 |
Nhân vật Tùng (Thanh Tùng) và Hà Vân (Diệu Hương) trong “Cổ vật”.
Ảnh: vtv.vn |
“Cổ vật” là bộ phim truyền hình dài 20 tập nằm trong chương trình phim Việt giờ vàng trên VTV1 (lúc 20 giờ 10 thứ hai đến thứ sáu hàng tuần). Nội dung phim xoay quanh nạn ăn cắp và buôn lậu đồ cổ tại một làng gốm truyền thống nổi tiếng hàng trăm năm. Đề tài này có lớp vỏ hấp dẫn, nhưng cách thể hiện có phần cẩu thả khiến “Cổ vật” một lần nữa làm khán giả thất vọng.
Gia đình ông giáo Bùi Luận đào móng làm nhà thì phát hiện một lô cổ vật đồ gốm làm từ thời Lý của dòng họ Bùi và một bộ kỷ vật gốm đời Đường. Số cổ vật này đáng giá hàng chục tỉ đồng, nên các thành viên gia tộc họ Bùi tạm thời đem giấu đi. Xung quanh họ, những kẻ có mưu đồ đen tối tìm cách chiếm đoạt số cổ vật này, như: chủ tịch xã, bà Kim Tước và chồng con bà ta - vốn là trùm trộm cắp và buôn lậu đồ cổ, tay anh chị Voòng từ Hồng Công sang... Phim có những nhân vật tâm huyết với việc giữ gìn báu vật quốc gia như Tùng (con trai của ông Bùi Luận), Hà Vân (vợ Tùng, đồng thời cũng là một chiến sĩ Công an). Cùng với họ hàng, bạn bè thân thiết, họ từng bước giúp họ Bùi và cả làng gốm thoát khỏi vòng xoáy tranh giành số cổ vật. Thông điệp mà phim chuyển tải không mới, nhưng rõ ràng: mỗi người đều có thể chọn cho mình những cách ứng xử đúng đắn để sống không hổ thẹn.
Tiếc thay, những nội dung trên lại không được thể hiện tốt. Đến nay, phim đã được chiếu gần phân nửa số tập, nhưng khán giả vẫn chưa thấy các nhân vật - đặc biệt là các nhân vật phản diện - có hành động gì gọi là “ghê gớm” để tranh đoạt số cổ vật. Trái lại, mạch phim cứ trôi đi bình lặng với những đoạn hội thoại dài dằng dặc của bà Kim Tước, của Voòng với tay chân chỉ để... tìm hiểu xem số cổ vật trên gồm những gì, có giá trị như thế nào. Người xem có cảm giác các nhà làm phim muốn “khoe” kiến thức về đồ cổ, nên cứ cho các nhân vật này “trả bài” bằng cách mô tả từng món cổ vật với đầy đủ chi tiết, màu sắc... Tuyến nhân vật chính diện như Tùng, Hà Vân thì cũng chẳng có kế hoạch hay hành động cụ thể gì để bảo vệ số cổ vật, mà cứ đi tới đi lui bàn chuyện làm nhà, tính xem nếu số cổ vật đó được đấu giá thì họ sẽ có bao nhiêu tiền... Ngay cả các diễn viên cũng diễn khá “máy móc”, khiến các nhân vật trở nên nhạt nhẽo, dù đó là những diễn viên lão luyện như Hồng Sơn, Duy Thanh, Hương Dung, Minh Hòa. Họ vẫn có ngữ điệu, ánh mắt và những động tác hình thể khá giống với hình tượng nhân vật của họ trong các bộ phim trước đây như “Chạy án”, “Gió làng Kình”... Các diễn viên trẻ thể hiện các nhân vật đấu tranh với cái ác, nhưng lại không nổi lên sự quyết đoán, mà dường như quá ngây thơ, nhí nhảnh và nhất là thiếu cẩn trọng. Đơn cử như trường đoạn Diệu Hương lén chụp ảnh bà Kim Tước, ngay khi bà ta quay lưng đi cô đã vội vã đem máy ảnh ra xem lại hình, bất chấp hành động đó có thể bị phát hiện...
Điểm gây phản cảm dễ thấy là trong phim có rất nhiều góc quay cẩu thả, sơ sót đến mức khó chấp nhận. Thí dụ như trong đoạn bà Kim Tước nói chuyện với giáo sư Chu Hòa về giá trị của số cổ vật, người ta thấy loáng thoáng trong tấm kính sau lưng các nhân vật phản chiếu hình ảnh nhân viên hậu đài của đoàn làm phim đang tất bật khiêng vác đạo cụ (!). Có lẽ, sự “sáng tạo” duy nhất mà những người làm phim “Cổ vật” rất “tâm đắc” là thường dùng những khung hình đặc tả nhân vật lệch, nghiêng, giật qua giật lại... ở những đoạn các nhân vật phản diện bàn mưu tính kế. Thế nhưng, chính sự “sáng tạo” này lại làm người xem khó chịu vì chóng mặt, khó xem.
Một lần nữa, khán giả màn ảnh nhỏ lại thất vọng, và bị mất thời gian vì kiểu làm phim cẩu thả, coi thường trình độ thẩm mỹ và yêu cầu chất lượng giải trí ngày càng cao của người xem.
XUÂN VIÊN