20/05/2013 - 21:56

Minh bạch môi trường kinh doanh

Minh bạch môi trường kinh doanh tạo  điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. (Ảnh Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng). Ảnh: MINH HUYỀN

Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đạt mục tiêu thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài vào vùng. Và ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng đầu tư từ Trung ương cho vùng chưa tương xứng với thành quả mà vùng đóng góp cho quốc gia. Cụm từ “vùng trũng” về giáo dục, thu hút vốn FDI… được nhắc tới nhiều năm qua, nhưng đáp án giải quyết chưa thỏa đáng. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: Một nơi có tài nguyên tốt, nguồn lực dồi dào chưa đủ để bứt phá mà môi trường kinh doanh (MTKD) là mấu chốt quan trọng, quyết định tính dài hơi trong phát triển kinh tế của địa phương, vùng. MTKD phụ thuộc rất nhiều vào tính tiên phong, năng động của lãnh đạo địa phương và những người thừa hành các quyết định của lãnh đạo.

Từ năm 2005 đến nay thông qua kết quả công bố của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm để làm thước đo năng lực điều hành của lãnh đạo các địa phương thông qua lăng kính doanh nghiệp (DN) đã phản ánh phần nào về môi trường đầu tư, kinh doanh tại các địa phương. Các DN cảm nhận về tính tiên phong, năng động của lãnh đạo địa phương thông qua việc thực thi các chính sách từ Trung ương, địa phương trong việc tạo điều kiện cho kinh tế khu vực tư nhân phát triển. Thời gian đầu, nhiều địa phương vùng ĐBSCL chưa quan tâm sự lên xuống trong bảng xếp hạng PCI hằng năm. Song khi PCI đã trở thành tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng DN và nền kinh tế Việt Nam rơi vào chu kỳ suy thoái kinh tế thế giới (năm 2008) thì lãnh đạo địa phương không thể làm ngơ nữa. Lãnh đạo tỉnh, thành đã vào cuộc tháo gỡ khó khăn cùng DN, khoảng cách lãnh đạo- DN được rút ngắn hơn.  Song, khoảng cách giữa các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL không đồng đều, với các chỉ số thành phần là trọng số trong thước đo PCI như: tính minh bạch và trách nhiệm, chi phí về thời gian và việc thực hiện các qui định của nhà nước, thiết chế pháp lý… rất khó lấy điểm, nên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ lãnh đạo địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh, gia tăng sự tin cậy đối với DN.

Sòng phẳng mà nói thì PCI qua lăng kính của DN ở các thành phố lớn- nơi có điều kiện phát triển công nghiệp- thương mại- dịch vụ được DN “chấm” khắt khe hơn các địa phương thuần nông. Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự tiên phong, năng động của lãnh đạo là điều kiện tiên quyết để cải thiện các chỉ số PCI. Khi môi trường đầu tư, kinh doanh được minh bạch, việc thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào sẽ dễ dàng hơn. Vừa qua, tại buổi “Cùng chúng tôi đối thoại” do VTV Cần Thơ tổ chức, với sự tham gia của các khách mời là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, VCCI Chi nhánh Cần Thơ, các diễn giả đều khẳng định quyết tâm cải thiện điểm số, chất lượng môi trường kinh doanh cần nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt là thay đổi cách ứng xử với DN. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Lãnh đạo tỉnh đang tìm tòi để thay đổi thái độ ứng xử với cộng đồng DN tỉnh. Gỡ khó cho DN cũng là gỡ khó cho nền kinh tế tỉnh nhà, trước đây, tỉnh tổ chức đối thoại với DN định kỳ 3 tháng/lần, nhưng chúng tôi nhận thấy nếu cố định thời gian sẽ làm mất nhiều cơ hội của DN. Bởi DN phải giải quyết công việc kinh doanh hằng ngày, nếu chờ để gặp lãnh đạo tỉnh trình bày gút mắt đang gặp thì rất khó. Lẽ đó, tỉnh phân loại DN và tiếp nhận thông tin hằng ngày từ DN trên cổng thông tin điện tử, qua điện thoại… để đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng. Từ những chia sẻ thông tin của DN, lãnh đạo tỉnh sẽ tìm ra phương án, đường lối phát triển kinh tế phù hợp thực tế”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ cho biết trong những năm đầu xếp hạng PCI, Vĩnh Long luôn đứng trong tốp 10 cả nước, nhưng năm 2011 “rơi” xuống hạng 54, Tỉnh ủy đã triệu tập cuộc họp với các sở, ngành liên quan để chấn chỉnh công tác điều hành. Sự quyết tâm này đã tạo được kết quả quan trọng trong PCI năm 2012 xếp hạng 5 cả nước, lãnh đạo có quyết tâm mới tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho các đơn vị thừa hành (sở, ngành) cùng vào cuộc gỡ khó cho DN.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long cũng thừa nhận ý chí của lãnh đạo tỉnh và sự thừa hành của cấp dưới vẫn còn khoảng cách. Do vậy, cần công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, tiếp nhận thông tin khách quan từ DN phản ánh để tìm ra hướng lãnh đạo đúng đắn. Chuyển từ bộ máy hành chính nặng tính quản lý sang phục vụ, xem DN là đối tác là mục tiêu để cải thiện môi trường kinh doanh. Hy vọng rằng với những cách làm hay của Đồng Tháp, Vĩnh Long sẽ tạo sức lan tỏa ra khu vực ĐBSCL để vùng thoát khỏi cái cảnh “vùng trũng”.

     Gia Bảo

 

Chia sẻ bài viết