24/06/2009 - 20:58

Đồng bằng sông Cửu Long

Lo đầu ra cho sản phẩm cá tra

Thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 18-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo Sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Ban chỉ đạo) được thành lập nhằm góp phần hiệu quả điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra. Công việc đầu tiên mà Ban chỉ đạo triển khai là bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để giải quyết đầu ra cho sản phẩm cá tra...

PHÁT TRIỂN “NÓNG”, THIẾU BỀN VỮNG

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2006 đến nay, nghề nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phát triển “nóng”. Nếu như năm 2006 diện tích nuôi cá tra toàn vùng chỉ vào khoảng 3.797 ha, thì đến năm 2007 đã tăng lên là 6.406 ha và năm 2008 là 5.700 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2009, theo thống kê chưa đầy đủ tổng diện tích thả nuôi cá tra của 10 tỉnh, thành vùng ĐBSCL khoảng 5.000 ha, tính đến ngày 19-6 đã thu hoạch được 1.133 ha (bằng 22% diện tích thả nuôi) với năng suất bình quân 240 tấn/ha đạt sản lượng 312.337 tấn.

Đầu ra con cá tra đang gặp khó khăn cần sớm được tháo gỡ. 

Do diện tích nuôi cá tra phát triển mạnh, nên không tránh khỏi tình trạng sản xuất cá tra thiếu bền vững. Để đáp ứng nhu cầu con giống, số lượng các cơ sở sản xuất cá tra giống cũng tăng lên nhanh chóng. Đến nay, trong vùng đã có 217 cơ sở sản xuất cá tra giống với tổng sản lượng khoảng 1,8 tỉ con, đáp ứng đủ nhu cầu cá giống cho cả khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, do nguồn cá bố mẹ chưa được quản lý tốt nên chất lượng con giống chưa đồng đều, một số cơ sở sản xuất giống chưa đảm bảo chất lượng con giống cho nuôi cá thương phẩm.

Giá thức ăn thủy sản liên tục tăng cao trong thời gian qua, đã gây ra không ít khó khăn cho nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL. Kể từ đầu năm 2008, giá thức ăn thủy sản đã tăng trung bình khoảng 30% so với năm 2007 và giữ ổn định đến hết năm ở mức 9.500-10.500 đồng/kg. Trong 6 tháng đầu năm 2009, giá thức ăn thủy sản có giảm lại, dao động 6.500-9.700 đồng/kg. Giá thức ăn thủy sản tăng đã làm tăng giá thành sản xuất cá tra. Năm 2007, giá thành sản xuất trung bình 11.000-12.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu, nhưng năm 2008 đã tăng lên khoảng 15.000-16.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu (tăng 40%). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, giá thành sản xuất cá tra đã hạ xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, khoảng 13.500-14.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán cá tra nguyên liệu năm 2008 chỉ ở mức thấp, dao động 13.800-15.500 đồng/kg dẫn đến người nuôi bị lỗ, cũng có thời điểm giá cá tăng lên 16.500-17.000 đồng/kg nhưng không ổn định.

Trong 6 tháng đầu năm 2009, giá cá tra tiếp tục biến động. Vào đầu tháng 3-2009 giá cá tăng mạnh lên 15.000-17.000 đồng/kg và người nuôi cá lời 1.000-2.000 đồng/kg, nhưng đến tháng 5 và 6 giá cá giảm mạnh do lượng cá của năm 2008 còn tồn trong kho của các doanh nghiệp chế biến với sản lượng tương đối lớn, nên các doanh nghiệp không mặn mà mua cá. Một số doanh nghiệp còn chào hàng ra thị trường nước ngoài với giá thấp và sau đó quay lại mua cá của người nuôi với giá rất thấp. Hiện nay, đang xảy ra tình trạng người nuôi ở ĐBSCL bán cá dưới giá thành nhưng vẫn khó tiêu thụ. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, ước tính sản lượng cá tra đã đến kỳ thu hoạch ở thời điểm hiện tại khoảng 112.910 tấn đang chờ bán, nhưng lượng tiêu thụ rất chậm chỉ vào khoảng hơn 10.000 tấn/tuần, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2008.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 5-2009, tổng sản lượng cá tra xuất khẩu đạt khoảng 200.000 tấn (bao gồm sản phẩm cá tra chế biến từ năm 2008), kim ngạch xuất khẩu đạt 478 triệu USD, giảm khoảng 4,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên lượng thực phẩm tiêu thụ của các nước nhập khẩu giảm mạnh. Do đó, các mặt hàng phải giảm giá. Hiện nay, giá xuất khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam ở một số thị trường truyền thống chỉ còn 2,5-2,7 USD/kg, trong khi thời điểm này của năm trước là 3 USD/kg.

Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Hiện nay, sản lượng cá tra nguyên liệu đang thừa. Đó là hệ quả của năm 2008 khi Chính phủ điều hành thu mua hết lượng cá quá cỡ của dân qua các cuộc họp giao ban trực tuyến và các doanh nghiệp đã làm tốt vấn đề này. Nhưng nó lại rơi vào thời điểm 22-12-2008, thị trường Nga đóng cửa và gần đây mới xuất lại được. Các thị trường chính của con cá tra Việt Nam là châu Âu như: Tây Ban Nha, Đức hay các nước Tây Âu... tiêu thụ rất mạnh các loại cá chất lượng tốt, cá thịt trắng. Còn thị trường Nga, Mexico, Đông Âu, Trung Đông... lại chuộng loại cá thịt đỏ, chất lượng thấp hơn. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các thị trường chính tiêu thụ cá tra của Việt Nam sức mua đã chựng lại. Đó cũng là lý do tại sao người dân nuôi cá ít lại nhưng giá cá nguyên liệu không tăng lên...”.

GIẢI PHÁP GỠ KHÓ...

Theo Quyết định 630/QĐ-TTg, Ban chỉ đạo được thành lập nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL phù hợp với diễn biến thị trường tiêu thụ; chủ động xử lý theo thẩm quyền những vấn đề phát sinh, đề xuất kịp thời với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra... Ban chỉ đạo gồm 20 thành viên là đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam và lãnh đạo UBND nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát giữ chức Trưởng Ban chỉ đạo.

Tại phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo, các thành viên Ban chỉ đạo đã đóng góp ý kiến xây dựng quy chế hoạt động và triển khai kế hoạch hoạt động của ban chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm 2009. Ngoài ra, các thành viên ban chỉ đạo còn tập trung bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho người nuôi cá tra, trước tình hình con cá tra đang có giá thấp và hiện nay đầu ra gặp khó.

Ông Trương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, phản ánh: “Vấn đề nóng nhất hiện nay là tập trung giải quyết đầu ra con cá tra. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra đang gặp khó khăn. Ở tỉnh Vĩnh Long, hiện nay diện tích nuôi cá tra chưa khai thác hết tiềm năng của địa phương, nhưng cái khó là quản lý được chất lượng, quản lý quy hoạch vùng nuôi...”.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Năm 2009, tình hình tiêu thụ cá tra vẫn không khả quan. Do đó, nếu không có chủ trương bù lỗ giá cho người nuôi trên cơ sở xác định giá sàn thì người nuôi cá tra gặp rất nhiều khó khăn. Trong vấn đề tiêu thụ cá tra, cần phải đánh giá được thực trạng sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra hiện nay để Ban chỉ đạo có định hướng chỉ đạo sát thực tế trong thời gian tới. Đồng thời, phải sớm xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam...”.

Phó Chủ tịch VASEP, ông Ngô Phước Hậu, cho rằng: “Sản phẩm cá tra đến được tay người tiêu dùng có một chu kỳ kéo dài khoảng 12 tháng (nuôi cá giống 2 tháng, nuôi cá thịt 6 tháng, chế biến 2 tháng, xuất khẩu 2 tháng) nên rủi ro rất lớn. Do đó, cần thống kê lại các nhà máy chế biến cá tra, nhà máy chế biến thức ăn, các hộ nuôi. Sau đó, nên tổ chức hội thảo chuyên đề “cân đối cung-cầu” với quan điểm cung luôn thấp hơn cầu. Nếu để cung vượt cầu sẽ xảy ra nhiều vấn đề khó xử lý”.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT-Trưởng Ban chỉ đạo, nhấn mạnh: Từ đây đến cuối năm 2009, công tác trọng tâm của Ban chỉ đạo là duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ cá tra; tập trung củng cố Ban điều hành xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga, theo dõi sát sao diễn biến thị trường Mỹ và tổ chức tốt những đợt xúc tiến thương mại... Bên cạnh nỗ lực giải quyết vấn đề thị trường, phải triển khai những công việc liên quan đến sản xuất để giúp nông dân hạ giá thành sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Đồng thời, tăng cường kiểm tra chất lượng và giá cả con giống, thức ăn, thuốc thú y, ô nhiễm môi trường nuôi... và có hướng xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật. Các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL phải triển khai rà soát lại quy hoạch nuôi cá tra của địa phương cho phù hợp với quy hoạch chung toàn vùng đã được phê duyệt, xác định các dự án đầu tư phục vụ sản xuất và tiêu thụ cá tra bền vững...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết