25/02/2011 - 09:55

Một đời tân tụy vì bệnh nhân nghèo

 Khi nhắc đến những bệnh nhân nghèo nhờ Tổ Nhân đạo hỗ trợ mà có tiền điều trị lành bệnh, gương mặt của cô Sáu rạng ngời hạnh phúc.

82 tuổi đời, bác sĩ Lê Thị Tỵ (mọi người thường gọi là cô Sáu Tỵ) chưa một ngày nghỉ ngơi. Cả đời bà nặng nợ với bệnh nhân nghèo, với tâm nguyện phục vụ đến hơi thở cuối cùng.

Một buổi sáng chủ nhật, tại Tổ Nhân đạo (TNĐ) Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nhiều người xếp hàng xin nước sôi, cơm, thức ăn chay. Người đến xin rất đông nhưng tuyệt nhiên không tiếng ồn ào, chen lấn. Mỗi ngày, TNĐ cấp phát gần 2.000 suất cơm, trên 2.000 suất cháo, 2.700 lít nước sôi cho bệnh nhân, thân nhân ở 3 bệnh viện tại TP Cần Thơ: Đa khoa Trung ương, Đa khoa thành phố và Nhi Đồng. Bình quân mỗi tháng, TNĐ chi từ 58-60 triệu đồng, 14-15 tấn gạo. Cô Sáu Tỵ, Trưởng ban điều hành TNĐ, cười nói: “Tất cả đều nhờ các mạnh thường quân giúp đỡ. Suốt 19 năm nay chưa ngày nào TNĐ nghỉ phục vụ do thiếu gạo, thiếu tiền”. Ngoài ra, TNĐ còn hỗ trợ tiền cho bệnh nhân nghèo mua thuốc, mua máu, phẫu thuật, thiêu xác và đưa bệnh nhân không qua khỏi về quê yên nghỉ.

Xây dựng được tập thể TNĐ làm không hưởng lương, thức khuya dậy sớm vì bệnh nhân nghèo có công lao rất lớn của cô Sáu Tỵ. Năm 1992, một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở huyện Thốt Nốt xin phép thành lập TNĐ, nấu nước sôi, phát cháo cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ (nay là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) có nhiều lời bàn ra, tán vào. Lúc ấy, cô Sáu Tỵ, đang là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cần Thơ (cũ) lên tiếng nhận trách nhiệm quản lý, điều hành. Hồi tưởng lại, cô Sáu Tỵ tâm tình: “Hội Chữ thập đỏ được Đảng và Nhà nước giao trọng trách làm công tác xã hội, từ thiện. Hội chưa lo được bữa ăn cho bệnh nhân nghèo, nay có những cá nhân tâm huyết muốn làm, sao mình không ủng hộ”. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1995, cô Sáu Tỵ làm cố vấn, rồi trưởng ban điều hành TNĐ cho đến nay. Ông Huỳnh Văn Chữ, thủ kho TNĐ, cho biết: “Cô Sáu rất nhiệt tình, xông xáo, quản lý rất chặt chẽ, thu-chi rõ ràng, minh bạch. Tất cả các thành viên đều nắm rõ tình hình tài chính trong Tổ nên yên tâm làm việc”.

Hiện nay, ngoài quản lý TNĐ, cô Sáu còn quản lý Nhà trẻ Hướng Dương, đặt tại thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Nhà trẻ Hướng Dương thành lập từ năm 1996, từ ngôi nhà này, hàng trăm trẻ khó khăn, không nơi nương tựa được nuôi nấng, học hành. Nhiều cháu đã vào đại học, cao đẳng. Các cháu đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có cháu rất ngỗ ngược nhưng cô Sáu lúc nào cũng nhắc nhở các cô giáo dạy dỗ các cháu bằng tình thương yêu. Ở ngôi nhà này từ người quản lý đến bảo vệ hưởng lương bằng nhau, 1,7 triệu đồng/tháng. Cô động viên mọi người: “Làm từ thiện mà” nên ai cũng vui lòng chăm lo cho các cháu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho ở Kiên Giang, sớm giác ngộ cách mạng, từ năm 15 tuổi, cô Sáu hoạt động ở đội cứu thương, rồi làm liên lạc, hoạt động phụ nữ... sau đó, đi học nữ hộ sinh, rồi y sĩ, bác sĩ. Từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo như Bệnh viện Trưởng Bệnh viện I và II của Bộ Giao thông vận tải nhưng khi nhận chức Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ năm 1978, cô Sáu không khỏi lo lắng. Bệnh nhân rất đông, bệnh viện có 500 giường, đội ngũ cán bộ gần 700 người nhưng chỉ có 45 bác sĩ. Trong đó phân nửa bác sĩ từ vùng kháng chiến ra, phân nửa còn lại là bác sĩ do chế độ cũ đào tạo. Để các bác sĩ thống nhất phác đồ điều trị, cô Sáu Tỵ ra Hà Nội mời giáo sư Đặng Văn Chung, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Bạch Mai, vào bổ túc kiến thức cho các bác sĩ và mở 1 lớp đào tạo y sĩ. Cô Sáu kể: “Họ là bác sĩ, do nhiều hoàn cảnh phải làm việc cho chế độ cũ. Vì thế, trong đối xử, tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để anh chị em yên tâm làm việc”. Được cô Sáu trọng dụng, đội ngũ bác sĩ này hết lòng phục vụ. Nhiều hôm bệnh viện hết thuốc, họ về nhà lấy thuốc vào điều trị cho bệnh nhân. Thậm chí có bác sĩ vượt biên không thành, cô Sáu bảo lãnh về bệnh viện tiếp tục làm việc. Cô Sáu nói: “Những năm tập kết ra Bắc, tôi thấm nhuần lời dạy của Bác, không nên phân biệt đối xử, bởi chúng ta đều là người Việt Nam”. Với cương vị giám đốc bệnh viện, cô Sáu luôn nhắc nhở y, bác sĩ phải thực hiện tốt lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, không để xảy ra chuyện bệnh nhân nghèo ôm bệnh về nhà chờ chết.

Về hưu, cô cùng chồng sống thanh bạch với đồng lương hưu. Bây giờ hai vợ chồng cô đều ở tuổi trên 80, ông vẫn là người tài xế tận tụy chở cô đến làm việc ở TNĐ, rồi chạy gần 20 km xuống Nhà trẻ Hướng Dương. Mới đây, cô Sáu bị té, chấn thương sọ não, những tưởng cô sẽ không còn gắn bó với bệnh nhân nghèo ở bệnh viện và các cháu mồ côi được nữa. Vậy mà vừa khỏi bệnh, chân bị phỏng, nhưng cô vẫn quay lại với công việc.

Tuổi cao, sức khỏe không còn tốt, nhưng ai có dịp tiếp xúc với cô Sáu đều cảm nhận ngọn lửa nhiệt tình cống hiến vẫn hừng hực cháy trong cô. Những dịp chuyện trò với lãnh đạo, người có trách nhiệm ở địa phương, cô Sáu không nói về những khó khăn của bản thân mà luôn đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giúp bệnh nhân nghèo, các cháu mồ côi... nhiều hơn nữa. Chính vì thế mà đến giờ cô vẫn chưa thể nghỉ ngơi...

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết