24/07/2008 - 20:48

Giá xăng - dầu tăng cao

Mỡ cá tra "lên ngôi!"

Năm nay, giá cá tra trồi sụt thất thường, doanh nghiệp không mặn mà mua cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu, khiến người nuôi cá tra Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lao đao. Trong khi đó, mỡ cá tra-một thứ phế phẩm, lâu nay ít ai quan tâm đến, đang được nhiều nước đặt hàng khối lượng lớn, nhiều nhà máy chế biến mỡ cá tra tại ĐBSCL không đủ hàng cung ứng. Các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh tranh nhau đến ĐBSCL mua mỡ cá tra để xuất khẩu, đã làm giá mỡ cá tăng mạnh đến 15.000-16.000 đồng/kg, cao hơn giá cá tra nguyên liệu…

THĂNG TRẦM MỠ CÁ TRA...

Khi nghề nuôi cá tra của ĐBSCL chưa phát triển thì mỡ cá tra xem như phế phẩm, bỏ đi. Chỉ có những nhà làm khô cá tra phồng tại thị xã Châu Đốc (An Giang), tận dụng chế biến mỡ cá bán sang Campuchia để làm thực phẩm. Một chủ cơ sở chế biến khô cá tra phồng, mỗi năm thu nhập được vài trăm triệu đồng từ mỡ cá tra, bộc bạch: “ Nói thiệt nghề làm khô cá tra phồng chỉ huề vốn, lãi được là nhờ bán mỡ cá”.

Cá tra còn là nguồn nguyên liệu chế biến dầu bio diesel và dược liệu. 
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN 

Theo nhịp thời gian, nghề nuôi cá tra của ĐBSCL phát triển, nông dân cùng doanh nghiệp đua nhau nuôi cá tra. Các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu cũng đua nhau mọc lên. Phế phẩm mỡ cá tra ngày càng nhiều. Các cơ sở sản xuất dầu bôi trơn, nghĩ đến việc tận dụng mỡ cá tra để chế biến mỡ bôi trơn động cơ tung ra thị trường. Sản phẩm này được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhưng các cơ sở chế biến mỡ bôi trơn từ mỡ cá tra cả khu vực ĐBSCL cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lúc này, giá mỡ cá tra chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. Năm 2004, giá nhiên liệu bắt đầu tăng lên, nhất là dầu diesel, làm cho các doanh nghiệp bước vào nghiên cứu thử nghiệm lấy mỡ cá tra chế biến dầu sinh học (bio diesel) dùng cho động cơ diesel.

Tiên phong chế biến dầu bio diesel từ mỡ cá tra là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) và Công ty TNHH Minh Tú (phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Sản phẩm dầu bio diesel của Agifish được Trung tâm 3 Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm nghiệm đạt tất cả chỉ tiêu dầu dùng cho động cơ diesel. Nhiều nhà máy sản xuất gạch ống ở Long Xuyên và Châu Thành (An Giang) sử dụng dầu bio diesel của Agifish tiết kiệm được chi phí nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đầu năm 2006, Agifish đã ký kết biên bản ghi nhớ với Saigon Petro hợp tác sản xuất dầu bio diesel từ mỡ cá tra. Còn sản phẩm dầu bio diesel của Công ty TNHH Minh Tú bán được 7.600 đồng/lít. Ngoài ra công ty này còn thu được glycerin từ mỡ cá tra dùng làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm và dược liệu.

Tuy nhiên, khi dầu bio diesel được các ngư dân vùng bán đảo Cà Mau sử dụng không theo đúng kỹ thuật pha chế đã gây hỏng hóc máy. Sự cố này, làm cho người tiêu dùng ngán ngại. Từ đó, dầu bio diesel chế biến từ mỡ cá tra khó tiêu thụ. Mỡ cá tra và sản phẩm dầu bio diesel lại bị “lãng quên” trên thị trường.

... ĐẾN THỜI “HOÀNG KIM”

Tưởng chừng mỡ cá tra sẽ mãi là phế phẩm bỏ đi, nhưng đến đầu năm 2006, giá mỡ cá tra bắt đầu tăng lên 4.500-5.000 đồng/kg. Bước sang năm 2007, giá mỡ cá tra nhảy lên 6.000 đồng/kg khi được Campuchia và Đài Loan nhập khẩu mạnh để chế biến thực phẩm và dầu bio diesel. Nhưng tăng mạnh nhất là từ đầu năm 2008 đến nay. Đầu năm, giá mỡ cá tra được các nhà máy chế biến tại ĐBSCL ký hợp đồng 13.000-14.000 đồng/kg. Nay đã tăng lên 15.000-16.000 đồng/kg.

Các nhà máy chế biến mỡ cá tra tại ĐBSCL cho rằng, nhu cầu mỡ cá tra để các doanh nghiệp trong nước dùng chế biến thức ăn gia súc và khách hàng nước ngoài (Trung Quốc, Hongkong, Hàn Quốc, Campuchia) nhập khẩu để chế biến thực phẩm và dầu bio diesel tăng mạnh, đáp ứng không đủ. Công ty cổ phần thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 (Khu công nghiệp Thanh Bình, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có công suất 1.000 tấn mỡ cá tra/tháng, nhưng khi doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh hỏi mua để xuất khẩu sang Hongkong thì chỉ cung ứng được 100 tấn/tháng. Vì trước đó, Công ty này đã ký hợp đồng cung ứng mỡ cá tra với các doanh nghiệp khác. Công ty cổ phần thủy sản Bình An (khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ) có công suất 30 tấn/ngày, cũng tương tự như vậy. Một khách hàng tại thành phố Hồ Chí Minh hỏi mua mỡ cá tra thì được công ty này trả lời không có hàng...

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mỡ cá tra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải rao tin “dồn dập” mua mỡ cá tra trên mạng, đại loại như: “Công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản. Hiện nay, chúng tôi đang có nhu cầu mua da, mỡ cá tra, ba sa để xuất khẩu, cần mua mỡ cá tra, cá ba sa thô để sản xuất dầu bio diesel. Chúng tôi có khả năng tiêu thụ 1.000-2.000 tấn/tháng”. Mới đây, Công ty cổ phần thủy sản Kiên Giang đã ký hợp đồng với một khách hàng Hàn Quốc, xuất khẩu 1.000 tấn dầu cá. Dầu cá này, được sản xuất từ mỡ cá tra. Hiện nay, giá mỡ cá tra đã chế biến giao tại nhà máy là 15.000 đồng/kg, tại thành phố Hồ Chí Minh 16.300-16.500 đồng/kg. Với giá này, các nhà máy chế biến mỡ cá tra có lãi cao.

Mỡ cá tra có giá, nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng đầu tư nhà xưởng, nhập dây chuyền công nghệ chế biến mỡ cá tra từ Trung Quốc, Thái Lan để nâng chất lượng sản xuất, thay thế phương pháp thắng mỡ thủ công trước đây. Nhiều doanh nghiệp chế biến mỡ cá tra cho rằng, với đà nguồn nhiên liệu dầu hỏa cạn kiệt và tăng giá sẽ là cơ hội vàng cho mỡ cá tra ĐBSCL. Ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Agifish, nơi đã nghiên cứu sản xuất thành công dầu bio diesel từ mỡ cá tra, phân tích: “Công ty đã dự định sản xuất dầu bio diesel từ mỡ cá tra từ lâu. Nhưng do hiện nay giá mỡ cá so với giá dầu diesel trong nước tương đương, nên chế biến mỡ cá bán có lợi hơn. Nếu giá dầu diesel tăng lên hoặc Nhà nước hỗ trợ sản xuất dầu bio diesel thì công ty thực hiện ngay. Ở nước ta hiện nay sản xuất dầu bio diesel chưa được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, trong khi đó nhiều nước trên thế giới đang khuyến khích sản xuất dầu bio diesel và có chiến lược phát triển loại dầu này nên các doanh nghiệp được nhiều hỗ trợ, sản xuất rất hiệu quả. Vì thế, họ nhập khẩu mỡ cá tra ngày càng nhiều...”.

Giá mỡ cá tra đang “sốt”, đang hút hàng nhưng theo các nhà kinh doanh mỡ cá tra, viễn cảnh sẽ còn sáng sủa hơn nhiều. Đó là giá dầu thế giới tăng cao hơn, nhu cầu sử dụng dầu bio diesel nhiều hơn. Hơn nữa, mỡ cá tra, ba sa có hàm lượng omega3, hàm lượng cholesterol thấp hơn mỡ heo và cá biển, tiềm năng chế biến mỡ cá tra để làm thực phẩm, dược phẩm sẽ có nhiều cơ hội khai thác hơn.

Quang Hải

Chia sẻ bài viết