24/06/2010 - 21:40

BÁC SĨ NGUYỄN NGỌC HUỲNH, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM HUYẾT HỌC - TRUYỀN MÁU CẦN THƠ:

Máu dự trữ cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân sắp cạn

Cứ đến mùa hè là điệp khúc thiếu máu lại xảy ra. Theo thông tin từ Trung tâm Huyết học-Truyền máu Cần Thơ, đến ngày 22 - 6, trung tâm chỉ còn dự trữ khoảng 400 đơn vị máu. Trong khi mức dự trữ máu phục vụ cho cấp cứu, điều trị là 2.000 đơn vị. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Huyết học-Truyền máu Cần Thơ, cho biết:

- Lượng máu dự trữ cần khoảng 2.000 đơn vị, nhưng hiện nay lượng máu dự trữ chỉ còn 410 đơn vị. Các tháng trước, lượng máu dự trữ cũng chỉ chiếm 1.300-1.400 đơn vị. Từ ngày 18-6 cho đến cuối tháng 6, có 16 đơn vị đăng ký hiến máu với số lượng máu hiến 1.700 đơn vị. Tuy nhiên, số lượng người hiến máu chỉ chiếm khoảng 60% tổng số người đăng ký hiến máu. Ví dụ vừa qua, chúng tôi tổ chức đoàn đi tỉnh Cà Mau lấy máu, đơn vị này đăng ký 500 đơn vị máu nhưng cuối cùng chỉ lấy được 93 đơn vị máu. Thậm chí có đơn vị đăng ký lấy cả trăm đơn vị máu nhưng cuối cùng chỉ lấy được 10 đơn vị máu. Nguyên nhân do học sinh, sinh viên vào dịp nghỉ hè, về quê nên số lượng tham gia hiến máu giảm sút. Một nguyên nhân khác do tuyên truyền chưa kỹ, có tình trạng khi người dân đến điểm hiến máu mới giật mình, họ nói tưởng mời đi khám sức khỏe chứ không phải đi hiến máu; nhiều đơn vị đã đủ chỉ tiêu nên không còn nhiệt tình vận động và hiến máu nữa. Có đơn vị khi đoàn chúng tôi đến chỉ có 25 người đăng ký hiến máu, chúng tôi thắc mắc vì sao đơn vị đông người mà hiến máu ít quá thì họ cho biết chỉ tiêu hiến máu chỉ có 20 người. Họ đưa số lượng như vậy là dư rồi. Như vậy, công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện thời gian qua tuy thực hiện khá tốt nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh, còn một bộ phận nhỏ người đi hiến máu còn vì tiền bồi dưỡng (còn gọi là quà); vì chỉ tiêu chứ chưa thực sự đi hiến máu vì cứu người, xem đây là một nghĩa cử cao đẹp.

Cán bộ-công nhân viên Công ty CP Dược Hậu Giang tham gia hiến máu.

* Thưa bác sĩ! có một số lãnh đạo của Hội Chữ thập đỏ quận, huyện phản ánh do trước đây chỉ lấy mỗi người hiến máu từ 250 đến 350ml máu nhưng hiện nay có người lấy đến 450 ml nên người hiến máu ngán ngại hiến máu? trong khi đó mức tiền quà là 130.000 đồng/người/lần cho tất cả các thể máu (250, 350 và 450 ml) là chưa hợp lý?

- Trước hết, vì sao trung tâm lấy máu 450ml. Hiện nay, chỉ có Việt Nam là vẫn sử dụng túi máu 250 ml, còn trên thế giới người ta dùng túi máu từ 350 ml trở lên để thuận lợi cho sản xuất các chế phẩm máu, song quan trọng là đảm bảo an toàn khi truyền máu cho bệnh nhân. Về nguyên tắc, người tham gia hiến máu là hành động nhân đạo, tự nguyện. Vì thế, đã gọi là hiến máu tình nguyện, nhân đạo không thể coi là hiến máu vụ lợi, vì tiền. Trong quy định của ngành y tế cũng không tính cụ thể số tiền, quà cho từng thể tích máu, mà chỉ tính chung là một lần hiến máu. Trong tương lai, chúng ta cũng tiến tới hiến máu không nhận tiền mà chỉ nhận một món quà nhỏ để kỷ niệm.

Khoa học đã chứng minh nếu lấy không quá 1/10 khối lượng máu cơ thể có thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Trong cơ thể, 1/12 trọng lượng là máu. Nếu cơ thể nặng 60kg thì có khoảng 5 lít máu. Vì thế với người nặng 60kg trở lên thì việc lấy 450 ml máu không ảnh hưởng đến sức khỏe. Có một số người do hiến máu lần đầu, tâm lý lo sợ nên sau khi hiến máu cảm thấy choáng, xỉu... chứ hoàn toàn không phải vì lấy nhiều máu. Trước khi hiến máu, người hiến máu cũng được bác sĩ khám, tư vấn nên bác sĩ cũng căn cứ vào sức khỏe, cân nặng của người hiến máu mà tư vấn họ nên hiến bao nhiêu máu. Tuy nhiên, người hiến máu là người quyết định lượng máu hiến vì hiến máu là tình nguyện, không ai ép buộc được.

* Một số người làm công tác vận động hiến máu tình nguyện cho rằng, khi trung tâm thông báo không lấy máu B cũng làm ảnh hưởng đến phong trào hiến máu?

- Theo thống kê, số người nhóm máu B chỉ chiếm hơn 21% dân số. Vì thế, có đơn vị phản ánh do không lấy máu B mà số người đến đăng ký hiến máu bị loại gần 50% là chưa chính xác. Có thời điểm ở TP Cần Thơ xảy ra tình trạng vừa thiếu vừa thừa. Thiếu là thiếu hầu hết các nhóm máu nhưng cũng có nhóm bị thừa. Chẳng hạn từ đầu năm 2010, trung tâm đã thông báo 2 lần ngưng tiếp nhận nhóm máu B, khi các đơn vị tổ chức lấy máu, có người nhóm máu B đến hiến máu thì chúng tôi động viên người cho máu nếu biết mình là nhóm máu B thì đừng tiếp tục cho máu nữa mà để dành cho hiến máu đợt sau. Nếu họ không biết nhóm máu nào thì mình vẫn lấy máu để người cho máu và địa phương khỏi thất vọng, dẫn đến phản ứng mà ảnh hưởng đến phong trào hiến máu.

Để giải quyết tình trạng có thể thiếu máu trong dịp hè, trung tâm đã thông báo, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ triển khai chiến dịch “Những giọt máu hồng - hè 2010”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết