21/04/2014 - 22:02

Mở cơ hội hợp tác mới cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Tiềm năng to lớn về nông nghiệp của ĐBSCL- Việt Nam cùng với công nghệ của Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới. Đó là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tại hội thảo “Môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam- Nhật Bản” vào chiều 21-4 tại TP Cần Thơ do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn thẳng vào thực tế hạn chế của vùng để có cách làm mới thu hút vốn FDI từ Nhật Bản vào nông nghiệp vùng.

Nhiều hạn chế trong phát triển

ĐBSCL không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia mà còn cho thế giới. Đây là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp; chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước, cung cấp 70% lượng trái cây, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước… Những nông sản chủ lực của vùng đã vươn ra khắp các châu lục, song nông nghiệp của vùng phát triển thiếu bền vững, chuỗi giá trị gia tăng của ngành không cao, đa phần xuất khẩu thô. Có nhiều nguyên nhân khiến nông nghiệp của vùng phát triển thiếu chiều sâu như: trình độ công nghệ lạc hậu, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu chuyên nghiệp.

Đại diện Ủy ban Hợp tác kinh tế Nhật Bản - Mekong cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ ký kết biên bản ghi nhớ về thúc đẩy đầu tư và hợp tác kinh tế. 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng ĐBSCL còn nhiều điểm nghẽn trong quá trình phát triển nông nghiệp, rất cần mời gọi đầu tư nước ngoài để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, khẳng định: “Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản chưa bao giờ tốt đẹp như hiện tại, đó là quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình, phồn vinh châu Á. Kết quả chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước vừa qua đã mở ra cơ hội hợp tác mới, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế trong hợp tác giữa Việt Nam- Nhật Bản. Trong những ngày tháng 4 vừa qua, tôi tiếp rất nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, tài chính,… đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và mong có thông tin về lĩnh vực nông nghiệp. ĐBSCL của Việt Nam là vùng tăng trưởng nhất của cả nước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Những tiềm năng to lớn của nông nghiệp ĐBSCL cộng với công nghệ cao của Nhật Bản sẽ tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng cao… Nông nghiệp Việt Nam cần những công nghệ cao của Nhật Bản trong công nghệ sau thu hoạch, cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất, bảo vệ môi trường… Chuyến khảo sát của đoàn doanh nghiệp Nhật Bản lần này đến ĐBSCL, nếu biết tận dụng tốt sẽ tạo vận hội mới cho nông nghiệp”.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Đến nay, cả nước có khoảng 502 dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp, vốn đăng ký khoảng 3,36 tỉ USD. ĐBSCL thu hút khoảng 11,2 tỉ USD vốn FDI, trong đó lĩnh vực nông nghiệp- thủy sản vốn đầu tư chiếm khoảng 2%. Nhật Bản hiện có 2.238 dự án đầu tư tại Việt Nam, vốn đăng ký đầu tư 35 tỉ USD, trong đó, có 33 dự án thuộc lĩnh vực nông lâm- thủy sản, vốn đầu tư 146,5 triệu USD. Tại ĐBSCL, Nhật Bản hiện có 91 dự án đầu tư vào vùng, vốn khoảng 516 triệu USD (lĩnh vực nông nghiệp 6 dự án vốn 35,5 triệu USD, chiếm 7,6%). Thu hút FDI vào ĐBSCL còn nhiều hạn chế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Xét về qui mô sản xuất thì nông nghiệp vùng thiếu liên kết, thiếu chuyên nghiệp, nên sản phẩm nông nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu vận hành dây chuyền công nghệ hiện đại. Cần nhìn thẳng vào thực tế hạn chế để có cách làm mới, thu hút FDI từ Nhật Bản vào vùng và cần liên kết mời gọi đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp.

DN Nhật Bản tìm hiểu các thông tin liên quan đến lĩnh vực cần đầu tư vào ĐBSCL.
Ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Mekong- Nhật Bản, cho biết: “Nhóm khảo sát lần này của đoàn Nhật Bản ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề: Nuôi trồng chế biến thủy sản, nông sản, tài chính, thương mại, chuỗi nhà hàng, công nghệ thông tin… Thị trường thực phẩm châu Á rất nhiều tiềm năng, việc phát triển nông nghiệp còn phụ thuộc vào việc chúng ta có nắm bắt được cơ hội hay không. Chúng tôi cho rằng, phát huy tiềm năng nông nghiệp vùng ĐBSCL được sự hỗ trợ từ Nhật Bản trong chuyển giao công nghệ sẽ tạo ra cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi. Lẽ đó, đoàn Nhật Bản đến hội thảo để lắng nghe các bạn giới thiệu tiềm năng, lợi thế của mình, chúng tôi cũng sẽ có cái nhìn đa chiều về cơ hội hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp tại ĐBSCL”…

Nông nghiệp là lĩnh vực chiếm giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam; trong suy thoái kinh tế, nông nghiệp luôn giữ vững tăng trưởng. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, đóng góp của ngành và cần luồng gió mới từ nguồn vốn FDI để tạo bước đột phá mới cho nông nghiệp.

Liên kết để tận dụng cơ hội

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết: ĐBSCL chiếm khoảng 18% thị phần bán lẻ của cả nước, số lượng doanh nghiệp của vùng chiếm khoảng 10% DN cả nước với trên 50.000 doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh của vùng đã cải thiện rất mạnh, đặc biệt trong năm 2012-2013. Vùng đang cần mời gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông để phát triển cảng biển; mời gọi dự án đầu tư công nghệ nuôi trồng, công nghệ sinh học trong chế biến thực phẩm, cơ khí máy móc cho nông nghiệp, chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ. Doanh nghiệp Nhật Bản đến vùng ĐBSCL sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực trong xúc tiến đầu tư, thương mại từ VCCI.

Ông Tadashi Kikuchi, chuyên gia JICA về xúc tiến đầu tư- Trung tâm xúc tiến đầu tư phía nam (cục đầu tư nước ngoài) cho rằng: ĐBSCL là vùng đất màu mỡ, thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, nhưng không có nghĩa là đã thành công trong phát triển. Sản phẩm nông nghiệp vốn là từ sức lao động của đôi tay con người mà ra. Điều này thì cả Nhật Bản và Việt Nam đều giống nhau. Vùng ĐBSCL 1 năm làm 3 vụ lúa, trong khi Nhật Bản chỉ làm 1 vụ. Chỉ riêng việc thu hoạch lúa nông dân Việt Nam đã cần thời gian nhiều hơn gấp 3 lần so với nông dân Nhật Bản. Hệ quả là chất lượng gạo của Việt Nam khó mà theo kịp được với chất lượng gạo của Nhật Bản. Nếu gạo của Việt Nam mà không ngon được tương đương như gạo của Nhật Bản thì người tiêu thụ tại Nhật Bản sẽ không mua gạo Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm nào có chất lượng thì sẽ bán chạy nhất, chứ không phải sản phẩm rẻ. Vì sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, vấn đề nâng cao chất lượng và cơ giới hóa nông nghiệp là điều không thể thiếu. Lẽ đó, những việc cần làm hiện nay là đại diện cho các cơ quan chính phủ, các tổ chức viện trợ và đại diện khối doanh nghiệp tư nhân cần phải ngồi lại, cùng đóng góp ý kiến với nhau để thiết kế một mô hình mà trong đó doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam có thể cùng tiến hành hoạt động kinh doanh với nhau. Doanh nghiệp hai nước có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh trên cơ sở hai bên cùng có lợi để cùng đi đến thành công.

Trong hoạch định chiến lược phát triển cho vùng ĐBSCL thời gian tới, Chính phủ luôn ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để mời gọi vốn FDI. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng ĐBSCL cần liên kết, chọn lọc dự án mang tính chất vùng để đón sóng đầu tư từ Nhật Bản. Không làm dàn trải mà phải có thí điểm để nhân rộng. Và cần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vùng để có thể hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản. Đào tạo nguồn nhân lực- một trong 3 trụ cột để mời gọi đầu tư, ngoài đào tạo kỹ sư cần đào tạo công nhân lành nghề, phù hợp với tác phong công nghiệp trong môi trường lao động Nhật Bản.

Gia Bảo- Minh Huyền

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của doanh nghiệp Nhật Bản cho biết rất ấn tượng với sự phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Vấn đề mà đoàn Nhật Bản muốn tìm hiểu rõ hơn là: hạ tầng cơ sở của vùng ĐBSCL thiếu đồng bộ ở điểm nào và các địa phương cần gì từ nhà đầu tư Nhật Bản. Nhật Bản mong nhận được thông tin cụ thể về quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cao chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Đồng thời, hy vọng chuyến khảo sát thực tế tại các địa phương (Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp) từ 22 đến 23-4 sẽ làm rõ hơn các thông tin và mở ra nhiều cơ hội hợp tác. 

Chia sẻ bài viết