04/05/2019 - 17:33

Mở rộng thị trường xuất khẩu nông thủy sản

Làm thế nào để củng cố thị trường truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản, thủy sản Việt Nam luôn là vấn đề thời sự nóng trong nhiều năm qua. Nhiều doanh nghiệp (DN) than phiền do thiếu thông tin thị trường và không phải DN nào cũng có cơ hội để tham gia các cuộc xúc tiến thương mại ra nước ngoài quy mô lớn, mà chủ yếu thông qua trung gian xuất khẩu. Đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản, DN và cả nhà quản lý đều khó khăn trong tiếp cận thông tin thị trường các nước nhập khẩu. Do vậy, họ luôn gặp khó trong quy hoạch, cơ cấu mùa vụ, xây dựng chiến lược phát triển. DN đang đối mặt với áp lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng lớn, các FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu của DN Việt, nhưng để tiếp cận thị trường và tận dụng được cơ hội thì các DN cùng ngành hàng cần liên kết lại.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 78,76 tỉ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Có 16 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; mặt hàng thủy sản dù đạt 2,4 tỉ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 4 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 1,1 tỉ USD, giảm 22,6% ; hạt điều đạt 884 triệu USD, giảm 16,9%; gạo đạt 866 triệu USD, giảm 21,7%; hạt tiêu đạt 270 triệu USD, giảm 12%. Riêng rau quả đạt 1,4 tỉ USD, tăng 5,5%...

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỉ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu là điện thoại và linh kiện, giày dép, dệt may). Tiếp đến là thị trường EU đạt 13,7 tỉ USD, tăng 2,8% (chủ yếu là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện tử, máy tính và linh kiện; giày dép). Trung Quốc đạt 10,4 tỉ USD, giảm 5,8%, trong đó hàng thủy sản giảm 31,5%. Thị trường ASEAN đạt 8,4 tỉ USD, tăng 7,3%...

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chủ lực hàng nông thủy sản của DN Việt Nam, nhưng thị trường này gần đây liên tục thay đổi chính sách nhập khẩu và tiêu chuẩn hàng hóa đã gây rất nhiều khó khăn cho DN, nông dân sản xuất. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả áp dụng mức thuế chống bán phá giá cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ (từ 1-8-2016 đến 31-7-2017) của 4 DN, mức thuế cuối cùng tăng cao hơn so với kết quả sơ bộ được công bố tháng 9-2018. Tính đến hết tháng 3-2019, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi Mỹ được dự báo là thị trường nhập khẩu hàng đầu sản phẩm cá tra Việt Nam, nhưng hiện đang xếp vị trí thứ 3 (sau Trung Quốc và EU). Với mức thuế vừa mới công bố, nhiều dự báo quý II-2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có thể giảm tiếp.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để giảm bớt cho DN sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. DN phải chủ động tìm thị trường, nắm bắt các cơ hội từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết. Và cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nước-DN-nhà băng-nhà khoa học- nhà nông nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát an toàn đầu vào sản xuất đến đầu ra của sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là giải pháp để tiệm cận hơn với các thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết