05/10/2024 - 13:43

Minh bạch tài sản để phòng ngừa tham nhũng - cần cơ chế chặt chẽ và “tâm” của cán bộ 

Bài cuối: Sự trung thực cùng cơ chế chặt chẽ - chìa khóa mở cửa minh bạch

Kê khai và kiểm soát kê khai tài sản thu nhập (TSTN) vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ và cũng là cơ sở đo lường sự trung thực với Đảng, sự minh bạch trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Để công tác kê khai và kiểm soát kê khai TSTN không còn là hình thức, mỗi CBCCVC, nhất là người đứng đầu phải thật sự nêu gương. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện cả cơ chế và thể chế về kê khai và kiểm soát kê khai TSTN để công tác này thực sự là thước đo sự trung thực của CBCCVC, là công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng.

 

CB phải gương mẫu

Khi được hỏi về vấn đề kê khai TSTN của CBCCVC, anh Quốc Tuấn ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, nói: “Nếu CB có tâm, tận tụy phục vụ nhân dân thì sẽ không ngại kê khai TSTN. Còn nếu CB chỉ lo vun vén cho bản thân thì chắc chắn khi kê khai TSTN sẽ giấu cái này, bớt cái kia”. Đồng tình với quan điểm này, chị Mỹ Vân ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, nói: “CB tốt hay xấu, chỉ cần nhìn cách ứng xử với dân là biết. CB cần phải làm gương, phải là người gần gũi dân, hết lòng chăm lo cho dân. Trong kê khai TSTN cũng vậy, CB tốt thì việc kê khai TSTN chẳng gì phải giấu giếm và cũng sẽ không sợ sệt khi phải công khai TSTN cho người dân biết”.

Thanh tra TP Cần Thơ cùng các ngành liên quan triển khai kế hoạch xác minh TSTN năm 2024. Ảnh: CTV

Thời gian qua, Thành ủy Cần Thơ rất quan tâm đến vấn đề nêu gương, trong đó có công tác kê khai và công khai TSTN của CBCCVC. Theo đó, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Quy định số 19-QĐi/TU về trách nhiệm nêu gương của CB, đảng viên (ĐV), trước hết là CB lãnh đạo, quản lý các cấp và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Quy định chỉ rõ mỗi CBĐV, trước hết là CB lãnh đạo, quản lý các cấp và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải nêu gương trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, việc kê khai và công khai TSTN...

Việc kê khai và công khai TSTN sẽ xác định tính trung thực và thể hiện uy tín của CBĐV. Người thật sự có uy tín mới được dân coi trọng, mới có được niềm tin từ nhân dân. Tháng 5 vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBĐV trong giai đoạn mới. Trong đó, quy định CBĐV phải trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực; trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm; gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. CBĐV chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước ĐV, ĐV gương mẫu trước quần chúng… Đó cũng là những lời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “CBĐV phải làm gương mẫu cho nhân dân. CB cấp trên phải làm gương mẫu cho CB cấp dưới”(*).

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bỉ, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Thới Lai, CBĐV thuộc diện kê khai TSTN, nêu gương trước hết cần phải tự giác và trung thực. Đối với CB làm công tác kiểm soát TSTN, phải có tinh thần trách nhiệm vì công việc, không được có tư tưởng vụ lợi. Quá trình xác minh phải khách quan, xem xét có lý, có tình, cân nhắc thận trọng, vì vấn đề này khá nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến cả sự nghiệp chính trị của một CBĐV.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, cho rằng: Các CBĐV thuộc diện kê khai TSTN phải tự mình nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác kê khai TSTN; phải tự nghiên cứu để nắm vững và thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn về kê khai tài sản. Hơn hết, quá trình kê khai phải phát huy tính tự giác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng, phát huy vai trò, trách nhiệm của CBĐV, CCVC trong việc kê khai, thể hiện đúng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người ĐV. Đối với người làm công tác kiểm soát TSTN phải nắm kỹ các quy trình, nghiệp vụ về kiểm soát TSTN. Nắm chắc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác kê khai và kiểm soát kê khai TSTN để thực hiện đúng. Đồng thời, phải có cái tâm trong sáng và tham mưu chính xác đối với các vấn đề liên quan đến công tác kê khai, kiểm soát kê khai TSTN.

Cần cơ chế và thể chế chặt chẽ

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, “cần phải khoanh vùng những quan chức bắt buộc phải kê khai, tập trung vào những ngành và nhóm dễ tham nhũng nhất để tiện quản lý”, “không nên quy định phạm vi đối tượng phải kê khai TSTN quá rộng so với nguồn lực và năng lực của các cơ quan phòng, chống tham nhũng của quốc gia” (**).  

Thực tế thời gian qua, số lượng bản kê khai TSTN phải xác minh nhiều, trong khi chưa có quy trình xác minh cụ thể nên tổ chức làm nhiệm vụ kiểm soát TSTN gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Văn Bỉ, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Thới Lai, kiến nghị: “UBKT Trung ương cần tập huấn và hướng dẫn chuyên sâu đối với công tác kiểm soát TSTN; nhất thiết phải có các biểu mẫu thực hiện quy trình tương tự công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng Trung ương cần quy định chi tiết, rõ ràng hơn đối với bản kê khai TSTN để người kê khai dễ dàng thực hiện”.

Theo đồng chí Lê Hồng Thức, Phó Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Thốt Nốt, về nội dung thực hiện kê khai, kiểm soát kê khai TSTN vẫn còn nhiều vấn đề cần xác định kỹ lưỡng. Kiến nghị tất cả TSTN (hữu hình, vô hình) phải được kiểm soát, quản lý bằng hệ thống pháp luật, trên cơ sở liệt kê thêm, nêu rõ, quy định cụ thể, chi tiết loại tài sản phải kê khai. Bên cạnh đó, cần quản lý kiểm soát TSTN bằng hệ thống công nghệ phần mềm giống như phần mềm CBCCVC. Từ đó, việc tăng, giảm TSTN đều được cập nhật và được chứng minh về nguồn gốc rõ ràng. “Kinh nghiệm nhiều nước cũng cho thấy, kê khai, công khai qua hình thức điện tử không chỉ thuận tiện cho công chức mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho nhà nước và cộng đồng”.(***)

Đồng chí Trần Thị Thanh Thúy, Chánh Thanh tra thành phố, kiến nghị các bộ, ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan đến TSTN cần sớm có cơ sở dữ liệu đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin; quy định cơ chế phối hợp trong công tác kiểm soát TSTN. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình, trình tự, biểu mẫu xác minh kiểm soát TSTN; nghiên cứu mô hình cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai TSTN sẽ được thực hiện về lâu dài. Bên cạnh đó, triển khai cơ sở dữ liệu về minh bạch TSTN để quản lý, kiểm tra, xác minh nội dung; truy cập thông tin kê khai; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo kê khai… góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong công tác kiểm soát TSTN, lâu nay vẫn vấp phải vấn đề khó khăn trong nhận diện người không trung thực trong kê khai TSTN. Bác Hồ đã từng căn dặn “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, do đó cần phải phát huy vai trò của người dân trong công tác này. Rất nhiều người dân đã bày tỏ quan điểm cần thiết phải công khai những bản kê khai TSTN đến tận nơi CB sinh sống. Vì chỉ công khai như vậy, người dân mới có thể giám sát. Tai mắt của dân rất nhiều, CB có kê khai không trung thực là dân phát hiện ngay. Đó là dựa vào sức dân. 

Để các cơ chế về kiểm soát TSTN được hoàn thiện tốt hơn, phục vụ tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, theo đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, trước hết phải hoàn thiện các quy định pháp luật về kê khai và kiểm soát kê khai TSTN, nhất là việc xác định đối tượng để xác minh, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình xác minh kê khai TSTN, xác định tài sản phải kê khai, thẩm định giá trị tài sản… Những vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn, tạo thuận lợi trong thực hiện. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, làm cho CBCCVC, nhất là người đứng đầu, thấm nhuần việc kê khai minh bạch tài sản là một cách đánh giá mức độ trung thực, tính tự giác và ý thức trách nhiệm của ĐV, CBCCVC, nên phải thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc kê khai TSTN của đối tượng thuộc diện kê khai. Tạo kênh thông tin mở để thu nhận ý kiến của người dân về vấn đề này. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta hiện nay là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Do đó, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác này để thu được kết quả tốt nhất.

SƠN HÀ

----------------

(*) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.494

(**) Ban Nội chính Trung ương, Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số quốc gia trên thế giới, Nxb Tư pháp, 2022, tr.342, 352

(***) Ban Nội chính Trung ương, Sđd, tr.355

Chia sẻ bài viết