ba Se. Chúng phóng rốc-két xuống sông, nước văng tung tóe. Lịnh chỉ huy quyết vượt sông trước khi chúng gọi pháo bắn. Đúng như dự đoán; sau khi hai chiếc trực thăng cá lẹp đã bắn hết đạn bay về, thì tiếng pháo từ Ô Môn bắn xuống, từ Phong Điền bắn vô. Khi ấy thì đoàn xuồng của chúng tôi cũng vượt khá xa vàm Mương Bố. Đến rạch Lung Đưa, được lịnh dừng lại để kiểm quân, được biết: “Trận đánh với quân hàn lộ của địch, tuy không có hy sinh, chỉ bị thương bốn chiến sĩ. Bị pháo bắn và cá lẹp phóng rốc-két hy sinh 9 người, bị thương trên một chục. Trong số 9 hy sinh có 4 dân công tải thương, 5 bộ đội. Sau khi băng bó xong, đoàn xuồng tiếp tục hành quân.

Về đến vùng giải phóng an toàn thì trời đã sáng hẳn. Trước sân của một trường học, nơi đang có đông người ở đó, tôi cũng lặng lẽ đến xem, 9 liệt sĩ hy sinh đêm hôm xếp nằm hàng dài, chưa có chăn chiếu gì đắp lại, tôi đến ngắm mặt từng người, đến người thứ 9 nằm bìa, mắt tôi bỗng hoa lên, nhòa đi trên một gương mặt quá quen thuộc. Chẳng lẽ chú thật sao? Tôi quỳ xuống để nhìn cho rõ. Thật đây rồi, chú Hai Đang, thấy hai mắt chú còn mở, tôi lấy tay vuốt mặt chú; tôi khẽ nói: “Con vuốt mặt, chú nhắm mắt lại theo các vong linh liệt sĩ, về phò hộ cho thím, cho Lụa, Tơ của chú được khỏe mạnh nghe chú Hai!”. Tôi lấy tay ra, hai mắt của chú nhắm lại thật. Vậy là chú đã nghe lời mình.

Sau khi liệm xong 9 thi hài liệt sĩ vào hòm, buổi lễ truy điệu đơn sơ cũng bắt đầu tiến hành. Trong lời điếu văn có đoạn: “... vì tình hình thương vong của ta quá đông, căn cứ bị lộ, trước gợi ý của ta, đã có 20 nông dân ở vùng ven tình nguyện làm dân công đưa số chiến thương ta về tới hậu cứ an toàn, nhưng trên đường qua lộ Vòng Cung không may đụng giặc hàn lộ, đã hy sinh 9 chiến sĩ vì đạn rốc-két và pháo, trong đó có 4 là dân công tình nguyện tải thương”.

Tôi quỳ xuống bên xác chú Hai, nước mắt tôi đã chảy dầm dề như cơn mưa vào mặt, tôi khóc thế cho Lụa, cho Tơ, thương tiếc người cha hiền thục, vị tha!...

* * *

Sau hòa bình, tôi có về xã An Bình tìm nhà của chú Hai Đang, bà con cố cựu ở đây đã kể: “Sau khi chú hy sinh, ba mẹ con thím Hai vẫn ở đây, đến năm 70, 71 đồn bót nó đóng dày đặc, đóng gần nhà thím Hai một cái, tụi lính trong đồn tối ngày đến nhà thím Hai chọc ghẹo cô Lụa. Vì căm ghét bọn lính, nửa đêm hôm đó, ba mẹ con thím bỏ nhà trốn đi mất biệt?...”. Tôi đứng trên xóm vắng của ngày xưa, bây giờ bà con đã trở về đông đúc, nhà cửa san sát, mà lòng tôi trống không, hiu quạnh.

Cuối đông năm rồi 2007 - vậy là gần 40 năm tôi mới có dịp trở lại lần thứ hai sau hòa bình, với hy vọng biết tin về gia đình của thím Hai, về Lụa, Tơ. Vẫn mấy cụ già tôi gặp lần trước nay đã 70, 80 tuổi, các cụ kể: “... Cách nay 2, 3 năm cô Lụa có về đây với ông chồng người miền Trung, cùng đi có 3, 4 đứa cháu nội, ngoại, đi bằng xe du lịch. Bây giờ cô giàu lắm, mới biết quê của chú Hai Đang gốc người Quảng Nam”. Tôi hỏi còn thím Hai và Tơ, các cụ trả lời: “Cô Lụa nói má cô gần 90 tuổi rồi, già yếu quá đi đường xa không nổi, nên ở nhà. Còn cô em gái (Tơ) cũng có cháu ngoại, nội đủ cả, có đi chung đây hai đứa. Rồi các cụ đưa tôi tấm ảnh màu cỡ 9x12, trong ảnh, Lụa đứng kế người đàn ông phía sau, hàng trước là 4 cháu thiếu nhi. Đôi mắt tôi như bị thôi miên vào tấm ảnh. Lụa mập mạp, gương mặt vẫn đẹp như xưa, tôi tin lời các cụ nói, trông vào ảnh cũng biết Lụa hạnh phúc.

Vậy là tôi đã an tâm!

Mai vàng đã nở rộ, những cơn gió bấc cuối mùa không đủ lạnh lòng tôi!

Cuối năm 2007

Chia sẻ bài viết