Miếu Thần Minh là ngôi cổ miếu thờ vị quan thanh liêm, hết lòng lo cho dân chúng và hy sinh tính mạng để giữ bình an cho xóm làng, xã tắc trước bọn giặc cướp. Vị quan ấy là ông Nguyễn Thiện Năng. Chính vì lẽ này, Thần Minh Miếu còn được người dân địa phương gọi một cách tôn kính là Miếu Ông Nguyễn Thiện Năng. Ngôi miếu hiện tọa lạc tại khóm 3, phường 4, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Miếu Thần Minh. Ảnh: baocamau.com.vn
Ngược dòng lịch sử, Cà Mau vào thế kỷ XVII-XVIII còn là vùng đất hoang ít người lui tới nên vùng đất này lúc bấy giờ chỉ là 1 trong 7 xã thuộc trấn Hà Tiên. Đến thế kỷ XIX, vùng đất này mới được mở rộng khai phá và dân cư đến đây sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông. Từ đó một số thiết chế văn hóa, bộ máy hành chánh, phố chợ… đã được thiết lập. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Thiện Năng là người gốc miền Trung, văn võ song toàn, đã được triều đình bổ nhiệm Tri huyện Long Xuyên (địa phận tỉnh Cà Mau hiện nay), trở thành vị quan tri huyện đầu tiên trấn thủ vùng đất cực Nam của đất nước, cũng là phên giậu quốc gia.
Người dân địa phương cho biết, ông Nguyễn Thiện Năng là người rất mực thanh liêm, nhân hậu và thương dân. Trong thời gian đảm trách nhiệm vụ tại địa phương, ông luôn bảo vệ và giữ vững cuộc sống bình yên cho người dân, nên được nhân dân hết lòng ca ngợi về đức độ và tài năng. Tuy nhiên: “Vào năm 1833 (Quý Tỵ), trong nước nhiều loạn lạc, Tri huyện Nguyễn Thiện Năng lại lâm trọng bệnh. Lúc này có một số thành phần xấu thừa cơ ấy nổi lên đánh phá huyện đường mong chiếm một cõi xưng hùng. Ông Nguyễn Thiện Năng và gia đình (gồm vợ và con trai còn nhỏ) chiến đấu quyết bảo vệ tới cùng để giữ an ninh cho dân chúng, nhưng “thân mãnh hổ nan địch quần hồ”, chống cự đến ngày mồng 6 tháng 7 năm đó (Quý Tỵ, 1833) thì sức cùng lực kiệt, không muốn để vạ lây đến dân lành, ông đã cùng gia đình tự sát để giữ tròn khí phách. Thi hài của ông cùng vợ và con trai được chôn chung một mồ. Sau đó, viện binh của triều đình đã đến để dẹp loạn và sắp xếp trật tự, an ninh cho dân chúng”(1).
Để bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với một vị quan thanh liêm, hết lòng lo cho dân chúng, năm 1886 người dân địa phương lập miếu thờ ông và tôn ông là Thần Minh Nhứt Xứ.
Vị trí miếu thờ ngày trước nằm bên bờ sông Cà Mau, gần cầu quay cũ. Đến năm 1938, do nhu cầu xây dựng cầu quay (nay là cầu Phan Ngọc Hiển) nên chính quyền và các vị bô lão, thân hào, nhân sĩ địa phương đã thực hiện cải táng di dời hài cốt ông và gia đình về lập miếu thờ bên bờ Kênh Chùa (nay là đường Nguyễn Thiện Năng) vào năm 1939 (Kỷ Mão). Sự kiện này cũng được tác giả Huỳnh Minh và Nghê Văn Lương ghi lại trong quyển “Cà Mau xưa và An Xuyên nay” như sau: “Năm 1938, chánh phủ Pháp khởi sự làm cây cầu quây trên sông Quan Lộ, để nối liền lộ trình Cà Mau - Bạc Liêu. Miễu và mộ quan huyện nằm ngay dưới phần đất thuộc dốc cầu, nên vị chủ quận bấy giờ ra lệnh cho hương chức sở tại cải táng hài cốt Ngài và vợ con tại khoảng đất giữa chùa Quan Âm Cổ Tự và đình xã Tân Xuyên ngày nay. Lễ cải táng được chánh quyền cho phép tổ chức trọng thể, có hương chức làng, tổng và một đội lính đi đưa. Bài vị và tước của Ngài được đưa tạm thời vào đình làng chờ ngày tái lập miếu mạo… Năm 1963, nhờ sự giúp đỡ của các vị hảo tâm cùng nhau kẻ góp công, người góp của xây cất ngôi Nguyễn Công Thần tự để thờ phượng Ngài”(2).
Miếu Thần Minh được xây dựng trên diện tích trên 1.000m2, ngay cổng chính là đường Nguyễn Thiện Năng (ngày trước là Kênh Chùa), bên trái là Di tích Quốc gia Chùa Phật Tổ (Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự), bên phải là Đình Thần Hoàng. Miếu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bao gồm cổng chính, nhà võ ca, văn phòng, điện thờ, nhà bếp và khu mộ.
Cổng chính cao khoảng 5m, rộng khoảng 7m, xây theo hình thức cổng tam quan. Phía trên cổng là mái vòm 3 tầng, đều có trang trí hình rồng ở hai bên, phía trên mái vòm này là hình hai con rồng đắp nổi theo mô-tip lưỡng long tranh châu.
Phía trước cổng chính có bình phong cao 1,5m ngang 2m, có đắp nổi hình kỳ lân. Phía trên cổng có hai bảng tên Thần Minh Miếu bằng chữ Hán và chữ Việt. Trên hai cột lớn (cửa lớn) trước cổng chính có đôi câu đối bằng chữ Hán khắc trên bảng đá: “Thiện đức trường tồn khí phách oai kinh phối thiên địa/ Năng tài vĩnh tại anh hùng hiển hách oán cổ kim”. Hai chữ đầu của câu đối được chiết tự từ tên của ông: Thiện Năng.
Nhà võ ca nằm cách cổng chính khoảng 8m, ngăn cách với cổng chính là khuôn viên sân lát gạch xi măng tự chèn kích thước 20x20cm, có trang trí tiểu cảnh và nhiều chậu cây kiểng. Nhà võ ca được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, mái lợp tấm fibro xi măng, có ô-văng phía trước, nền lót gạch cremic 40x40cm. Văn phòng nằm bên trái của nhà võ ca, là nơi lưu giữ các tài liệu, hình ảnh hoạt động tại miếu, danh sách và hình ảnh các thành viên của Ban Quản trị miếu qua các thời kỳ.
Điện thờ là khu vực trung tâm của miếu, nằm nối liền với nhà võ ca, ngay chính giữa có tủ thờ bằng gỗ lâu năm, phía sau tủ thờ là điện thờ có bốn chữ Thần Minh Nhứt Xứ viết bằng chữ Hán sơn son thiếp vàng trên nền đỏ. Hai bên tủ thờ có đôi hạc đứng trên lưng rùa làm bằng chất liệu xi măng, phía sau lưng đôi hạc là hai bộ binh khí. Phía trong bên trái điện thờ có bàn thờ Tả ban liệt vị và Tổ sư; bên phải điện thờ chính có bàn thờ Hữu ban liệt vị và Tiền hiền, Hậu hiền.
Phía sau điện thờ là khu mộ của ông và gia đình được xây dựng riêng bằng bê tông cốt thép, nằm cách khu điện thờ một khoảng sân rộng 6x10m. Khu mộ có hai cửa vào, trên cửa có đắp nổi bảng tên, bên trái có chữ Thanh Long, bên phải có chữ Bạch Hổ. Bên trong có một ngôi mộ lớn xây bê tông ốp gạch men, ngang 1,8m, dài 3m, cao 1,5m, có bia mộ phía trước bằng đá liền khối. Hai bên có đôi hạc đứng trên lưng rùa được đắp bằng chất liệu xi măng(3).
Hằng năm, vào mùng 6 và mùng 7 tháng 7 (âm lịch) người dân địa phương tổ chức lễ giỗ Ông Nguyễn Thiện Năng (có khi gọi trại thành Nguyễn Hiền Năng) thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về dự.
Ngoài lễ giỗ thường niên, Ban Quản trị còn tổ chức cúng định kỳ Tam ngươn, Tứ quý (cúng vào rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, rằm tháng 10 âm lịch và các quý trong năm).
Trải qua hàng trăm năm xây dựng, Miếu Thần Minh đã góp phần đánh dấu về sự thiết lập chủ quyền lãnh thổ ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Miếu Thần Minh không chỉ là nơi thể hiện lòng tri ân của nhân dân Cà Mau đối với một vị quan thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh của đông đảo cộng đồng dân cư trên địa bàn TP Cà Mau và những vùng lân cận để bày tỏ mãi mãi có cuộc sống bình an, hạnh phúc, quốc gia mạnh giàu.
Với ý nghĩa như vậy, ở Cà Mau đã có một con đường mang tên Nguyễn Thiện Năng và Miếu Thần Minh đã được UBND tỉnh Cà Mau xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 15-11-2017.
Huỳnh Hà
---------------
(1) Tài liệu do Ban quản trị miếu cung cấp.
(2) Nghê Văn Lương (1972), “Cà Mau xưa và An Xuyên nay”, Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục, tr.169-170.
(3) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, Ban quản lý di tích (2017), Lý lịch di tích miếu Thần Minh, tr.6-8.