07/11/2016 - 22:07

Vùng Tây Nam bộ sau 30 năm đổi mới (1986-2015)

Liên kết vì mục tiêu phát triển bền vững

Sau 30 năm đổi mới (1986-2015), vùng Tây Nam bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, một lợi thế cạnh tranh rất lớn của vùng. Tuy nhiên, qua các kết quả đánh giá, sự phát triển của vùng còn kém bền vững, cần có cái nhìn tổng quát để đưa ra lợi thế cạnh tranh mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, trong đó nổi lên là vấn đề liên kết vùng vì một mục tiêu chung: phát triển bền vững ĐBSCL.

*Thách thức cho sự phát triển

Kết quả sau 30 năm đổi mới vùng Tây Nam bộ (còn gọi là vùng ĐBSCL) đóng góp cho cả nước được PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, đúc kết: ĐBSCL chiếm 40% GDP của ngành nông nghiệp; trên 50% tổng sản lượng lúa quốc gia; 90% lượng lúa xuất khẩu; 60% tổng lượng thủy sản; 75% tổng giá trị xuất khẩu và trên 70% tổng sản lượng cây ăn trái của cả nước. Những thành tựu này đã đóng góp vào ổn định chính trị và xã hội nông thôn; lồng ghép vai trò nông nghiệp phát triển kinh tế của đất nước; an ninh lương thực; thu ngoại tệ; tăng thu nhập và tạo việc làm nông thôn; hỗ trợ tích cực phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn… Những kết quả này cũng góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, chống lạm phát và an sinh xã hội.

Bốc xếp lúa hàng hóa tại kho trữ lúa gạo của HTX Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Dù vậy, qua đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vùng này phát triển kém bền vững vì xuất khẩu tăng nhưng nông dân vẫn nghèo. Đồng thời, với thời gian dài, đóng vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chủ yếu độc canh cây lúa khiến vùng ĐBSCL đánh đổi rất lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên và môi trường khiến vùng đã và đang đứng trước nhiều thách thức. PGS.TS Nguyễn Văn Sánh chỉ rõ: Về phát triển kinh tế, đó là sự đảo chiều giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Nếu như năm 1990, GDP vùng ĐBSCL cao gấp rưỡi GDP của TP Hồ Chí Minh, thì 20 năm sau, tỷ lệ này hoàn toàn đảo ngược. Nguyên nhân sâu xa về sự đảo chiều này là bất cập do cấu trúc kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực I. Nhưng trong khu vực I, vùng ĐBSCL một thời gian dài tập trung lúa - gạo là chính, gần đây thủy sản đã được quan tâm phát triển nhưng cây ăn trái vẫn còn bỏ ngỏ. Vì khó phát triển khu vực II và III, dẫn đến đời sống khoảng 1,14 triệu hộ trồng lúa, khoảng 700.000 hộ trồng cây ăn trái, hơn 1 triệu hộ nuôi thủy sản và chăn nuôi gặp nhiều rất khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, diện tích đất ít, mà thị trường bấp bênh và năng lực sản xuất đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, theo PGS. TS Nguyễn Văn Sánh, ĐBSCL còn đứng trước thách thức về quản lý tài nguyên. Đó là: An ninh nguồn nước do tác động kép bởi biến đổi khí hậu và sự phát triển hệ thống đập thượng nguồn sông Mekong. Việc sử dụng tài nguyên kém hiệu quả do độc canh cây lúa, mất rừng ven biển và khai thác cá quá mức. "Thách thức kể trên đã và đang tác động rất lớn đến hệ sinh thái tự nhiên của vùng liên quan đến phát triển nông ngư nghiệp và sinh kế của người dân. Ngoài ra, do thiên lệch về phát triển chính sách liên quan đến khái niệm an ninh lương thực. Thí dụ an ninh lương thực chỉ tập trung cây lúa là cây lương thực, trong khi đó nông dân nghèo, thương mại lương thực và thực phẩm khó khăn dẫn đến phát triển nông nghiệp và nông thôn của vùng không bền vững trong kinh tế hội nhập và ứng phó biến đổi khí hậu", PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh khẳng định.

*Phát triển kinh tế vùng…

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Những thành tích đã qua không phải là một đảm bảo chắc chắn cho thành công trong tương lai của vùng ĐBSCL. Sản xuất nhiều lúa gạo hơn không hẳn là giải pháp an ninh lương thực, giúp dân làm giàu mà cần tiếp cận đa ngành, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa đáp ứng cho mục tiêu chính trị - xã hội - công cộng và kinh tế - thương mại - tạo lợi nhuận hợp lý và bền vững cho người nông dân. Xuất phát từ thực tiễn, trước những khó khăn và thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hội nhập quốc tế, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình mới và yêu cầu phát triển bền vững đang đặt ra cho vùng Tây Nam bộ yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu là phải liên kết vùng. Từ đó đưa ra mô hình phát triển, mô hình tổ chức điều phối liên kết vùng thiết thực, hiệu quả; đặc biệt là những cơ chế, chính sách cần thiết nhằm đảm bảo an ninh lương thực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế. Nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của vùng và còn đóng vai trò quan trọng, còn nhiều thế so sánh trong tương lai gần. Vì vậy, để định vị lại lợi thế cạnh tranh này, PGS. TS. Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng: Chính phủ và vùng ĐBSCL dựa vào thí điểm liên kết vùng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 và tái cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ đó rà soát và lồng ghép các chính sách nhằm phát triển địa phương, liên kết vùng, qua tiếp cận liên kết, hợp tác và tổng hợp sức mạnh của vùng là cơ hội phát triển ĐBSCL bền vững hơn. Mọi kế hoạch phát triển đều cần lồng ghép cơ hội nâng cao sinh kế cho người dân nông thôn. Đây là điều cần thiết cho hiện tại và tương lai vùng ĐBSCL. Cơ chế, tổ chức và chính sách về liên bộ, liên tỉnh, thành phố để phát triển các chương trình, dự án nhằm tận dụng nguồn lực trong và ngoài nước với hiệu quả tối đa để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Để phát triển triển Tây Nam bộ, rất cần những nguồn lực mới, những mô hình phát triển hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn. Động lực cho các mô hình này cần phải được bắt đầu chính từ nội lực của vùng: nguồn nhân lực bậc cao, khoa học, công nghệ và doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần những chính sách mới năng động và quyết liệt để từ các nguồn lực phát triển mô hình tăng trưởng mới. Trên hết, để đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nam bộ có hiệu quả, việc liên kết vùng phải vừa phát huy sức mạnh tổng hợp cả vùng, vừa khai thác phát huy lợi thế của từng địa phương. Nghĩa là, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng để khai tác tối đa lợi thế so sánh chung của vùng và lợi thế riêng của từng địa bàn, thiết lập được chuỗi giá trị trong nội bộ của vùng vì mục tiêu phát triển cả vùng và của mỗi địa phương.

Bài, ảnh: Quang Đăng

Chia sẻ bài viết