31/07/2010 - 19:47

Một gia đình thầy thuốc mẫu mực

Bác sĩ Nguyễn Văn Út, nguyên Trưởng phòng Quân y Quân khu 9, được nhiều người biết đến với cái tên “Bảy Đồng Minh” trong kháng chiến. Về hưu, ông vẫn tích cực góp sức cho Hội Y học, Hội Đông y của TP Cần Thơ trong các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện. Gia đình ông là một trong số 27 gia đình văn hóa tiêu biểu cấp thành phố vừa được tôn vinh nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6-2010.

Bác sĩ của dân

Ở khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, hầu như ai cũng cũng biết ông “Bảy Đồng Minh”- bác sĩ quân y. Đó là một bác sĩ về hưu đã 68 tuổi, mái tóc bạc trắng, dáng người cao gầy, nói năng từ tốn. Người bác sĩ này không có phòng mạch riêng, nhưng bà con lối xóm khi có ai ốm đau bệnh tật, ông luôn tận tình giúp đỡ. Hiểu biết cả Tây y và Đông y, ông đã giúp rất nhiều bà con xa gần trị khỏi bệnh mà không lấy tiền.

Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Văn Út bên các cháu nội, ngoại.  

Bà Nguyễn Ngọc Anh, ở hẻm 102, đường 30 Tháng 4, kể: “Chồng tôi là Huỳnh Phước, trên 80 tuổi, bị bệnh phổi rất nặng. Chú Bảy đến thăm, khám bệnh, hướng dẫn cách điều trị bằng Tây y và Đông y. Chồng tôi giờ đã hồi phục sức khỏe. Chú Bảy còn giúp đỡ nhiều nhà trong xóm trị bệnh nữa, ai chú cũng giúp không công hết”. Anh Nguyễn Văn Quang nhớ lại: “Cha tôi bị xoắn ruột phải phẫu thuật nhiều lần. Trong thời gian cha tôi điều trị tại nhà, chú Bảy thường xuyên qua lại thăm bệnh, kê toa. Chú còn mượn máy thở oxy của bệnh viện cho cha tôi thở tại nhà... Chú Bảy đã hết lòng khám chữa bệnh cho cha tôi cho đến khi ông qua đời”. Không thể kể hết những trường hợp mà bác sĩ Nguyễn Văn Út đã giúp đỡ. Không chỉ có bà con xóm giềng mà những gia đình ở tận U Minh (Cà Mau) hay Rạch Giá (Kiên Giang) - những vùng căn cứ cách mạng cũ mà đơn vị ông Út đóng quân - cũng nhờ ông Út giúp. Bệnh phức tạp thì ông hướng dẫn nên điều trị ở bệnh viện nào, thủ tục ra sao... bệnh đơn giản thì ông trực tiếp khám điều trị; những hộ nghèo khó, ông hỗ trợ họ mua thuốc men và cả tiền tàu xe đi về... Bác sĩ Nguyễn Văn Út nói: “Sức khỏe là vốn quí của con người, nếu bị bệnh sẽ rất khổ, nhất là những người nghèo. Tôi không giàu có để giúp tiền giúp bạc mà chỉ có kiến thức y khoa nên chỉ giúp mọi người bằng cách khám chữa bệnh”.

Tấm lòng của người thầy thuốc Nguyễn Văn Út luôn hướng về những bệnh nhân nghèo trong cộng đồng. Hơn 10 năm qua, ông tham gia Hội Y học TP Cần Thơ, Hội Đông y TP Cần Thơ. Hiện nay ông là Chủ tịch Hội Y học và là Phó Chủ tịch Hội Đông y. Làm việc không có lương bổng, phụ cấp nhưng ông Út và các bác sĩ tâm huyết của Hội Y học TP Cần Thơ đã tổ chức phòng khám bệnh từ thiện tại số 12/1 đường Nguyễn Trãi, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân vào sáng thứ bảy hằng tuần. Mỗi tháng, Hội Y học TP Cần Thơ đều tổ chức một chuyến đi khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa các tỉnh ĐBSCL. Ông Út và các thành viên trong Hội còn tích cực vận động các mạnh thường quân trong và ngoài nước tài trợ thuốc men, các phương tiện y tế để giúp Hội thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Với những đóng góp cho ngành y trong mấy mươi năm từ chiến tranh cho đến hòa bình, bác sĩ Nguyễn Văn Út đã lần lượt được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân”. Năm 2010, ông vinh dự được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Ông còn được Nhà nước tặng thưởng rất nhiều huân chương kháng chiến, huân chương vì sức khỏe nhân dân, vì sự nghiệp Đông y Việt Nam... cùng hơn 40 Bằng khen của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, UBND TP Cần Thơ...

Bác sĩ Nguyễn Văn Út tâm tình: “Những thành công trong sự nghiệp của tôi đều có công rất lớn của vợ tôi. Bà đã vất vả cáng đáng mọi việc trong gia đình để tôi yên tâm làm việc. Vợ tôi là người chia sẻ, động viên và khích lệ tôi cố gắng vượt qua những khó khăn trong công việc”.

Nghĩa mặn tình nồng

Tính đến nay, ông Nguyễn Văn Út nên duyên chồng vợ với bà Đinh Kim Lan đã 43 năm. Hai ông bà có 3 con gái và 1 con trai. Các con của ông bà đều có trình độ đại học và trên đại học, có công việc ổn định và đều là đảng viên. Trong đó, có 3 người phục vụ trong ngành y. Hiện nay, vợ chồng ông Út sống chung với cô con gái út. Ba người con lớn đã lập gia đình và ở riêng.

Những ngày cuối tuần hay lúc rảnh rỗi, những người con của vợ chồng ông Út lại đưa các cháu về thăm ông bà, mang quà biếu cha mẹ. Những đứa cháu vui đùa tíu tít, quây quần bên ông bà, thủ thỉ nói chuyện hoặc nghe ông hướng dẫn về những cây thuốc nam đơn giản, dễ dùng...

Căn nhà số 102/14 trong hẻm 102, đường 3 Tháng 2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ là tổ ấm lâu nay của gia đình bác sĩ Nguyễn Văn Út. Trong nhà, các vật dụng được bày trí gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt, nhà có riêng một phòng gọi là phòng truyền thống, để trưng bày các bằng khen, giấy khen, huân huy chương, kỷ niệm chương và những hình ảnh, kỷ vật của các thành viên trong gia đình. Căn phòng này được ông Út lập ra khi ông về hưu để nhắc nhở bản thân và con cháu luôn biết trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. Để có được mái ấm như ngày hôm nay, gia đình ông đã vượt qua nhiều gian lao, vất vả.

Hai ông bà đều quê ở Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Út xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng: Vì tham gia cách mạng, mẹ và chị Hai, anh Tư của ông lần lượt bị giặc giết; còn cha, anh Ba, chị Năm, chị Sáu thì bị tù đày. 10 tuổi, ông Út tham gia vào đoàn văn công của các cô chú bộ đội. 15 tuổi ông đi bộ đội. Ông Nguyễn Văn Út được đơn vị bồi dưỡng chuyên môn về y tế, cứu thương rồi trở thành y tá, y sĩ phục vụ thương bệnh binh. Bí danh “Bảy Đồng Minh” có từ những năm tháng đó. Năm 1965, Nguyễn Văn Út về công tác ở Bệnh viện Quân khu 9. Tại đây, ông gặp gỡ nữ y tá Đinh Kim Lan. Hai năm sau, họ nên duyên chồng vợ.

Những năm tháng tiếp theo là chuỗi thời gian đôi vợ chồng trẻ vượt qua thử thách. Ông Út liên tục đi theo các chiến dịch phục vụ cho các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu ở Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, sau đó, được đơn vị cử đi học bác sĩ. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng mới có cơ hội gặp nhau. Lần lượt những đứa con ra đời và lớn lên trong sự nuôi nấng chăm sóc của mẹ. Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn, đơn vị cho bà Lan phục viên để chuyên tâm chăm sóc con cái. Một nách 4 con, bà Lan vừa lo việc đồng áng, vừa chăm sóc, dạy dỗ các con để chồng an tâm công tác.

Năm 1975, sau khi hòa bình thống nhất đất nước, ông Nguyễn Văn Út làm việc tại Cần Thơ, gia đình ông cũng về Cần Thơ sinh sống. Sau đó, ông được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn ở Hà Nội. Ông kể lại: Lúc ấy, thấy vợ vất vả và các con còn nhỏ, ông định từ chối nhưng bà Lan đã động viên chồng cứ yên tâm đi học. Học xong, bác sĩ Út lại được điều động phục vụ ở chiến trường Campuchia một thời gian dài. Một mình bà Lan ở nhà tiếp tục cần mẫn lao động và chăm sóc gia đình. Bà làm ruộng, nuôi heo, dần ổn định kinh tế gia đình.

Bà Lan kể: “Có những lúc tôi phải đi thật xa mới mua được cám về nuôi heo. Ở nhà, mấy đứa con tuy còn nhỏ đã biết tự lo cơm nước, giặt giũ, học hành và cả chăm sóc cho ông nội bị bệnh...”. Cuộc sống khó khăn đã rèn cho các con của vợ chồng ông Út sớm ý thức tự lực lao động, có trách nhiệm với gia đình và thương yêu chăm lo cho người thân.

Từ năm 1995 đến 2003, bác sĩ Nguyễn Văn Út là Trưởng phòng Quân y Quân Khu 9. Năm 2005, ông về hưu với quân hàm Đại tá. Bốn người con lần lượt tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Có người đã là bác sĩ chuyên khoa II, có người là thạc sĩ. Gần 10 năm nay, hai ông bà cất được mấy dãy nhà trọ cho sinh viên thuê, có thêm thu nhập để lo cho con cháu và làm công tác xã hội.

Bà con xóm giềng rất quí mến gia đình vì bác sĩ Nguyễn Văn Út sống chan hòa, thân thiện với mọi người. Trong gia đình, các thành viên luôn hòa thuận, tôn trọng và thương yêu nhau. Ông bà chung sống hơn 40 năm nhưng chưa một lần lớn tiếng cãi cọ, có việc gì, ông bà đều bàn bạc tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý. Ông bà dạy con bằng cách phân tích điều hơn lẽ thiệt, giáo dục con giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: hòa thuận, hiếu thảo, lễ phép, biết giúp đỡ người khó khăn...

Tính ra, gia đình bác sĩ “Bảy Đồng Minh” có đến 4 bác sĩ nhưng không ai mở phòng mạch tư. “Mở phòng mạch tư ít hay nhiều sẽ bị quyền lợi và đồng tiền chi phối, làm ảnh hưởng đến y đức của người bác sĩ. Các con tôi đều ủng hộ quan điểm của tôi nên chỉ tập trung làm tốt công tác chuyên môn ở cơ quan, cố gắng học hỏi nâng cao tay nghề. Cuộc sống tuy thanh đạm nhưng lương tâm thanh thản”- Người cựu chiến binh hơn 40 năm tuổi Đảng, bộc bạch.

***

Dù trải qua bao nhiêu khó khăn, biến động từ chiến tranh đến hòa bình nhưng gia đình nhỏ ấy vẫn vững vàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Mỗi thành viên trong gia đình đã luôn sống vì nhau và giữ gìn, nâng niu truyền thống của gia đình.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết