Du lịch lễ hội là một sản phẩm đặc biệt khi góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đồng thời giới thiệu và quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của các địa phương, vùng miền đến với du khách trong nước và quốc tế. Các lễ hội gắn với sự kiện du lịch dần được hình thành như một loại hình tạo sức hút và điểm nhấn trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói của các địa phương. Tại TP Cần Thơ, du lịch lễ hội đã và đang phát triển nổi bật, thu hút nhiều du khách.
Du khách tham quan tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2022.
Những năm gần đây, các lễ hội văn hóa truyền thống, như Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy, Lễ Giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa…; lễ hội văn hóa - du lịch, như Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền, Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều… tại Cần Thơ đã dần trở nên quen thuộc với nhiều du khách gần xa. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có nhiều sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế, nổi bật: Chương trình giao lưu Văn hóa thương mại Việt Nam - Nhật Bản, Ngày quốc tế Yoga tại Cần Thơ… Mỗi kỳ lễ hội lớn đều thu hút hàng trăm ngàn du khách. Như chuỗi sự kiện Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ tại Cần Thơ từ ngày 6 đến 11-4-2022 đã thu hút gần một triệu lượt khách. Đông đảo du khách, người tham gia lễ hội từ khắp các vùng miền cả nước tề tựu về Cần Thơ. Chị Triệu Thị Hiệu (đến từ tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Tôi cho rằng các lễ hội rất ý nghĩa để các tỉnh có thể tham gia học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, sau đó là trao đổi và đem những sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sản, nông sản của địa phương đến giới thiệu với du khách. Đây là hoạt động rất tốt để hỗ trợ quảng bá về du lịch địa phương”.
Nhiều lễ hội tại Cần Thơ, mà tiêu biểu như Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ đến năm 2022 là lần thứ 9 được tổ chức, đã trở thành sự kiện thường niên được đông đảo du khách yêu thích. Cô Lê Thị Ngọc Hằng (du khách từ Vĩnh Long) cho biết: “Cái hay của hội bánh là tôi thấy họ trình diễn và làm tại chỗ. Có nhiều loại bánh lạ mà đến nay tôi mới biết. Những lễ hội như thế này cần được duy trì để những du khách như tôi đây có dịp đến chơi rồi tìm hiểu, thưởng thức các đặc sản của các địa phương”. Tham gia gian hàng tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2022, chị Trần Thị Kim Lĩnh (đến từ Bình Thuận) cho biết: “Lễ hội đã tạo ra sự giao lưu và học hỏi rất nhiều cho các địa phương, do đó chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều lễ hội như thế để chúng tôi tiếp tục tham gia, góp phần quảng bá các sản phẩm đặc trưng, du lịch của quê mình. Đây là lần đầu tôi đến Cần Thơ nên cũng nhân dịp này dành thời gian tham quan những điểm văn hóa, du lịch nổi tiếng của Cần Thơ”. Trong khi đó, chị Du Tố Uyên (du khách từ TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Nhân dịp đến Cần Thơ để dự hội bánh tôi cũng đến Đền thờ Vua Hùng để dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Tôi không nghĩ là đông người đến viếng như thế. Vừa có điểm đến độc đáo, ý nghĩa; vừa có hội bánh để du khách thưởng thức đặc sản địa phương, tôi nghĩ nên duy trì những lễ hội như thế thì du lịch Cần Thơ sẽ có nhiều du khách”.
Không chỉ các lễ hội lớn của thành phố thu hút du khách mà các sự kiện địa phương cũng thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước. Điển hình như Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng mới vừa diễn ra vào tháng 7-2022. Du khách đến từ Hà Nội Doãn Thanh Nga nói: “Tôi mới biết chợ nổi Cái Răng có ngày hội và may mắn đến tham quan đúng dịp. Các hoạt động rất náo nhiệt, ghe tàu rất nhiều và tôi cũng có những trải nghiệm ấn tượng về con người, ẩm thực Cần Thơ”. Một tín hiệu tích cực mà các lễ hội mang đến chính là kéo lượng lớn khách về địa phương. Du khách không chỉ tham gia ở lễ hội mà còn tìm kiếm các điểm đến phụ cận. Cụ thể, trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ vừa qua, lượng khách đến các điểm du lịch đều tăng vọt. Du lịch cộng đồng cồn Sơn (Bình Thủy), Làng du lịch sinh thái Ông Đề, Làng du lịch Mỹ Khánh (Phong Điền), Căn nhà màu tím (Cái Răng)…đều có lượng khách tăng gấp 2-3 lần so với trước đó. Trong khi đó, các điểm lưu trú, như: TTC, Ninh Kiều Riveside, Victoria Resort, Cần Thơ Ecolodge, Mekong Silt Ecolodge… đều đầy phòng.
Có thể thấy, du lịch lễ hội mang đến cho ngành công nghiệp không khói nhiều thay đổi, nhất là trong giai đoạn phục hồi du lịch. Các chuỗi sự kiện thu hút khách sẽ kéo theo sự gia tăng lượng khách cho các điểm đến, điểm lưu trú, các dịch vụ du lịch, thúc đẩy nhanh sự phát triển du lịch của các địa phương. Du lịch lễ hội có sự năng động khi có thể kết hợp và mang lại nhiều lợi ích cho các loại hình du lịch khác, như: du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch sinh thái, du lịch sông nước đô thị… vốn đều là những tiềm năng của du lịch Cần Thơ. Du lịch lễ hội được xem tiền đề để du lịch Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ phục hồi trong giai đoạn cả nước đang mở cửa du lịch quốc tế. Du khách đổ về Cần Thơ hơn cả kỳ vọng và điều này giúp du lịch Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL mạnh dạn mở cửa với hàng loạt các sản phẩm mới, sự kiện lễ hội đặc sắc trong thời gian tới.
Cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.039 lễ hội truyền thống. Đây là nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch của rất nhiều địa phương, đồng thời góp phần quảng bá một cách hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của các vùng miền, quốc gia, dân tộc đến du khách trong nước và quốc tế. Tại Cần Thơ, mỗi năm có hơn 200 sự kiện, lễ hội lớn nhỏ, đa dạng từ văn hóa, thể thao, du lịch. |
Bài, ảnh: ÁI LAM