11/11/2008 - 19:43

Sản xuất và cung ứng cây giống

Mô hình hiệu quả trên đất Cái Mơn

Nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không còn xa lạ với cái nôi của nghề sản xuất cây giống ở làng Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Hằng năm, nơi đây cung cấp cho nhà vườn ĐBSCL, các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên... hàng chục triệu cây giống các loại. Ngày nay, nhiều mô hình sản xuất cây giống nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm ngày càng được ưa chuộng, nhiều nông dân ở đây đã trở nên giàu có…

* Chuyện làm giàu

Nhiều năm nay, nhà vườn ĐBSCL và cả ở miền Đông Nam Bộ, thậm chí miền Trung không còn xa lạ gì đối với những cái tên như Chín Hóa, Tư Thành... giàu “sụ” nhờ sản xuất và cung ứng cây giống. Không chỉ những tên tuổi này, nhiều người dân nơi đây có cuộc sống khấm khá hơn cũng nhờ nghề sản xuất cây giống.

Nhờ sản xuất và cung ứng cây giống có uy tín, ông Chín Bình cất được ngôi nhà khang trang, cuộc sống gia đình trở nên khá giả.  

Giờ đây, ông Nguyễn Văn Bình (Chín Bình, chủ vườn ươm giống cây ăn quả Chín Bình) ở ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành không còn nhớ mình biết làm cây giống từ khi nào. Trong ký ức, ông chỉ nhớ loáng thoáng khi còn rất nhỏ, ông đã biết phụ ông nội, cha... trộn phân, dăm cành, tưới nước cho vườn cây giống. Nhưng có lẽ cái nghiệp của ông bắt đầu từ hơn 30 năm về trước. Ông kể: “Khi tôi đi bộ đội về, cưới vợ, ở chung được 5 năm thì cha mẹ cho 4 công đất (4.000 m2) để ra ở riêng. Lúc bấy giờ, vợ chồng cũng không biết làm gì ngoài nghề sản xuất cây giống. Hằng ngày, vợ chồng tôi chỉ chăm bẵm vào chuyện làm cây rồi thương lái đến mua. Nhưng cũng lúc gay go này lại cho chúng tôi bài học đắc giá, đó là sản xuất mà không nhìn đến thị trường. Cây làm ra nhiều nên dội hàng không tiêu thụ được, chỉ thu hồi nợ về chừng 50% là chuyện thường xuyên xảy ra. Vợ chồng tôi phải đi làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập mới đủ tiền trang trải cho cuộc sống của gia đình”.

Với suy nghĩ: nếu quá bị lệ thuộc vào thương lái, chuyện làm ăn sẽ tiếp tục không hiệu quả, ông Chín Bình quyết định lên các tỉnh miền Đông để tìm đầu ra cho cây giống. “Trồng cây ăn trái là cái nghề của nông dân ĐBSCL, việc chiết, ghép các giống cây đã không còn là chuyện lạ đối với nhiều người. Điều này chưa kể đến có quá nhiều người sản xuất cây giống cung cấp cho nhà vườn ở ĐBSCL” – ông Chín Bình chia sẻ suy nghĩ. Đầu tiên, ông đến những người đồng đội cũ để vận động họ góp vốn hợp tác mở đại lý bán cây giống. Ngoài ra, ông còn chịu khâu hướng dẫn về mặt kỹ thuật. Với cách làm như vậy, đại lý bán cây giống của Chín Bình lần lượt có mặt ở các tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng. Để tiếp cận với các thị trường của các địa phương này, một mặt, ông thường xuyên liên hệ với Sở NN&PTNT để nắm bắt kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp của từng tỉnh. Mặt khác, hằng năm, các kỳ hội chợ, nhất là hội chợ về giống cây trồng, ông đều chủ động đăng ký tham gia. Từ chỗ phải đi làm thuê, làm mướn, nhờ mở rộng được thị trường, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, nâng cao khả năng ghép, trồng, chăm sóc, ông Chín Bình đã mở rộng diện tích vườn ươm lên được 14 ha và gia đình ông trở nên khấm khá với mức thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.

So với ông Chín Bình, anh Lê Văn Cung, chủ trại cây giống Lê Văn Cung ở xã Vĩnh Bình, là đàn em trong nghề cây giống. Bởi anh chỉ gắn bó với nghề sản xuất và cung ứng cây giống hơn 10 năm nay. Anh Cung kể: “Trước đây, tôi làm việc cho trại Thực nghiệm sản xuất cây giống Cái Mơn, nhưng thu nhập chỉ đủ sống cho bản thân. Chính vì vậy, tôi quyết ra lập cơ sở để thử sức mình và có thêm thu nhập cho gia đình”. Với kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cây giống có được từ lúc còn làm ở Trại thực nghiệm cây giống Cái Mơn, khâu kỹ thuật xem như anh không lo ngại. Nhưng, “Cái khó nhất hiện giờ là có quá nhiều người sản xuất cây giống trong địa phương làm sao cạnh tranh? Phải cho mọi người biết đến tên, địa chỉ của mình”- anh Cung nhớ lại.

Những năm đầu, anh Cung lên kế hoạch phải đạt tất cả các tiêu chí, thủ tục về Pháp lệnh cây trồng đối với những nhà vườn sản xuất và cung ứng cây giống. Cụ thể như: giấy chứng nhận vườn ươm đạt tiêu chuẩn chất lượng do Cục Trồng trọt cấp; giấy chứng nhận địa chỉ xanh đối với cây chôm chôm do Bộ NN&PTNT trao. Riêng năm 2007, cây xoài tứ quý ở trại sản xuất cây giống Lê Văn Cung được công nhận là cây đầu dòng... Ngoài việc tập trung cho chất lượng cây giống, anh còn tham gia hầu hết tất cả các kỳ hội chợ ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và cả các hội chợ nông nghiệp được tổ chức ở miền Trung, Tây Nguyên... Mỗi kỳ hội chợ, trại cây giống của anh Cung có những hợp đồng lớn. Nhờ vậy, chuyện làm ăn của anh ngày càng phất lên. Từ 1.000m2 ban đầu, anh đã phát triển được trên 10.000 m2 đất cho vườn ươm; cất được ngôi nhà khang trang và hằng năm lợi nhuận từ việc sản xuất cung ứng cây giống đạt hàng trăm triệu đồng. Anh Cung chia sẻ: “Phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của nhà vườn ở từng địa phương khác nhau. Từ đó, mới có thể dự đoán chính xác nên sản xuất và cung ứng loại giống cây nào ra thị trường, phải luôn tìm tòi những giống cây mới để đáp ứng nhu cầu của nhà vườn. Nhưng phải giữ chữ tín và cây giống phải đảm bảo chất lượng thì mới mong gầy dựng được thương hiệu riêng trong bối cảnh khó khăn”.

Sản xuất phải đáp ứng nhu cầu thị trường

Ở Cái Mơn, những nông dân làm giàu lên nhờ nghề sản xuất cây giống đã không còn là chuyện hiếm. Theo ông Lê Văn Đơn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách: “Mô hình sản xuất, cung ứng cây giống đạt mức thu nhập 300 triệu đồng/ha, gấp 2 lần so với các mô hình kinh tế vườn khác”.

Song, mối lo ngại nhất hiện nay chính là chất lượng cây giống. Về vấn đề này, ngay như ông Chín Bình nhiều lúc cũng bức xúc. Ông nói: “Quá nhiều người làm cây giống. Vì thế, nhiều lúc, nhiều nơi chất lượng cây giống bị xem nhẹ. Có lúc nhà vườn gọi điện... mắng vốn tôi vì họ trồng 3-5 năm rồi mà cây không cho trái hoặc cho trái không đạt yêu cầu. Dù biết các cây giống này không phải từ cơ sở mình nhưng tôi cảm thấy áy náy lắm”. Chính vì lẽ đó, ông Chín Bình đề nghị ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng sản xuất giống cây trồng. Song song đó, chính quyền địa phương cần sớm công bố quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất của từng khu vực, từng vùng cụ thể.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, toàn huyện có trên 5.000 hộ chuyên sản xuất cây giống với diện tích trên 300 ha. Hằng năm, nơi đây cung cấp cho các nhà vườn ĐBSCL, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trên 16 triệu cây giống các loại. Ông Lê Văn Đơn cho biết: “Hiện nay, địa phương đang tiến hành tổ chức lại quy hoạch ổn định sản xuất cây giống theo hướng giảm dần diện tích, nâng cao chất lượng. Trong đó, huyện sẽ hướng người dân tập trung sản xuất các giống như chôm chôm, sầu riêng, măng cục, bưởi da xanh...”.

Bài học xây dựng mô hình với quy mô lớn và sản xuất theo nhu cầu của thị trường, có hợp đồng đầu ra như ông Chín Bình, anh Lê Văn Cung... là một điển hình cho cách làm năng động, phù hợp. Qua đó, có thể nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất cây giống trong bối cảnh kinh tế thị trường không chỉ ở Cái Mơn mà có thể áp dụng cho các nhà vườn, cơ sở sản xuất cây giống ở ĐBSCL.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết