05/01/2008 - 21:22

"Miền nhớ" - vở cải lương được "dát vàng"

Lần đầu tiên trong lịch sử 10 lần tổ chức giải Trần Hữu Trang, các nghệ sĩ vừa đoạt Huy chương vàng, đến từ nhiều đoàn nghệ thuật khác nhau, cùng hội ngộ trong một vở cải lương. Đó là vở diễn “Miền nhớ” của tác giả Lê Duy Hạnh, do NSƯT Bạch Tuyết đạo diễn, vừa trình diễn đêm qua, 5-1-2008, tại sân khấu Trường ĐH Cần Thơ, được truyền hình trực tiếp trên sóng CVTV1 và HGTV.

“Miền nhớ” là câu chuyện của ba thế hệ trong một gia đình nghệ sĩ, yêu nghệ thuật đờn ca, sống hào sảng, phóng khoáng và giàu lòng vị tha. Khác với kết cấu thông thường của cải lương, vở “Miền nhớ” được dàn dựng đan xen giữa hiện tại và quá khứ, đẩy nhanh nhịp độ diễn biến của cốt truyện.

Từ trái qua phải, các nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh (vai Thành), Lịch Sử (vai Hằng) và Thy Trang (vai Nga) trong vở “Miền nhớ”.

Chuyện bắt đầu ở thế hệ thứ ba, khi Thành (Hoàng Quốc Thanh) đưa người yêu là Nga (Thy Trang) về quê nhà dự đám giỗ của ông nội – từng là ông bầu của một gánh hát nổi tiếng với những vở tuồng yêu nước, chống ngoại xâm, đã bị bọn mật thám bức tử khi ông không bằng lòng viết tuồng ca ngợi bọn xâm lược. Trong ngày giỗ, Tấn (Hoàng Nhất) – ba của Thành, con của ông bầu – tiếp một người khách lạ, đó là viên mật thám (Duy Thanh) năm xưa đã bức tử ông bầu, cũng là kẻ đã dùng quyền thế để buộc Hằng (Lịch Sử) phải rời xa Tấn để lấy con trai ông ta. Nay viên mật thám trở về với lòng sám hối, kể lại cho Tấn và Hằng nghe những vở tuồng đặc sắc nhất của ông bầu (Vũ Luân), khoảnh khắc cuối đời của ông bầu, sự can trường của người bạn đời của ông (Hải Yến) khi cùng các ban đờn ca tài tử đốt đuốc sáng rực một góc trời đi đòi công bằng cho ông... Cuộc hội ngộ khiến họ nhận ra một điều trớ trêu khác: Nga chính là cháu nội của viên mật thám. Liệu Tấn và Thành có đủ độ lượng bao dung cho viên mật thám ngày xưa, để tình yêu của Thành và Nga được trọn vẹn? Vở diễn kết thúc bằng hình ảnh đại đoàn viên nơi mảnh vườn xưa, với câu hát chất chứa tình yêu quê hương xứ sở: “Ở nơi này củ ấu đã sinh sôi. Nuôi gánh hát nghèo cha làm cách mạng. Tên đất lâu ngày hóa thành huyền thoại. Sống lại từng đêm trên những con thuyền”.

Ưu điểm lớn nhất của “Miền nhớ” là chuyển tải một cách sinh động và hấp dẫn câu chuyện của cả ba thế hệ, tô đậm nét đặc sắc của từng nhân vật; nhưng vẫn không bị kéo dài lê thê. Khán giả có thể cảm nhận được không gian xa xưa, với những bi kịch cùng với tính cách hào sảng của người nghệ sĩ yêu nước và yêu nghệ thuật của ông bầu và bà bầu; đến thế hệ của Tấn và Hằng thì có sự phóng khoáng nhưng vẫn man mác một nỗi buồn vì quá khứ đè nặng. Thế hệ Thành và Nga thì trong sáng, hồn hậu, tươi trẻ. Các nghệ sĩ Vũ Luân, Hải Yến, Hoàng Nhất, Lịch Sử, Hoàng Quốc Thanh, Thy Trang đã diễn xuất tinh tế từ hình thể, nét mặt, làn hơi, giọng hát và kỹ thuật đã được trui rèn thuần thục.

Xem “Miền nhớ”, khán giả cảm nhận các nghệ sĩ đều đặt trọn tâm ý vào vai diễn, thể hiện rõ nét nhất ở phần ca và diễn. Các nghệ sĩ tham gia vở diễn đã lao động nghệ thuật nghiêm túc trong một vở diễn tròn trịa, chứ không phải là sự “lắp ráp” các ngôi sao. Đạo diễn của vở, NSƯT Bạch Tuyết cho biết: “Điều tôi tâm đắc nhất khi dựng vở là các em đã tập luyện nghiêm túc. Các em phải tập hát từng chữ, từng câu, nhưng ai cũng cố gắng. Dàn dựng vở “Miền nhớ” lần này cho tôi ý nghĩ: sân khấu cải lương đang cần những ngôi sao mới, thì phải tạo điều kiện cho các em có không gian lao động nghệ thuật nghiêm túc để trui rèn và phát huy sở trường. Đồng thời, những vở tuồng có giá trị nghệ thuật như “Miền nhớ” cần được đến với đông đảo công chúng, để thành quả lao động của các em được khán giả kiểm chứng và công nhận”.

Bài, ảnh: Xuân Viên

Chia sẻ bài viết