08/07/2009 - 09:28

Mong đợi gì ở hội nghị G8?

Các nhà hoạt động chống toàn cầu hóa chuẩn bị băng-rôn biểu tình phản đối chủ nghĩa tư bản bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 tại L’Aquila.
Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) sẽ khai mạc hôm nay 8-7 tại thành phố L’Aquila, miền Trung nước Ý. Đây là cuộc họp rất được dư luận quốc tế quan tâm với hy vọng các nhà lãnh đạo chủ chốt của thế giới sẽ đưa ra những giải pháp thiết thực cho những vấn đề nóng bỏng toàn cầu. Ngoài G8, hội nghị kéo dài 3 ngày này còn có sự tham dự của Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Indonesia, Nam Phi, Ai Cập, Angola, Nigeria, Senegal, Algérie, Libye; cùng các tổ chức quốc tế như LHQ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...

Theo hãng tin Reuters, ngày đầu tiên của hội nghị sẽ diễn ra cuộc gặp của lãnh đạo G8 cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Chủ tịch luân phiên EU - Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt. Với sự chủ trì của Thủ tướng nước chủ nhà Silvio Berlusconi, hội nghị sẽ thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, chiến lược thoát khỏi khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu và viện trợ phát triển, đồng thời đề cập đến tiến trình hòa bình Trung Đông, vấn đề Iran, CHDCND Triều Tiên, cướp biển Somalie, chủ nghĩa khủng bố và nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cũng trong ngày 8-7, một nghị thượng đỉnh khác của Nhóm các nước mới nổi hàng đầu thế giới (G5) gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Mexico sẽ diễn ra song song.

Sang ngày thứ hai, lãnh đạo G8 và G5 sẽ nhóm họp chung với sự tham gia của khách mời đặc biệt là Ai Cập. Hội nghị lần đầu tiên của hai nhóm, hay gọi chung là G14, sẽ tập trung thảo luận cách thức đối phó khủng hoảng tài chính, biện pháp khai thông bế tắc Vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha của WTO và những chính sách thúc đẩy quan hệ giữa hai nhóm. Ngoài ra, ngày 9-7 cũng diễn ra cuộc họp của 17 thành viên Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF) gồm G8, G5 cùng với Úc, Indonesia, Hàn Quốc và EU nhằm thảo luận vấn đề biến đổi khí hậu. Đại diện của LHQ, chính phủ Đan Mạch (nước chủ nhà của hội nghị biến đổi khí hậu quốc tế vào tháng 12-2009) cũng có mặt vì MEF chiếm tới 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Ngày cuối cùng sẽ diễn ra cuộc gặp giữa G14 và các nước châu Phi với sự góp mặt của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và đại diện các tổ chức quốc tế nhằm bàn thảo chính sách viện trợ phát triển, đảm bảo an ninh lương thực và những Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Theo các nhà quan sát, những chủ đề lớn của hội nghị thượng đỉnh G8 và các hội nghị “ăn theo” tại Ý lần này chẳng khác gì hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới và các nước mới nổi (G20) tại Luân Đôn (Anh) hồi đầu tháng 4-2009. Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, hội nghị thượng đỉnh L’Aquila là “cơ hội cuối cùng” để các nhà lãnh đạo thế giới đạt được thỏa thuận cắt giảm khí thải trước khi diễn ra hội nghị Copenhagen vào tháng 12 quyết định ký kết hiệp ước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thay thế Nghị định thư Kyoto, sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Trong khi đó, các nước châu Phi kỳ vọng các nước giàu, nhất là Mỹ, sẽ cam kết thực hiện chính sách viện trợ theo hướng “cho cần câu, chứ không cho cá” nhằm giúp lục địa đen phát triển nông nghiệp để tự đảm bảo an ninh lương thực mà không lệ thuộc vào sản phẩm do nông dân Mỹ làm ra. Tuy vậy, ngân sách viện trợ cho các nước nghèo của G8 dự kiến sẽ bị cắt giảm nghiêm trọng.

Nội dung thì nhiều nhưng liệu hội nghị G8 có đạt được kết quả gì cụ thể hay không, hãy chờ xem!

PHÚC NGUYÊN (Theo Reuters, AP, Xinhua)

Các nhà hoạt động chống toàn cầu hóa chuẩn bị băng-rôn biểu tình phản đối chủ nghĩa tư bản bên lề hN

Chia sẻ bài viết