11/12/2007 - 16:45

Mong manh đời thợ lặn

“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá”. Đó là hai nghề gian khổ nhất trong cuộc mưu sinh của con người. Vậy mà, ở xóm chài Hưng Phú có “đại gia đình” đã hơn 50 năm xuôi ngược khắp triền sông Hậu, làm nghề lặn tìm phế liệu, trục vớt tàu chìm, vớt xác người, kiểm tra độ mài mòn sạt lở của giàn trụ chống bến phà, bảo quản phao tín hiệu... Tài sản của họ cũng chỉ là chiếc ghe cũ kỹ 10 tấn dùng chở thùng phuy rỗng cùng chiếc ghe 1 tấn chở bình hơi để trục vớt tàu, ghe chìm... Họ bảo rằng: Đời thợ lặn bạc bẽo lắm!

Duyên và nghiệp...

Căn nhà lá trống huơ nằm cặp dòng sông Hậu, nơi đó 11 người của 3 thế hệ chen chúc nhau trú ngụ. Cuộc sống của đại gia đình làm nghề lặn không mấy gì khá lên sau hàng chục năm lặn ngụp dưới lòng sông. Nhiều người đặt câu hỏi: “Nghề gì không chọn lại đi theo nghề lặn?”. Cả gia đình lắc đầu: “Duyên và nghiệp rồi!”.

… Ở khu vực 2, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ có rất nhiều gia đình mưu sinh bằng nghề lặn. Họ là dân địa phương hay đến từ An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… Gắn bó với nghề lâu nhất là gia đình ông Nguyễn Văn Dung (Ba Dung). Hơn 50 năm sống nhờ vào sông Hậu, trên con sông nông sâu bao nhiêu ông biết rõ mồn một. Vậy mà cách đây 3 năm, vào một buổi sáng khi tỉnh giấc, ông thấy đôi chân mình tê dại, miệng cứng đờ nói không thành tiếng. Vào bệnh viện, người ta bảo ông bị tai biến. Cuộc sống ở đáy sông khép lại từ đó. 72 tuổi, giờ ông chỉ ngồi một chỗ trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ, nói tiếng được tiếng mất, mọi sinh hoạt cá nhân đều trông nhờ vào vợ và các con. Con trai của ông, anh Nguyễn Văn Út (Út Anh), kể: “Sau cơn tai biến, ba tôi không đi lại được, nhưng cứ đòi theo ra sông để cầm ống hơi cho chúng tôi lặn. Ba tôi ở nhà chẳng yên tâm. Duyên và nợ là vậy!”. Rồi anh đưa mắt nhìn về bờ sông Hậu đăm chiêu.

 Nguyễn Văn Út (Út Anh). Ảnh: T. HÀ 

… Tuổi ấu thơ mồ côi cha mẹ, Nguyễn Văn Dung sống nương nhờ vào tình thương của xóm giềng. Ông không nhớ nổi mặt cha mẹ mình. Năm 17 tuổi, Ba Dung là cậu thanh niên chài lưới giỏi nhất xóm, rồi được một người quen truyền nghề lặn. Trong một lần tập lặn, ông đẩy một hơi sâu 5 sải tay (khoảng 20 mét), vậy là cái biệt danh Ba Chài Rê có từ lúc đó. Duyên và nợ với dòng sông Hậu cũng bắt đầu. Sau những chuyến lặn tìm phế liệu, vớt tàu ghe chìm, chài lưới khắp từ Cần Thơ lên An Giang, xuống Sóc Trăng, Cà Mau… nhiều người không nhớ cái tên cúng cơm Nguyễn Văn Dung mà chỉ quen gọi là Ba Chài Rê nhờ biệt tài lặn sâu của ông.

Ông có 5 người con theo nghề thợ lặn. 3 con ruột là: Nguyễn Văn Hoàng (Hoàng Em), Nguyễn Văn Thiện (Sáu Thiện); Nguyễn Văn Út (Út Anh); con nuôi Hoàng Anh và con rể thứ năm. Nhưng ông thương nhất là Hoàng Anh- đứa trẻ mồ côi được ông nhận làm con nuôi. Con trai cả của ông, anh Nguyễn Văn Hoàng (Hoàng Em), kể: “Ba anh em tôi và thằng em rể theo nghề lặn, nhưng không ai bằng con nuôi của ba tôi. Hoàng Anh lặn như rái cá. Hơn mười năm trước, anh ấy tham gia trục vớt tàu đi vượt biên bị chìm ở Đồng Tháp, vớt lên chỉ toàn xương, thịt da đã rã hết. Hoàng Anh theo ba tôi tung hoành khắp sông nước miền Tây. Vậy mà, ảnh đã ra đi ở cái tuổi 39 để lại vợ và 3 đứa con côi”. Hoàng Anh chết vì đau ruột, qua nhiều lần mổ, nhưng vết thương nhiễm trùng đã cướp đi sinh mạng của một thợ lặn giỏi.

Mấy chục năm ngang dọc trên khắp miền sông Hậu, gia đình ông Ba Chài Rê không nhớ nổi đã bao lần trục vớt ghe tàu chìm, bao nhiêu lần vớt xác người… Bây giờ, hỏi anh Hoàng Em, Út Anh, Sáu Thiện… cái tuổi họ trở thành thợ lặn, ai cũng lắc đầu không nhớ. Cái nợ sông nước, áo cơm đã ghì chặt cuộc đời của họ, Hoàng Em chỉ nhớ mình đã ngoài 40 tuổi, Út Anh cho biết đã tập lặn hồi mười mấy tuổi gì đó. Hoàng Em kể: “Nghề lặn bạc bẽo lắm! Nhiều khi mình không tìm được xác người chết đuối, trục vớt ghe tàu chìm chậm là bị người thuê chửi te tua. Khó nghe, nhưng cũng phải ráng. Mấy năm trước, tụi tui tham gia vớt tàu chìm ở Vàm Nao, vợ của chủ tàu bị kẹt trong khoang tàu, mò cả 2 ngày mà tìm không được. Đuối sức nên đành bỏ về công không mà còn bị mắng một trận. Sau đó, không ai tìm được xác người vợ xấu số đó”. Vất vả, chua xót và không ít lần họ định đổi nghề, nhưng lại tự nhủ: Ít chữ nghĩa, lớn tuổi không làm nghề này, biết làm gì? Hơn nữa, họ đã “ghiền” cái “mùi” của sông Hậu, lên bờ chịu không nổi…

Đáy sông... mong manh sự sống

Ra Giêng cho đến tháng nước đổ, nếu không có hợp đồng lặn, họ lại trầm mình xuống lòng sông Hậu tìm phế liệu. Đến mùa nước nổi thì đi chài lưới. Tùy tháng nóng, lạnh mà họ quyết định một hơi lặn: 30 phút, 60 phút, hay lâu hơn. Còn độ sâu cũng tùy từng khúc sông, sâu nhất là những lần lặn hợp đồng với phà Cần Thơ (khoảng 30 đến 40 mét).

Ông bà xưa đúc kết: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”… còn mấy chục năm “ăn” của sông Hậu, cuộc sống của gia đình ông Ba Chài Rê cũng mặn như nước mắt vậy. Hàng năm, hợp đồng lặn kiểm tra độ mài mòn sạt lở của giàn trụ chống bến phà, bảo quản các phao tín hiệu, kiểm tra dây xích… với phà Cần Thơ 2 lần cũng ngoài 7 triệu đồng. Rồi thu nhập từ những hợp đồng trục vớt ghe tàu chìm, những chuyến kéo lưới, bán phế liệu… cũng kha khá. Vậy mà chỉ đủ cái ăn cho 3 thế hệ trong gia đình. Trong 8 người con của ông, người học cao nhất chỉ lớp 10 (cô gái út), còn lại đều không tới lớp 5 và chỉ duy nhất Út Anh ra riêng. Út Anh cho biết: “Mang tiếng ra riêng, chứ thật ra tôi ở bên nhà vợ. Ban ngày, tôi trực chỉ bên đây cùng anh Hoàng Em đi chài lưới, mò phế liệu, còn có hợp đồng lặn thì đi dài ngày”.

Chính vì cái nghèo đeo bám, nên đôi lúc họ cũng liều, phó mặc số phận. Cách đây gần 10 năm, Hoàng Em cùng Sáu Thiện, Út Anh lên kinh Vĩnh Tế vớt mìn cho bộ đội hơn 2 tháng trời. Hoàng Em kể: “Hồi đó quá nghèo nên liều. Giờ nhớ lại thấy còn ớn! Mấy anh bộ đội rà mìn ở trên bờ rồi khoanh vùng cho tụi tui lặn xuống vớt. Mà lúc đó, vớt mấy cái đầu đạn vừa lên khỏi mặt nước còn bốc khói ghi ngút. Tụi tui lấy nước tưới, may mà không nổ”. Mãi lo mưu sinh, ngoài 30 tuổi Hoàng Em mới lấy vợ, nên giờ hơn 40 mà con trai đầu lòng mới học lớp 8. Nói rồi, Hoàng Em đưa cho chúng tôi xem những bức ảnh mà anh đã chụp cách đây 5 năm, trông anh rắn rỏi, vai u thịt bắp, còn hiện tại đã khác rất nhiều, người gầy hơn, nước da sạm hơn. Còn Út Anh thì gầy guộc, nhỏ thó, trông anh già hơn cái tuổi 30 của mình sau mười mấy năm gắn bó với nghề lặn. Anh nói: “Nghề lặn này nguy hiểm lắm, bữa nào hơi yếu trong mình là không dám ra sông. Lặn sâu lên không kịp dễ bị ép tim, ù tai, nặng là liệt luôn hai chân. Nên phải tự lượng sức của mình”…

Vất vả của nghề họ chịu được, nhưng luôn canh cánh nỗi lo. Bởi ở đáy sông khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Họ bảo rằng, muốn theo nghề lặn ngoài sức khỏe còn phải có kinh nghiệm và phải biết “ý” của con sông. Một khi lặn xuống lòng sông, ở dưới tối om, nguy hiểm luôn rình rập, nên người ngồi ở trên ghe giữ ống hơi phải chủ động. Vì lẽ đó mà ông Ba Chài Rê dù tuổi đã cao, không đi lại được, nhưng vẫn muốn theo các con để cảnh giác họ. Bây giờ, chỉ có Hoàng Em và Út Anh theo nghề, còn Sáu Thiện và con rể ông Ba đã giã từ nghiệp lặn, do sức khỏe yếu, họ được giao nhiệm vụ mới là “đi ngoại giao”. Theo Út Anh, ông Ba Dung nhất quyết không truyền nghề cho cậu con trai út (Út Nhỏ) vì sợ con gặp nguy hiểm và cực khổ. Song, chẳng có một chữ bẻ đôi đã đưa đẩy Út Nhỏ trở thành “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy: từ phụ hồ đến khuân vác, đặt cá.

Bây giờ, ở xóm chài Hưng Phú, cái nghề lặn không còn là độc quyền của gia đình ông Ba Chài Rê nữa. Nhiều gia đình đến từ các nơi khác cũng mưu sinh bằng nghề này, họ có phương tiện đầy đủ hơn. Nhưng các con trai của ông cho rằng cái nghề lặn “được” ở chỗ là tự chủ được sức lao động của mình, không ràng buộc với ai mà chỉ mắc nợ dòng sông. Mặc dù vất vả với bao lo toan của cuộc sống đời thường, thế hệ của họ coi như đã an phận. Họ hy vọng con cháu của mình sẽ khác. Cả Hoàng Em và Út Anh đều khẳng định, nghèo cỡ nào cũng ráng cho các con học hành đến nơi đến chốn.

* * *

Chúng tôi rời căn nhà vách lá, chia tay 3 thế hệ đang sinh sống tại đây. Hình ảnh ông lão móm xọm ngồi thu lu trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ, đôi mắt đờ đẫn, thỉnh thoảng lại huơ tay ra hiệu kêu con cháu đỡ ông đứng dậy cho đỡ mỏi thật khó quên. Cái nghề lặn bạc bẽo là vậy, về già rồi mà ông Ba Chài Rê chẳng có của để an nhàn… Trên dòng sông Hậu nước vơi rồi lại đầy, nhưng những người con của ông Ba Chài Rê thân thể hao mòn theo ngày tháng, họ không dám nghĩ cuộc sống của mình sẽ “dài” bao nhiêu. Chỉ biết rằng còn được lặn trên dòng sông Hậu là đã vui và hạnh phúc lắm rồi!

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết