05/09/2008 - 21:20

Lối ra nào cho xe buýt ?

Xe buýt ngày càng trở thành phương tiện giao thông công cộng quen thuộc của nhiều người dân TP Cần Thơ, do tính tiện lợi, an toàn. Trung bình mỗi ngày có hơn 36.000 lượt hành khách đi xe buýt. Thế nhưng, bên cạnh việc chưa có lời khi giá xăng, dầu giảm, thành phố còn đối mặt với khả năng thiếu xe buýt sẽ xảy ra kể từ đầu năm 2009, khi Quyết định 34 của Bộ Giao thông- Vận tải qui định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt có hiệu lực...

KHÓ TRONG HẠCH TOÁN

Ở TP Cần Thơ, Xí nghiệp Vận tải Hành khách Công cộng (VTHKCC), trực thuộc Công ty Công trình đô thị (CTĐT) đang là đơn vị đầu mối tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vận tải bằng xe buýt. Theo đơn vị này, hiện trên 7 tuyến xe buýt có tổng cộng 118 đầu xe đang hoạt động (gồm 55 xe do công ty đầu tư, 63 xe còn lại là xe liên doanh), sử dụng khoảng 4.000 lít dầu/ngày (giá dầu diezel là 15.900 đồng/lít). Với giá này, tính ra công ty phải chi thêm khoảng 5 triệu đồng/ngày tiền dầu và các xe đơn vị liên doanh cũng chi thêm số tiền tương ứng để bù lỗ. Để duy trì hoạt động xe buýt, Công ty CTĐT phải điều tiết những khoản lợi nhuận từ các dịch vụ khác. Tuy nhiên, đối với các đối tác liên doanh, nhất là các cá nhân, thì càng khó khăn hơn.

Ông Trần Văn A, chủ một xe buýt liên doanh (xe buýt số 69), cho biết: “Hiện xe tôi chạy quay vòng trên 4 tuyến, nếu ngày nào chạy tuyến Cần Thơ - Ô Môn được đông khách thì còn có lời chút đỉnh, còn các tuyến khác ít khách hơn coi như lỗ. Nhưng tôi còn đỡ hơn một số người khác. Họ mua xe trả góp để tham gia chạy xe buýt mà bây giờ phải hoạt động trong tình trạng không có lời, thì lấy gì mà đóng tiền trả góp xe”.

Đi xe buýt ngày càng trở nên quen thuộc đối với nhiều người dân TP Cần Thơ. Ảnh: TRUNG DÂN 

Theo Xí nghiệp VTHKCC, Chính phủ đã có chỉ đạo kiềm chế giá cả hàng hóa thiết yếu, trong đó có giá xe buýt, nên vào thời điểm này không thể tăng giá vé xe buýt. Sau khi dầu tăng giá, xí nghiệp đã thực hiện cắt giảm bớt những chuyến kém hiệu quả để giảm bớt chi phí nhiên liệu, giải quyết được phần nào khó khăn trong hoạt động hiện nay. Cụ thể, đối với những chuyến xuất bến không vào giờ cao điểm, xe không đầy khách, trước đây khoảng 7-8 phút có một chuyến xe thì nay tăng lên 10-15 phút; đồng thời cắt những chuyến xuất bến vào thời điểm tối (chỉ có vài hành khách). Tuy cắt bớt chuyến nhưng xí nghiệp cũng cố gắng không làm ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của hành khách.

THIẾU XE BUÝT!

Trong tổng số 118 xe buýt đang hoạt động trên 7 tuyến nội, ngoại ô thành phố, có 63 xe liên doanh là không đủ điều kiện để hoạt động xe buýt (do xe liên doanh là xe khách chuyển qua để hoạt động dưới hình thức xe buýt) và phần lớn xe này cũng sắp hết niên hạn sử dụng. Theo Quyết định 34 của Bộ Giao thông- Vận tải qui định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt, thì xe buýt là ô tô chở khách có thiết kế từ 17 ghế trở lên và có diện tích sàn xe dành cho khách đứng (diện tích dành cho 1 khách đứng là 0,125m2). Đồng thời, các tuyến xe buýt, xe ô tô buýt hiện đang hoạt động mà chưa đủ các điều kiện được qui định chỉ được phép hoạt động đến hết năm 2008.

Ông Phạm Quang Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch- Kỹ thuật Công ty CTĐT, giải thích: “Xe nào không cải tạo theo đúng tiêu chuẩn sẽ bị loại. Tuy nhiên, có người không chịu cải tạo do tốn tiền và cải tạo không hiệu quả vì xe sắp hết niên hạn sử dụng. Nguy cơ thiếu xe buýt phục vụ sẽ xảy ra”. Cùng với khó khăn thiếu phương tiện phục vụ thì giá nhiên liệu tăng (do giá dầu diesel không giảm) nhưng xe buýt lại không được tăng giá, đã gây áp lực rất lớn cho đơn vị kinh doanh xe buýt.

Nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân thành phố ngày càng tăng, nhất là hiện nay đã vào năm học mới nên lượng hành khách đi xe buýt càng tăng cao. Tuy nhiên, theo nhiều người đi xe buýt hiện nay, ở các tuyến đường khu vực nội ô thành phố chưa có tuyến xe buýt nên họ buộc phải chọn xe hon-đa ôm với giá cao. Thành phố cần quy hoạch mở thêm tuyến xe buýt các đường ngang khu vực nội ô để người dân đi lại thuận tiện hơn!

ĐỀ XUẤT HƯỚNG THÁO GỠ

Công ty CTĐT đã đề nghị với Sở Giao thông- Vận tải, Sở Tài chính tham mưu để thành phố cho điều chỉnh giá cước đối với người mua vé tháng, chỉ được giảm 20% so với tuyến giá cước đã đăng ký hoặc trợ giá cho người đi xe buýt như ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã làm. Đồng thời, UBND thành phố đầu tư bổ sung từ 25- 35 phương tiện để thay thế phương tiện không đạt chuẩn và để phục vụ cho mở tuyến mới, như: tuyến Mậu Thân- Sân bay Trà Nóc, tuyến khu đô thị Nam Cần Thơ- Quốc lộ 91B, tuyến đường tỉnh 921 (Thốt Nốt đi Cờ Đỏ). Ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải, cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị UBND thành phố đầu tư ngân sách hoặc cho vay ưu đãi để Công ty CTĐT mua thêm phương tiện đảm bảo đủ xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Về giá cước, Sở đã đề nghị Sở Tài chính điều chỉnh giá đăng ký vé tháng, đối với hành khách được giảm 30% nay còn 20%. Riêng học sinh sinh viên được giảm 30% thay vì 40% như trước kia. Nếu không điều chỉnh được thì nên có phương án trợ giá”.

Mặc dù mạng lưới xe buýt đã phủ đều hết quận nội ô và đi ra các huyện ngoại thành, nhưng tuyến xe buýt hoạt động trên các tuyến đường ngang, trục xương cá vẫn chưa hoạt động được. Theo qui hoạch phát triển giao thông vận tải TP Cần Thơ từ nay đến 2010, trong lĩnh vực vận tải, thành phố kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xe buýt mi-ni phục vụ vận chuyển khách trong nội ô thành phố, đồng thời, hoạt động trên các tuyến trục xương cá ra các tuyến chính, nhằm thay thế dần đi đến xóa bỏ xe lôi; đầu tư xe buýt trên 25 ghế đi các tuyến đường tỉnh đến các vùng sâu, vùng xa nhằm mục tiêu phát triển mạng lưới xe buýt theo định hướng phát triển hệ thống cầu, đường của thành phố.

Xe buýt hiện hoạt động trên 7 tuyến: Cần Thơ- Kinh Cùng, Cần Thơ- Ô Môn, Cần Thơ- Phong Điền, Ô Môn- Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Kinh B, Ô Môn- Cờ Đỏ và tuyến Cầu Bắc- Quốc Lộ 91B- Phong Điền.

Theo ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông- Vận tải), trước đây có tuyến xe buýt hoạt động trên trục xương cá đi từ đường Nguyễn Trãi- Lý Tự Trọng... - Quang Trung nhưng đã ngưng hoạt động vì ít khách và không được trợ giá. Thêm vào đó, thành phố cần giữ lại một số xe không đạt chuẩn xe buýt để hoạt động ở các tuyến đường còn nhiều cầu sắt, có tải trọng nhỏ. Bởi, nếu xe buýt đúng chuẩn thì tải trọng của xe là 5 tấn chưa kể hành khách trên xe, trong khi đó tải trọng các cây cầu này chỉ có 5 tấn. Ông Nguyễn Văn Ngợi phản ánh: “Cần xã hội hóa mạnh mẽ loại hình xe buýt để giảm chi ngân sách. Khi mở tuyến mới, chúng tôi đều thông báo để doanh nghiệp tham gia vào. Thế nhưng để hoạt động trên một tuyến xe buýt thì doanh nghiệp tham gia phải có ít nhất 10 xe, phải xây dựng nhà chờ... phải chịu lỗ trong thời gian đầu vì ít khách. Điển hình là tuyến Cầu Bắc- Quốc lộ 91 B- Phong Điền do một đơn vị vận tải tư nhân tham gia đã ngưng hoạt động trong thời gian qua vì thu không đủ chi. Việc mở tuyến mới thì dễ nhưng để duy trì được thì rất khó”. Đây thật sự là bài toán khó trong việc bố trí các tuyến xe buýt mới.

Trong định hướng phát triển vận tải khách công cộng của thành phố, xe buýt thời gian tới vẫn được ưu tiên. Do đó, cần có những chính sách thật hợp lý nhằm hỗ trợ đối với đơn vị đang có xe buýt hoạt động và thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này. Có như thế mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, kẹt xe tại trung tâm thành phố mới mong được giải quyết hiệu quả.

TRUNG DÂN - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết