05/09/2017 - 21:04

Lợi ích xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón 

Anh Nguyễn Chánh Bình, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, cho biết: Trong các biện pháp kỹ thuật, nhiều nhà vườn đã nhận ra lợi ích mang lại của việc áp dụng kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi không chỉ có khí sinh học (khí gas làm chất đốt sử dụng trong bếp của gia đình), xử lý triệt để mùi hôi mà chất thải sau cùng còn là nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cây tươi tốt, tăng độ ngọt cho trái chín. Hiệu quả có thể tính được trước mắt giảm hơn 70% lượng phân NPK so với trước.

Vườn sầu riêng của anh Hoàng ở Chợ Lách (Bến Tre) tự làm và bón phân hữu cơ từ phân chuồng tươi tốt.

Ở Bến Tre, các hộ chăn nuôi heo thường phân chất thải từ chăn nuôi thành 2 nguồn: Trong chăn nuôi heo nái, phân được thu gom đưa vào kho và cung cấp cho các điểm thu mua ủ phân hữu cơ hoặc các trang trại trồng cây ăn trái trong và ngoài tỉnh. Đối với trại nuôi heo thịt, phân được đưa vào các công trình xử lý nước thải khí sinh học (hầm biogas) và qua hệ thống cống bê tông xử lý và sau đó nước thải đưa vào bể lắng, kế tiếp đưa vào ao sinh học trước khi tưới cho vườn bưởi da xanh, măng cụt, vườn dừa… Phân trong chăn nuôi bò được các chủ trang trại thu gom để khô, cung cấp cho các nhà vườn. Riêng phần nước thải: một phần phân đưa vào bể biogas xử lý, một phần dùng tưới cho cỏ trồng.

Huyện Chợ Lách là vùng có nhiều nông dân giỏi trồng hoa kiểng và vườn sầu riêng, chôm chôm… có nhu cầu sử dụng nhiều phân hữu cơ. Tuy nhiên, người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ trong gia đình: gà vườn, dê và nuôi heo ít nên nguồn phân chuồng nguyên liệu khô từ heo, trâu, bò các nhà vườn phải đi mua từ nơi khác về, sau đó trộn bổ sung thêm mụn dừa, chất thô xanh trong vườn nhà. Anh Hồ Trung Hoàng ở ấp Long Quới, xã Long Thới trồng 6 công sầu riêng Ri 6 và nuôi 300 con gà thả vườn. Để có đủ phân hữu cơ cung cấp cho trồng trọt, anh phải đi mua thêm phân gia cầm, gia súc từ nơi khác. Sau khi mua về, anh thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông từ Dự án Các - bon thấp, như: xây bồn chứa, lắp hệ thống quạt thổi oxy vào chuồng ủ và trộn nấm Trichoderma hoặc Compost (Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Bến Tre cung cấp) với 2kg tương ứng cho 1 tấn phân chuồng, nhằm tác động thêm vi sinh giúp phân ủ mau phân hủy. Sau 1 tháng ủ, phân sẽ không còn mùi hôi, có thể dùng bón dưới tán cây sầu riêng, bưởi da xanh khi vào vụ nhằm thúc cây trổ bông nhiều, đậu trái.

Anh Hồ Trung Hoàng xác nhận: Mô hình trên có tiện lợi, không tốn kém. Sau 5 ngày xử lý được 80% mùi hôi của phân trong chăn nuôi. Mỗi lần xử lý phân, không mất nhiều thời gian, chỉ tốn công 1-2 ngày. Nếu đủ nguồn phân chuồng nguyên liệu 1,5-2 tấn/lần ủ, trong năm có thể ủ phân tới 10 lần. Lượng phân bón dưới tán cây khoảng 10kg/cây (1kg/m2). “Từ năm 2016, áp dụng theo cách làm phân hữu cơ từ phân chuồng, vườn của anh Hoàng giảm lượng phân bón NPK, DAP và ước giảm chi phí phân bón hơn 60% so với trước. Bà con trong xóm thấy tôi bón phân hữu cơ hiệu quả, một số hộ nhà vườn học hỏi, làm theo” – anh Hoàng chia sẻ.

Nhà vườn sản xuất phân bón hữu cơ

Anh Trần Công Tín, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách, cho biết: Hiện nay một nhóm các nhà vườn ở Chợ Lách tự lập ra tổ sản xuất phân bón hữu cơ, năng lực sản xuất cung ứng dự kiến khoảng 5-7 tấn/tháng. Về việc kiểm định chất lượng được dự án hỗ trợ, Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách gởi mẫu về Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam phân tích các hàm lượng dinh dưỡng phân sau ủ… Lượng phân hữu cơ bón cây trồng chỉ với quy mô nhỏ, chia sẻ cộng đồng xung quanh, giá bán khoảng 3.500 đồng/kg. 

Ông Ba Sốt (Nguyễn Văn Sốt) ở ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, có trại nuôi heo thịt 40-50 con và 10 công vườn trồng bưởi da xanh. Tham gia Dự án Các - bon thấp, ông xây công trình khí sinh học xử lý phân, nước thải 16m3, chi phí 18 triệu đồng. So với mô hình dùng túi ni lông Biogas trước đây, ông cho biết cách làm này kín đáo, an toàn, sạch sẽ hơn và không có mùi hôi. Phân heo tươi thải ra được đưa xuống hầm gas, hầm lọc 1 và qua hầm lọc 2 chứa trước khi nước thải ra tưới cho vườn bưởi. Điều đáng nói là phần chất thải ra hầm thành bã bùn - chính là phân hữu cơ bón cho bưởi, dừa ít bị sâu bệnh, làm cho trái đẹp, ngọt, thơm. Sau 6 tháng, phải hút hầm ủ biogas một lần, nhưng lượng phân không đủ bón cho vườn nhà. Ông Ba Sốt phải mua thêm 100 bao phân chuồng khô để bón lót thêm. “Cách làm hầm Biogas kiểu mới đã giúp giảm được tới 70% chi phí mua phân NPK như trước đây. Điều tôi muốn nói là 10 công bưởi đạt hiệu quả cao nhờ loại phân hữu cơ “nguyên chất” do tự mình chế ra” - ông Ba Sốt khoe. Hiện nay, không chỉ riêng vườn nhà ông Ba Sốt, tất cả thành viên nhà vườn trong Hợp tác xã Bưởi Tân Long 2 với 48 hộ đã áp dụng 100% mô hình chăn nuôi và xử lý chất thải tạo nguồn phân hữu cơ với nhiều lợi ích này. Hơn nữa đây là điều kiện để hợp tác xã áp dụng quy trình canh tác bưởi da xanh theo hướng VietGAP, hạn chế tối đa xịt thuốc sâu để có trái ngon, an toàn.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết