11/04/2017 - 21:14

Linh hoạt phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội

Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), hoàn thành nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội có vai trò quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế, huy động vốn từ các nguồn khác còn khó khăn, các xã XDNTM của TP Cần Thơ xác định phát huy nội lực, kết hợp vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp để hoàn thành nhóm tiêu chí này.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội gồm các tiêu chí: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư. Sau 7 năm triển khai XDNTM trên địa bàn 36 xã ở TP Cần Thơ, điểm nhấn dễ thấy nhất là hệ thống giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, nhiều cây cầu, tuyến đường liên ấp, liên xã được nâng cấp, sửa chữa và xây mới có vốn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng hoàn toàn do nhân dân đóng góp. "Thấy rõ lợi ích từ những công trình mang lại nên khi xã phát động, bà con đồng tình ngay. Mỗi người một cách, nhà thì hiến đất, ủng hộ tiền, hiện vật; gia đình nào quá khó khăn thì cùng góp sức" - ông Trần Văn Nam, người dân xã Đông Bình, huyện Thới Lai, chia sẻ.

Nhà văn hóa xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền được đầu tư xây dựng theo tiêu chí xã NTM.

Từ năm 2012, huyện Phong Điền bắt đầu thực hiện hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín phục vụ sản xuất với yêu cầu đặt ra là xây dựng, nâng chất đồng bộ hệ thống đê bao kết hợp với xây dựng hệ thống cống đập. Qua rà soát, cần nguồn kinh phí hàng trăm tỉ đồng trong khi nguồn ngân sách huyện không thể đáp ứng yêu cầu. "Từ thực tế này, huyện tập trung phát động phong trào xây dựng hệ thống đê bao khép kín gắn với XDNTM, lấy chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô hằng năm làm nền tảng. Chủ trương này được nhân dân đồng tình cao thông qua việc hiến đất, góp sức làm đê bao khép kín vườn cây ăn trái, gia cố hệ thống thủy lợi, tưới tiêu..." - ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết. Đối với huyện Vĩnh Thạnh, nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế cũng được quan tâm đầu tư và tỷ lệ đạt rất cao, như: giao thông, điện, thủy lợi, thông tin và truyền thông (tất cả 9 xã đạt); nhà ở dân cư (8/9 xã); trường học (7/9 xã)...

Sau 7 năm XDNTM, kết cấu hạ tầng nông thôn tại các xã từng bước được hoàn thiện, song vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và chưa khai thác hết tiềm lực của từng nơi. Đối với quy hoạch kết cấu hạ tầng nông thôn, hầu hết các địa phương chưa thực hiện quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông nên việc đầu tư còn tự phát, chưa mang tính định hướng, gây khó khăn cho việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này. Hệ thống thủy lợi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa vụ ba, đặc biệt là việc nhân rộng mô hình "cánh đồng lớn". Đa phần các ấp đều có nhà thông tin, nhưng so với bộ tiêu chí nông thôn mới, cơ sở vật chất về văn hóa của xã, ấp chưa đáp ứng được yêu cầu... Với năng lực hiện có, các xã chỉ có thể phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông, thủy lợi. Còn các tiêu chí khác, như: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông… hầu hết đều phải đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ưu tiên phục vụ sản xuất, dân sinh

Trong bối cảnh khó khăn chung, ngoài nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, các huyện XDNTM trên địa bàn thành phố đã chủ động lên kế hoạch, vận dụng linh hoạt các giải pháp để từng bước hoàn thiện nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội. Ông Lưu Thanh Chất, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Ngay từ những ngày đầu thực hiện đề án XDNTM, xã xác định các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phải chú trọng chất lượng và đảm bảo tiến độ. Các công trình này thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tiến hành một cách đồng bộ với lộ trình cụ thể, chọn ấp điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã. Chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc "tập trung dân chủ", nhất trí từ trong nội bộ đến quần chúng nhân dân; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, làm cơ sở để vận động quần chúng noi theo".

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: "Huyện tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng hoàn thiện, nâng chất hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh… Hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện chọn xã điểm chỉ đạo cụ thể, ưu tiên tập trung hoàn thành, nâng chất các công trình hạ tầng cơ bản, như: giao thông, thủy lợi, trường học các cấp...". Theo ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông nông thôn thời gian qua tạo được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Vì vậy, thời gian tới, huyện chỉ đạo các xã tiếp tục tận dụng lợi thế này để đẩy mạnh phong trào "Cần Thơ chung sức XDNTM".

Về việc hoàn thành nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Đào Anh Dũng nhấn mạnh: Nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội cần có vốn đầu tư lớn. Một số tiêu chí như trường học, y tế, xóa nhà tạm phải thực hiện từng bước và lâu dài. Vì vậy, mỗi xã cần cân nhắc trong việc chọn công trình nào thực sự cần thiết ưu tiên đầu tư trước gắn với việc thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa. Đối với công cuộc XDNTM hiện nay, phát huy nội lực vẫn là giải pháp mang tính sống còn. Lẽ đó, các xã cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn trong dân, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia thực hiện trên địa bàn nhằm đa dạng hóa nguồn lực XDNTM... Và để làm được điều này, công tác tuyên truyền XDNTM phải được đặt lên hàng đầu, bám sát phương châm "dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết