"Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh"
(Ca dao)
Lâm đứng tần ngần sau hè. Bên kia mương là bụi tre già cỗi. Mưa xuống mấy đêm mà nó chẳng ra măng. Giữa bụi chằng chịt nhánh tre phủ kín, đôi chỗ lại lồi lên những gốc râu ria. A, có con gì lởn vởn trong đó vậy kìa! Con chim từa tựa con ốc cau, toàn thân màu xanh dương, ức trắng, mặt có sọc đỏ. Đúng rồi, chim quyên! Ba đã từng chỉ cho Lâm hồi nhỏ đây mà! Loài chim này hay làm ổ dưới gốc tre, giấu ổ kỹ lắm, coi chừng nó đang nuôi con đó. Không biết con này là chim trống hay chim mái đây. Chờ coi nó có tha trùn về không.
Nhớ đến ba, Lâm lại thấy buồn. Từ ngày ba bệnh rồi qua đời, má thui thủi nuôi con một thời gian rồi đi thêm bước nữa, Lâm thật lẻ loi. Anh cố học xong đại học để đền ơn khó nhọc của má, để má rảnh rang... Vậy mà, bằng đại học cầm trong tay hai năm nay không giúp Lâm có một việc làm ổn định. Hết đi tiếp thị cho các công ty lại lao vào làm công nhật, làm hợp đồng ngắn hạn... Mòn mỏi, Lâm chạy về quê sống lây lất qua ngày với bà nội, chờ thời.
Bỏ con chim quyên nhảy nhót dưới gốc tre, Lâm trở lại chiếc võng giăng giữa hai cây mít sau nhà. Võng đong đưa, buổi sáng sớm mát rượi, yên tĩnh. Chốc chốc lại có tiếng chim trao trảo hót đâu đó, nghe thật êm ả, ngọt ngào. Khi ba Lâm còn sống, mỗi lần hai cha con về nội, ba cũng thích nằm đây nghe chim hót. Ba nói:
- Chim trao trảo ăn trái cây nên tiếng hót hiền hòa, nhỏ nhẹ, lại "ríu" rất êm, cứ để chuối chín hay trái trứng cá đỏ tươi vào lục là bắt được nó rồi.
Lâm ngước nhìn lên, trên cháng ba cây xoài trước mặt còn treo lủng lẳng hai cái lồng chim, mỗi lồng có một con trao trảo bạc má đang nhảy nhót, rỉa lông. Sao mà Lâm nhớ ba thế này...
* * *
Lớp học buổi tối mở ra ngay trụ sở của khu vực. Gọi khu vực là từ hồi thành phố tách ra, huyện trở thành quận nên xã trở thành khu vực. Mấy tháng nay về đây không có việc gì bận bịu nên Lâm nhận lời ông Tư, Trưởng khu vực, dạy mấy đêm cho lớp học tình thương của xóm. Bà nội cũng nói:
- Xóm mình vẫn còn nhiều trẻ con, thanh niên chưa được tới trường.
Từ bữa bước vào lớp dạy Lâm cũng thấy điều đó. Những chiếc bàn được ghép tạm bợ thành bàn học, ghế ngồi không đủ phải mượn thêm của mấy nhà dân gần đó. Rồi cũng thành lớp học với gần hai chục học trò, ba bốn trình độ khác nhau. Ông Tư nói nhẹ nhõm:
- Bây đừng lo! Vài hôm nữa tao cho đóng vài cái bàn, vài cái băng cho thầy trò có chỗ ngồi tử tế. Còn chương trình hả? Cốt sao cho mấy đứa biết đọc thông, viết thạo và tính toán chút đỉnh để có làm ăn gì cũng đỡ khờ khạo, vậy mà!
Đi một vòng quanh căn phòng học chật cứng, nhớ tới ông Tư, Lâm lại tủm tỉm cười. Mọi chuyện ông đều giải quyết nhanh, gọn, đơn giản như cuộc sống hằng ngày trồng rau, tưới rẫy của ông.
- Anh Lâm ơi, lại coi cho em bài toán này!
Tiếng gọi của Nga làm Lâm giật mình. Nga trạc tuổi Lâm, là học sinh siêng nhất ở đây. Nga thông minh, ham học nên Lâm thầm tiếc cho cô vì nhiều năm trước, việc học phải bỏ lỡ do hoàn cảnh gia đình. Mỗi lần nhớ tới Nga, Lâm lại có động lực lên lớp, lại thấy việc dạy học của mình không đến nỗi đơn điệu, buồn chán. Trong lớp đã có tiếng xì xào:
- Nga "kết" ông thầy lắm rồi!
- Đời nào anh Lâm lại chịu! Dù gì người ta cũng là dân đại học...
Những lời xì xào có lẽ bắt nguồn từ những lần hai người cùng đi về với nhau. Nhà Nga ở xóm trên, chỉ cách nhà Lâm vài trăm thước. Lúc đầu Lâm cũng không để ý nhưng lần hồi, đi bên Nga Lâm lại thấy bồi hồi. Do mái tóc dài của Nga thoang thoảng hương trong gió, do những câu chuyện hồn nhiên của Nga, hay do gì nữa...?
Bà nội thường rủ rỉ với Lâm:
- Tội nghiệp người dân quê lắm con à. Làm lụng cực khổ mà vẫn cứ nghèo...
Nhìn chung quanh, Lâm thấy nội nói thật đúng. Từ hoàn cảnh hiu hắt của Nga đến thím sáu Hoa, ông hai Thời, chú Quý ròm trong xóm,... tất cả đều vậy. Năm trúng mùa trái cây thì trái cây rớt giá, trồng rau, trồng rẫy bán Tết thì nông sản đùn đống phải để rũ ngoài vườn. Tìm chỗ làm thuê làm mướn cũng đỏ con mắt mới đủ lây lất qua ngày
Bởi vậy khi Lâm đòi "lập nghiệp" ở quê, bà chỉ cười, bảo:
- Con sẽ không ở đây lâu đâu. Nội biết mà. Con chỉ nghỉ chân cho đỡ mỏi thôi...
* * *
Theo dõi con chim quyên trong bụi tre, Lâm rình bắt được hai con chim con mới mọc lông ống nên chưa biết trống, mái. Ổ chim dưới gốc tre có tới bốn con, chim cha chim mẹ giữ khít rim mà Lâm vẫn lén bắt được hai "trự". Lâm cố tình chừa lại hai con nhỏ để đôi chim quyên không đi chỗ khác. Nhưng chắc chắn là chúng sẽ đi thôi. Giống chim quyên này giữ ổ kỹ và cảnh giác rất cao, động tĩnh gì là chúng dời đi ngay. Mấy con chim con được Lâm đút mồi trùn đất, tép chấu liên tục nên lớn nhanh như thổi. Mỗi lần nhìn chúng, Lâm lại thấy lòng vui vẻ, nhẹ tênh. Hình như cái mặc cảm thất bại, chua chát trong những bước đầu đời đã tan dần. Hình như những đêm đến lớp, quấn quýt bước chân đi về với cô hàng xóm đã khiến lòng Lâm mở ra. Và những sớm, những chiều ở vùng quê tuy vẫn trôi qua trầm lặng nhưng đã bớt phần đơn điệu với chàng trai quen nếp sống thị thành. Càng hòa nhập vào cuộc sống nơi đây, Lâm càng thấy bên trong vẻ ngoài êm ả ấy có biết bao điều trăn trở.
Ông Hai Thời, bậc lão nông tri điền của xóm này, thường cằn nhằn:
- Riết rồi không thể hiểu được bọn trẻ bây giờ. Có ruộng thì bán ruộng, có vườn thì bán vườn. Mua ti vi, tủ lạnh, sắm xe đời mới chạy nhong nhong không biết để làm gì. "Ngồi ăn núi cũng lở", hết tiền rồi làm sao còn tinh thần, đầu óc để làm rẫy, làm vườn được nữa!
Thiếm Năm Huề thì than:
- Tôi lo nhứt là mấy cái vụ đá gà, cờ bạc, hút chích, cá độ
Bây giờ, cái tốt, cái xấu gì ở chợ có, thì ở vườn cũng có.
* * *
Bà nội Lâm nói đúng như thần. Mấy con chim quyên vừa nhảy nhót thành thục trong lồng, Lâm đã chuẩn bị trở ra thành phố. Khi trả lại lớp học đêm cho ông Tư, trong lòng Lâm có chút ngậm ngùi. Còn ông Tư thì hỏi thẳng:
- Có phải cháu buồn vì chuyện con Nga?
Trời, ông già thiệt tình! Lâm đã cố không nghĩ đến. Chuyện đi lấy chồng "nhanh như chớp" của cô học trò đúng là cú sốc đối với Lâm. Những giọt nước mắt trong lần gặp cuối cùng của cô gái càng khiến Lâm bối rối, xót xa.
- Nhà em nợ nần nhiều quá! Ba má em làm vườn, nuôi cá, thu nhập chẳng bao nhiêu. Lại thêm đám em nheo nhóc. Em hết cách rồi anh ơi!
Ừ, đúng là hết cách! Làm sao có thể trách Nga được chứ. Chỉ trách cái mùi hương nguyệt quế ngan ngát trong đêm, trách sợi tóc ai vuốt ve, mơn trớn trên mặt và... cả bóng đêm nữa, bóng đêm dịu dàng, tươi mát cho tay trong tay nồng ám, rạo rực tình yêu đầu đời.
Nga ra đi không trống không kèn. Nghe nói cô lên thành phố ở nhờ nhà bà con để hoàn tất thủ tục xuất cảnh. Lâm biết gia đình Nga cũng chẳng vui sướng gì chuyện gả con ra xứ người. Có khi họ còn phải nuốt tủi vào lòng nữa kia. Vậy nên tâm trạng Lâm cứ bần thần.
Những ngày cuối còn ở đây, Lâm đã suy nghĩ nhiều, đủ để nhận ra nỗi buồn "vào đời" của mình chỉ bé tí tẹo so nhiều với cảnh đời khắc nghiệt khác. Tình yêu trong trẻo với Nga chỉ khiến Lâm cảm thấy sự bất lực của chính mình. Lâm không thể ở đây, làm "anh hùng lỡ vận" mãi. Cuộc sống nhiều thử thách khó khăn và Lâm vẫn phải đương đầu, phải vượt qua để không đánh mất tình yêu của mình một lần nào nữa.
Trước ngày Lâm đi, chú Tám nhà kế bên đã đốn bụi tre sau nhà để lấy cây làm chuồng bò. Cặp chim quyên cha mẹ đã dời tổ đến nơi nào không biết. Đôi lúc Lâm tưởng như nhìn thấy mấy con chim quyên bay thoáng qua, không biết là chim cha mẹ hay chim con đã lớn lên. Và đôi lúc trong giấc mơ Lâm như nghe thấy tiếng chim kêu thê thiết vì mất tổ, cái tổ mà cặp chim đã tận tâm, tận lực giấu kín để bảo vệ bầy chim con, vậy mà
Lâm mở cửa lồng thả hai con chim quyên đủ lông đủ cánh. Cả hai chú chim lúc đầu bỡ ngỡ với tự do, bay sập sận trong vườn rồi vút lên cao. Dù vậy mấy ngày sau Lâm vẫn còn thấy chúng quẩn quanh trên cây mận, gần chiếc lồng quen thuộc. Không biết chúng đã trở về với cha mẹ, anh em của chúng chưa. Nhưng có lẽ như lời ba Lâm nói, chúng vẫn còn nhớ nơi ở cũ. Cũng như Lâm, Lâm sẽ không bao giờ tách hồn mình ra khỏi miệt vườn này, nơi vòng tay trìu mến của bà luôn mở rộng và đôi mắt bà vẫn dõi nhìn theo để Lâm ghi nhớ mãi lời dặn:
- Người nhà quê khổ lắm con à. Phải có cái đầu biết nghĩ, biết làm mới mong thay đổi bộ mặt của quê mình. Con đi đi, nhưng nhớ trở về! Hãy nhớ con vẫn là người "gốc quê" đó nghe!
Lâm vác ba lô ra đi. Chiếc ba lô nhẹ nhõm trên vai nhưng trong lòng chàng trai giờ nặng oằn tâm sự. Buổi sáng vẫn êm ả trôi qua, con chim trao trảo trên chạc cây lại hót một tràng dài, tiếng hót của cánh chim tự do ngoài trời rộng nghe thánh thót, trong veo rót đầy cả khu vườn