 |
Người dân quận Thốt Nốt được tuyên truyền tơ rơi về ATGT. Ảnh: KIM XUÂN |
Ngày cuối tuần vừa qua, sẵn dịp đi chợ Tân An mua một ít đồ dùng, tôi tiện thể ghé xe vào tiệm tạp hóa trên đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều để mua chai dầu ăn cho nhanh, khỏi phải vào chợ hay siêu thị. Tôi vừa dựng xe dưới lòng đường và dợm bước vào tiệm. Đúng lúc đó, chị chủ quán nhanh nhảu chạy ra và nói với giọng khẩn trương: "Khoan, em dắt xe lên lề đi, không thôi phải đóng phạt mấy trăm ngàn đồng". Vừa nói, chị vừa phụ tôi dắt chiếc xe gắn máy lên vỉa hè dựng trước cửa tiệm. Khi chiếc xe gắn máy của tôi được yên vị trên vỉa hè, chị mới thong thả vào tiệm mang chai dầu ăn đưa cho tôi. Trước đó, cũng trong lần đi chợ mua trái cây, vì sợ trễ cuộc hẹn với đám bạn cũ, tôi vội vàng dựng xe dưới lề đường, định bước vào gian hàng phía trong. Cũng như chị chủ tiệm tạp hóa ở trên, dì bán trái cây liền nhắc tôi cho xe lên lề đường, rằng tôi đậu xe như thế là vi phạm quy định an toàn giao thông (ATGT), sẽ bị phạt tiền
Trong gần 2 tuần, tôi được nhắc nhở 2 lần về việc dừng, đỗ xe không đúng quy định khi tham gia giao thông.
Từ đầu năm 2013, không chỉ các phương tiện thông tin, truyền thông, các ngành, các cấp của thành phố, chính quyền địa phương tại khu dân cư đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về ATGT cũng như những quy định mới của Nhà nước về tham gia giao thông cho người dân. Thế nhưng bản thân tôi và một bộ phận người dân vẫn với suy nghĩ đơn giản "chắc không có sao" khi tham gia giao thông như: dựng xe dưới lòng đường vào mua hàng ra liền; chạy xe một đoạn đường ngắn thì không đội mũ bảo hiểm, đội nón bảo hiểm "thời trang" vừa đẹp, vừa nhẹ; chạy ngược chiều sẽ gần hơn đi theo đúng phần đường để quẹo cua
Thế nhưng, những suy nghĩ và hành vi đó đều vi phạm quy định ATGT và đều bị phạt tiền tùy theo lỗi vi phạm.
Có thể nói, dù biết là vi phạm nhưng do thói quen không có sự xuất hiện của lực lượng chức năng và "cho tiện thể" nên một bộ phận người dân khi tham gia giao thông vẫn "vô tư" vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh các hoạt động truyền thông của các ngành, các cấp, thì mỗi người dân đều có thể là tuyên truyền viên hữu hiệu, nhắc nhở người thân, con cháu trong gia đình, bà con trong khu dân cư, xóm ấp về Luật Giao thông đường bộ. Làm được điều này là mỗi người dân đã góp phần tham gia đảm bảo ATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông cũng là bảo vệ tính mạng người thân, giữ gìn hạnh phúc gia đình thiết thực, hiệu quả nhất.
T.M