06/09/2014 - 16:48

Luôn cẩn trọng khi điều khiển xe đạp

Với ưu điểm dễ điều khiển, tốc độ chậm, tiết kiệm, thuận tiện đi lại, tăng cường sức khỏe, xe đạp hiện là phương tiện được rất nhiều người dân sử dụng, nhất là người cao tuổi và trẻ em. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan xe đạp. Chẳng hạn như vụ tai nạn xảy ra vào sáng 20-7-2014 trên đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, khiến một người đi xe đạp tử vong. Thời điểm trên, chiếc xe ben đang chạy theo hướng Bắc - Nam đến đoạn đường trên thì xe khách điều khiển chạy cùng chiều, bất ngờ vượt lên. Hai chiếc xe đang chạy tốc độ cao, đua nhau dàn hàng ngang trên đường, không nhường nhau. Một lúc sau, xe tải tránh sang lề bên phải đường để nhường xe khách, nên tông vào một phụ nữ đi xe đạp cùng chiều, sát lề đường. Vụ tai nạn làm người phụ nữ bị chấn thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Ngoài nguyên nhân “xe to ép xe bé”, khiến xe đạp bị tai nạn thì còn nguyên nhân do người điều khiền xe đạp chủ quan với việc chấp hành các quy định về Luật Giao thông đường bộ. Nhiều người cho rằng xe đạp vận hành bằng chân đạp và có tốc độ thấp, không gây nguy hiểm, nên nhiều người điều khiển và người ngồi sau xe đạp đang “phớt lờ” các quy tắc giao thông đường bộ. Xe đạp vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, dàn hàng ngang, qua đường đột ngột, đi xe đạp ban đêm không có thiết bị phản quang hay vật chiếu sáng làm cho người điều khiển mô-tô, ô-tô không thể phát hiện từ xa để điều chỉnh tốc độ tránh xảy ra tai nạn… Cũng chính vì điều này, người đi đường xung quanh gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông cùng xe đạp. Chị Ngọc Thủy (quận Cái Răng) kể: Tôi chạy xe gắn máy lưu thông trên đường tỉnh lộ 925. Đường không có đèn đường, tôi cẩn thận chạy chậm. Nhưng do đường quá tối, từ xa, tôi không nhìn thấy xe đạp, đến khi lại gần thì xe đạp lại đột ngột qua đường, trước đầu xe tôi. Quá bất ngờ, tôi thắng gấp nhưng vẫn va chạm với xe đạp, tôi bị ngã, gãy xương chân. Người đi xe đạp bị chấn thương phần mềm. Em này là sinh viên, khóc lóc năn nỉ nói gia đình nghèo, không có tiền bồi thường nên tôi cũng đành chịu, tự bỏ tiền túi để điều trị”.

Bí quyết chạy xe đạp an toàn của chú Nguyễn Văn Bảy, quận Bình Thủy (gần 50 năm chạy xe đạp) là tuân thủ các qui định về Luật Giao thông đường bộ như tất cả các phương tiện khác. Khi qua đường, cần cẩn thận quan sát, ra dấu hiệu xin qua đường bằng tay, khi thấy thật sự an toàn thì mới qua, tránh những chỗ lồi lõm, rãnh thoát nước và những chướng ngại có thể gây va chạm mạnh với bánh xe, làm trượt bánh xe. Nếu không chắc chắn, nên xuống xe và dắt bộ. Tuy chạy xe đạp nhưng cần trang bị nón bảo hiểm, kính mát và găng tay. Khi chạy xe đạp tránh mặc quần dài và rộng, vì có thể gây vướng víu hay mắc vào dây sên. Nếu cần thiết chạy xe đạp vào buổi tối nên trang bị đèn xe, mặc quần áo màu sáng, phản chiếu ánh sáng để người khác dễ nhìn thấy.

Theo Điều 8, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với người điều khiển, người ngồi sau xe đạp, mức phạt từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng (tùy hành vi vi phạm). Thêm vào đó, người điều khiển phương tiện tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường; đi xe bằng 1 bánh còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện.

H.HOA

Chia sẻ bài viết