04/12/2019 - 11:09

Lòng tin đặt không đúng chỗ 

Cuối tháng 11-2019, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ đưa ra xét xử nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn. Thủ đoạn các bị cáo không mới nhưng nhiều bị hại vẫn sập bẫy. Chính sự mất cảnh giác, chủ quan và thiếu hiểu biết về pháp luật khiến người trong cuộc ngậm trái đắng, mất tiền oan uổng.

Trần Mộng Thu (49 tuổi, ngụ quận Ô Môn) không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập phụ thuộc vào tiền hoa hồng từ các dây hụi do bị cáo làm chủ. Ở cùng địa phương, mọi người đều biết rõ nhau nên 24 năm hành nghề, Thu được nhiều hụi viên tin tưởng, tham gia chơi rất đông. Một số người có bao nhiêu tiền dành dụm đổ vào các dây hụi, đợi hốt chót để có vốn sửa nhà cửa, mua xe, trị bệnh, nuôi con ăn học… Đâu ai ngờ có ngày Thu tuyên bố “bể hụi” với số tiền lên tới trên 3,6 tỉ đồng, khiến 47 hụi viên trong 19 dây hụi chới với.

Võ Hoàng Phúc nghe tuyên án. Chủ hụi Trần Mộng Thu lãnh án 17 năm tù.

Tại phiên tòa ngày 29-11 vừa qua, Thu trình bày: “Mỗi tháng đến kỳ mở hụi, nhiều người dễ tính không đến mở hụi mà nhờ bị cáo thông báo người hốt hụi, số tiền lãi, tiền phải đóng… Thấy nói sao hụi viên nghe vậy nên cuối năm 2015, hoàn cảnh khó khăn bị cáo mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền. Bị cáo nói dối có hụi viên hốt hụi hoặc tự mạo danh để bán phần hụi của hụi viên, rồi lấy tiền xài. Bị cáo đã biết sai rồi, mong được tha lỗi!”. Nghe Thu nói hiện không có khả năng chi trả, một số hụi viên rất bức xúc, yêu cầu phải xử lý thật nghiêm. Khi Hội đồng xét xử tuyên phạt 17 năm tù, trả lại tiền chiếm đoạt, Thu khóc nức nở, nhưng mọi sự đã muộn màng.

Cũng trong ngày 29-11, vụ án lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động, du lịch được đưa ra xét xử để lại nhiều tiếc nuối.

Thấy nhiều người muốn du lịch hoặc xuất khẩu lao động nhưng không am hiểu quy trình và thủ tục làm hồ sơ, Võ Hoàng Phúc (32 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ) nhận làm giấy tờ. Phúc nói dối có quen biết rộng nên làm hồ sơ rất nhanh. Tưởng thật, 18 bị hại đa số ở các vùng quê xa thuộc huyện Thới Lai, Cờ Đỏ (Cần Thơ) và tỉnh Kiên Giang đã đưa tiền cho Phúc, mỗi trường hợp từ 33-65 triệu đồng. Từ tháng 6 đến tháng 8-2018, Phúc đã chiếm đoạt trên 500 triệu đồng dùng trả nợ cá độ, tiêu xài, rồi bỏ trốn, không thực hiện lời hứa. Tháng 6-2019, Phúc bị bắt theo quyết định truy nã.

Một bị hại ở huyện Thới Lai cho biết: “Gần 60 triệu đồng là số tiền rất lớn tôi dành dụm đưa cho Phúc nhờ lo cho người thân đi xuất khẩu lao động. Thấy Phúc hứa hẹn đủ thứ, còn ra công chứng làm hợp đồng nên mọi người tưởng chắc ăn, đưa tiền bạc, giấy tờ. Vậy mà nỡ lừa gạt!”. Phúc phải trả giá bằng bản án 14 năm tù, còn mẹ già, con nhỏ và vợ không có nghề nghiệp ổn định, chưa biết cuộc sống sắp tới ra sao?

Vì tin bạn học cũ là Nguyễn Đức Thắng (28 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang, làm kỹ sư xây dựng) mà anh V.N.T. bị mất hơn 830 triệu đồng. Biết Thắng đang làm việc tại Cần Thơ, do T. cũng muốn đến đây sinh sống nên nhờ Thắng xin việc trong ngành y tế. Làm ăn thua lỗ, đang cần tiền trang trải nên Thắng “nổ” quen biết lãnh đạo và nhận lời của T. để tìm cách lấy tiền. Thắng tạo nhiều hộp thư điện tử gởi thông báo cho T. là đã được nhận vào làm tại một trung tâm y tế tại Cần Thơ, sẽ được đưa đi đào tạo. Bị cáo còn lên mạng tải về các quyết định, văn bản liên quan chỉnh sửa thêm tên T. vào. Tưởng thật, từ tháng 7-2015 đến tháng 11-2017, T. đã nhiều lần chuyển tiền theo yêu cầu của Thắng nhưng đợi hoài không thấy ai kêu đi làm. Qua tìm hiểu, T. mới biết bị lừa nên báo công an.

Đối chất trong phiên tòa ngày 30-11, anh T. bức xúc nói: “Các con dấu, chữ ký văn bản và các tài liệu Thắng gởi tôi có đối chiếu thấy như thật nên không nghi ngờ. Tôi đâu dè Thắng làm chuyện lừa đảo này”. Còn Thắng cúi gằm mặt, không dám nhìn người bạn chơi từ thời ấu thơ, chỉ biện bạch là không muốn lấy tiền T., đổ thừa hoàn cảnh. Sau gần nửa ngày xét hỏi, tòa tuyên bố tạm hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ thêm hành vi làm giả các giấy tờ của Thắng.

Những năm gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP Cần Thơ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tài sản bị chiếm đoạt khá lớn, có vụ lên đến cả chục tỉ đồng. Đa số các vụ án liên quan giao dịch làm ăn như thuê tài sản lớn như ô tô rồi đem bán, cầm cố; lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chuyển nhượng cho người khác; chạy trường, xin việc, kêu gọi góp vốn làm ăn, chơi hụi… Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền các thủ đoạn này để người dân cảnh giác. Về phía người dân, khi thực hiện giao dịch làm ăn liên quan giấy tờ, nhà đất, tiền bạc… phải cẩn thận, liên hệ cơ quan chức năng kiểm chứng rõ ràng. Đừng vì cả nể, cả tin vào những lời đường mật hứa hão mà sập bẫy lừa.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết