21/11/2016 - 21:05

Long An đổi mới chiến lược thu hút đầu tư

Với lợi thế tiếp giáp TP HCM, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An được đánh giá là địa phương có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư so với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển vũng chắc hơn.

Nhận diện khó khăn

Long An hiện có gần 7.900 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 189.000 tỉ đồng và 1.259 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 139.845 tỉ đồng; cùng 772 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký trên 5,1 tỉ USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của tỉnh đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 15 cả nước. Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, là cửa ngõ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và giáp với TP HCM, có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài 133km với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây; có 4 tuyến quốc lộ đi qua,... đường thủy có hai trục chính là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu ra cửa sông Soài Rạp,… là những điều kiện thuận lợi giúp Long An phát triển kinh tế và giao thương. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của tỉnh đạt 11,26%. Riêng năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 118.386 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,69 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 2,94 tỉ USD; thu ngân sách nhà nước gần 8.000 tỉ đồng. Các khu, cụm công nghiệp ở các huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, thành phố Tân An phát triển khá nhanh, thu hút nhiều ngành, lĩnh vực đầu tư, như: sản xuất điện tử, cơ khí, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp dệt may, da giày, nhựa, vật liệu xây dựng… Nhưng trong quá trình phát triển của tỉnh có rất nhiều bất cập phát sinh cần giải quyết.

Khu công nghiệp Long Hậu tỉnh Long An thu hút đầu tư khá hiệu quả.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định: "Tuy tiếp giáp với TP HCM, nhưng Long An vẫn chịu sức hút của TP HCM nhiều hơn là tiếp nhận sự phát triển lan tỏa từ các hoạt động kinh tế của TP HCM. Cụ thể, Long An rất bất lợi về điều kiện tự nhiên để phát triển các khu công nghiệp và xây dựng đô thị. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông kết nối với TP HCM, với cụm cảng biển số 5 (TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu) không thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp. Chính sách và giải pháp thu hút đầu tư của tỉnh chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là các giải pháp mang tính đột phá". Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù Long An đạt được thành tựu rất lớn trong việc cải tạo vùng đất chua, phèn thành vùng đất sản xuất nông nghiệp, nhưng chưa làm giàu từ nông nghiệp là do người sản xuất đang gặp khó khăn "kép". Sự phát triển các ngành công nghiệp lại không gắn với lợi thế của nông nghiệp, nên giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp thấp và bản thân công nghiệp cũng không có lợi thế cạnh tranh. Mục tiêu công nghiệp hóa là quy hoạch 5 khu kinh tế công nghiệp (Tân An, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và Đức Hòa) với diện tích khoảng 12.500 ha, gấp 2 lần diện tích đất khu công nghiệp của TP HCM nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, do chưa có lợi thế vượt trội như TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Tỉnh cũng chưa có những hoạt động dịch vụ nổi trội như: tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, logistics, du lịch chất lượng cao, kinh doanh bất động sản, thương mại bán buôn… để hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.

Theo phân tích của các nhà khoa học đến từ Đại học Kinh tế TP HCM, Long An đang dẫn đầu trong thu hút vốn FDI, chiếm đến gần 65% tổng dự án và 34,55% vốn đăng ký FDI đầu tư vào ĐBSCL và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố của cả nước về thu hút vốn FDI… Tuy nhiên, hoạt động thu hút vốn FDI của tỉnh thời gian qua mới tăng nhanh về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao. Các dự án mang tính lan tỏa, tạo lực đẩy cho DN trong nước cùng phát triển còn hạn chế. Các dự án đầu tư vào nông nghiệp và dịch vụ thân thiện với môi trường còn ít, nhiều dự án còn gây ô nhiễm. Tình hình chuyển giá, né thuế của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh vẫn còn… Do đó, tỉnh cần nhận diện đúng thực lực để có chiến lược đúng trong phát triển.

Cần chiến lược đúng

Mới đây, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Long An năm 2016, các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp cho tỉnh. Để có bước phát triển mang tính đột phá, tỉnh phải gắn kết với sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị TP HCM. Chuyển từ tư duy kinh tế tỉnh sang tư duy kinh tế vùng. Long An cần xây dựng "các cứ điểm liên kết sản xuất công - nông nghiệp" ở những vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi; thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng xuất khẩu vào các khu công nghiệp lân cận TP HCM; tận dụng lợi thế giá đất rẻ, lao động tại chỗ; hướng đến các DN vừa và nhỏ thay vì tập trung vào các DN lớn. Chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn sang phi nông nghiệp. Để thu hút đầu tư, chính quyền phải thực sự đồng hành cùng DN trên 3 khía cạnh: cung cấp cơ sở hạ tầng; cung ứng dịch vụ sản xuất và nền hành chính phục vụ. Lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh. Tăng cường liên kết với các tỉnh ĐBSCL và TP HCM. Trong thu hút đầu tư cần chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp. Phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển dịch vụ hiện đại. Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, không thu hút các dự án khai thác quá mức cơ sở hạ tầng của tỉnh: đất đai, tài nguyên, điện, nước, giao thông vận tải…

Long An đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Long An đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 80-85 triệu đồng/người/năm (khoảng 3.800 USD); tỷ trọng khu vực I, khu vực II, khu vực III trong cơ cấu kinh tế tương ứng lần lượt là 15%, 45%, 40%. Tầm nhìn đến năm 2030 chia tỉnh Long An thành 3 vùng theo từng lĩnh vực kêu gọi đầu tư vùng có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp và thu hút khách du lịch. Định hướng phát triển mạnh về nông, lâm, ngư nghiệp và đảm bảo phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch sinh thái. Tập trung thực hiện 2 chương trình đột phá là: huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng nông, thủy sản của tỉnh. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hằng năm ở nhóm tốt trở lên. Rà soát các dự án trên địa bàn tỉnh, có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN; tiếp tục tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, đảm bảo khi các dự án đầu tư vào tỉnh sẽ có đầy đủ điều kiện để vận hành hiệu quả.

Bài, ảnh: Thanh Phong

Chia sẻ bài viết