30/03/2014 - 00:17

DU LỊCH ĐBSCL

Liên kết xây dựng sản phẩm đặc thù tạo đột phá

Theo Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, ĐBSCL được xác định là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng của cả nước. Thế nhưng, cho đến nay, du lịch ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” trên bản đồ du lịch cả nước. Nhiều năm qua, ĐBSCL đã có không ít cuộc hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này. Hội thảo Liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL do Tổng cục Du lịch tổ chức tại TP Cần Thơ hôm 26-3 một lần nữa nỗ lực vực dậy “vùng trũng” về du lịch này.

Chưa thu hút du khách

ĐBSCL có tài nguyên du lịch đa dạng, từ hệ sinh thái biển đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ… đến nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tiêu biểu như: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim… Ngoài ra còn có hệ thống bãi biển dài ở Phú Quốc, Hà Tiên, Hòn Chông… Tuy phong phú như vậy, nhưng theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch những năm gần đây, lượng du khách quốc tế đến ĐBSCL chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và tập trung chủ yếu tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, TP Cần Thơ… Thời gian lưu trú và chi tiêu của khách tại vùng này cũng thấp hơn mặt bằng chung. Năm 2013, toàn vùng ĐBSCL đón hơn 1,6 triệu lượt du khách quốc tế, tương đương 8,3% so cả nước; 9,8 triệu lượt khách nội địa, bằng 5,8% tổng lượng khách nội địa; tổng thu nhập từ du lịch của vùng đạt trên 5.000 tỉ đồng, chỉ bằng 2,7% doanh thu du lịch cả nước... Tình trạng hoạt động của du lịch ĐBSCL không có gì thay đổi nhiều suốt từ năm 2006 đến nay.

Du khách tại Khu du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ).

Vì sao ĐBSCL - vùng giàu tiềm năng du lịch - lại chưa thu hút khách? Theo Tổng cục Du lịch, nguyên nhân là ĐBSCL chỉ mới phát triển du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, du lịch văn hóa - lễ hội, vừa thiếu hấp dẫn vừa chưa có các thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù. Quan trọng hơn, sản phẩm du lịch lại trùng lắp giữa các địa phương do thiếu sự liên kết, hợp tác mang tính liên vùng... Bà Vũ Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội, phàn nàn: “Du khách đến với ĐBSCL tuy rất thích du lịch miệt vườn và du thuyền chợ nổi nhưng chưa làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của du khách. Ví dụ, đến Tiền Giang có chương trình “Về với ĐBSCL”, sang Bến Tre có tour “Du thuyền trên sông Mê Công”, qua Vĩnh Long cũng gặp lại sản phẩm na ná “Về cùng văn minh sông nước miệt vườn”... Tại các miệt vườn hay trên các du thuyền, cần thêm nhiều hoạt động khác nhau cho khách tham gia và trải nghiệm. Thêm vào đó, đến Cần Thơ, Tiền Giang hay Vĩnh Long, du khách đều đi thăm chợ nổi nên cảm thấy nhàm chán và không thể nối dài các chương trình du lịch qua nhiều địa phương trong vùng. Đã vậy, giá dịch vụ du lịch ĐBSCL lại cao hơn so với các vùng khác”. Thật vậy, suốt thời gian dài, điệp khúc “lên xuồng, xuống ghe, vô vườn, nghe đờn ca tài tử” vẫn ngân dài, trải khắp khu vực; loay hoay trong đơn điệu, trùng lắp, nhàm chán bởi “đi một nơi biết cả vùng”. Ngành du lịch chỉ tập trung khai thác những gì có sẵn từ thiên nhiên không đầu tư tạo những sản phẩm du lịch mới. Thậm chí có khi lãng quên hay “xử lý” các giá trị văn hóa còn đơn giản, hành chánh; vô tình tự tước đoạt ưu thế cạnh tranh độc đáo của chính mình. Anh Vũ Xuân Cường (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết: “Thông tin về du lịch ĐBSCL khá ít và chưa sâu. Đơn cử, ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chúng tôi chỉ dạo quanh để ngắm, quan sát chứ chưa được hiểu sâu và trải nghiệm nét độc đáo của chợ nổi”.

Nói đến hiện trạng du lịch ĐBSCL vài năm trở lại đây, hầu như các doanh nghiệp làm du lịch, các nhà quản lý, lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL đều chỉ ra nhiều nguyên nhân cụ thể: cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, thế mạnh của vùng là du lịch sông nước - biển đảo nhưng hệ thống giao thông đường thủy còn chậm phát triển, số khách sạn 3 sao trở lên vẫn còn ít, thiếu các khu vui chơi, mua sắm cao cấp nên không đủ hấp dẫn để giữ chân du khách lưu trú dài ngày so với các vùng khác; sản phẩm du lịch thiếu tính độc đáo giữa các địa phương, gây nhàm chán; các địa phương trong vùng chỉ mới liên kết trong việc tổ chức sự kiện, chứ chưa cùng nhau xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch…

Khẩn trương hành động

Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL đã được nói đến, nhưng khu vực này chưa khai thác được nhiều dù tiềm năng và tiềm lực rất cao. Theo đánh giá của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, hạn chế lớn nhất của du lịch ĐBSCL chính là thiếu cơ chế, sản phẩm du lịch đặc thù. Đồng thời, chưa có kế hoạch, lộ trình phát triển cụ thể và dài hạn; thiếu mô hình và cơ chế phối hợp giữa các bên có liên quan. Song song đó, Thứ trưởng kêu gọi phải khẩn trương hành động, đừng để những ý tưởng, kế hoạch cứ mãi dừng lại trong hội nghị, hội thảo. Qua đó, Thứ trưởng chỉ đạo cụ thể: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch phải tìm cho ra sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL cùng lộ trình dự án trong 3 tháng tới để triển khai vào đầu quý III-2014, nguồn kinh phí sẽ được lấy từ Chương trình hành động quốc gia về du lịch. Theo đó, điều phối và “nhạc trưởng” sẽ là Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch và Ban điều phối vùng ĐBSCL (tên tạm thời). Mục tiêu đến cuối năm 2014 sẽ hình thành được sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, tạo bước đột phá mới và chuyển biến mạnh mẽ các hoạt động du lịch trong khu vực.

Thêm vào đó, Tổng cục Du lịch cũng hỗ trợ ĐBSCL về việc liên kết vùng. Cụ thể, Ban quản lý dự án EU đang thúc đẩy thành lập liên kết tiểu vùng ở ba địa phương: Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang theo Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Theo đó, Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang sẽ thành lập Ban chỉ đạo du lịch, xây dựng kế hoạch du lịch vùng dài hạn, tập trung ở hai nhiệm vụ: quảng bá điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch. Vừa qua, dự án EU cũng đã hỗ trợ trang thiết bị cho 2 Nhà Văn hóa (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ và Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang với mục đích phục vụ công tác đào tạo kỹ năng nghề du lịch, hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Trước đó, Tổng cục Du lịch đã ký kết hợp tác với Cục Hàng không Việt Nam khai thác đường bay Cần Thơ - Đà Nẵng trong năm 2014 và dự kiến hãng Vietjet Air sẽ là đơn vị khai thác đường bay này. Như vậy, ĐBSCL sẽ có thêm sự liên kết với các điểm đến du lịch ở miền Trung, mở ra triển vọng phát triển du lịch của vùng.

Với những giải pháp tích cực và quyết liệt trên, tin rằng du lịch vùng ĐBSCL sẽ sớm tìm được bản sắc, phát triển xứng tầm với vị thế của vùng.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết