“David Attenborough: A Life on Our Planet” do Silverback Films và Quỹ quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) hợp tác sản xuất, vừa ra mắt ngày 4-10 trên Netflix, gây chú ý về những thảm kịch của thiên nhiên. Đứng sau tác phẩm này là David Attenborough - nhà làm phim, nhà nghiên cứu tự nhiên học người Anh, người đã dành cả đời để theo đuổi và ghi lại những biến đổi của thế giới tự nhiên.
David Attenborough trong “David Attenborough: A Life on Our Planet”.
David Attenborough năm nay đã 94 tuổi và ông vẫn miệt mài làm phim. Chủ đề chính xuyên suốt trong sự nghiệp của ông là nghiên cứu và phản ánh đời sống tự nhiên qua những thước phim tư liệu chân thực, kỳ công và sống động. Theo đuổi đề tài này, David Attenborough trở thành nhân chứng của những thảm kịch tự nhiên khi chứng kiến sự bào mòn, hủy diệt môi trường thiên nhiên, trong đó có sự tác động không nhỏ của con người. “David Attenborough: A Life on Our Planet” phản ánh quá trình thiên nhiên bị bào mòn bằng những thước phim chân thực, cảm xúc. Một trong những cảnh quay ám ảnh người xem là hình ảnh con đười ươi bối rối leo lên ngọn cây cuối cùng tại nơi từng là khu rừng ở Indonesia với một đôi mắt hoang mang và lạc lõng. Xung quanh nó giờ là những bãi đất trống, không còn rừng cây xanh tươi. Ðó là một trong số những cảnh quay khắc họa loạt thảm kịch khi thiên nhiên bị tàn phá.
“David Attenborough: A Life on Our Planet” cũng giống như những thước phim tài liệu tự nhiên khác, mang đến những hình ảnh lộng lẫy, tuyệt đẹp của thiên nhiên. Từ những vùng đồng cỏ rộng lớn châu Phi, thế giới của băng tuyết vùng cực, đến đại dương sâu thẳm… Phim mang đến những sự khám phá đầy mới mẻ về thế giới động, thực vật với tất cả nét quyến rũ, độc đáo mà có lẽ với nhiều người cả đời khó có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt. Nhưng đằng sau những nét đẹp đó, sự đa dạng sinh thái của môi trường đang dần mất đi. Với tư cách là người dẫn chuyện và đã dành hơn 6 thập kỷ gắn bó với môi trường, David Attenborough mang đến cho người xem góc nhìn đa diện về sự biến đổi của môi trường tự nhiên, cảnh báo sự sụp đổ của cân bằng sinh học. Chưa bao giờ, người xem lại thấy rõ tiếng kêu cứu từ môi trường đau đớn, khắc nghiệt và thống thiết như thế trong những thước phim của David Attenborough.
Chính vì vậy, tờ Forbes đánh giá “David Attenborough: A Life On Our Planet” là phim tài liệu quan trọng nhất của năm. Trong khi Guardian nhận xét phim có cách trình bày số liệu trực quan sinh động, khi có sự so sánh số dân và phần trăm vùng hoang dã để thể hiện tác động của con người đến môi trường. Chỉ 1 tiếng 23 phút, “David Attenborough: A Life On Our Planet” đã trở thành lời kêu cứu đau đớn từ môi trường lay động đến nhiều người.
Ðể có những thước phim chân thực này, David Attenborough đã đặt chân lên bảy châu lục, ghi hình chim cánh cụt ở Nam Cực hay làm quen với loài gấu ở vùng núi Canada. Ông sống hòa mình cùng thiên nhiên, tiếp xúc gần gũi với động vật nên có sự truyền tải chân thực. Phim đã được phát hành rộng rãi ở Anh, Ðan Mạch, Phần Lan, Thụy Ðiển, Úc, Ireland...
David Attenborough nổi tiếng là nhà lịch sử sinh vật. Ông bắt đầu nghiên cứu và làm chương trình về thiên nhiên từ những năm 1950. Nhiều tác phẩm nổi tiếng về thiên nhiên môi trường của ông, như: “Life on Earth” (1979), “The Living Planet: A Portrait of the Earth” (1984), “Planet Earth” (2006) - từng chiến thắng 4 giải Emmy, “Our Planet” (2019).
BẢO LAM (Theo Guardian, Forbes, Nytimes)