04/03/2021 - 06:48

ĐBSCL

Liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững 

ĐBSCL nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong và tiếp giáp với Biển Đông. Nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL chủ yếu dựa vào nguồn nước từ thượng nguồn đổ về thông qua hệ thống sông Mekong (khoảng 95%) và nước mưa. Biến đổi khí hậu và việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn đã làm cho lưu lượng nước ngọt và lượng phù sa đổ về vùng ĐBSCL giảm mạnh trong những năm gần đây. Đã làm cho nước biển xâm nhập sâu vào các cửa sông và nhiều vùng nội đồng, gây khó khăn và thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, trong các mùa khô năm 2015-2016 và mùa khô 2019-2020, ĐBSCL đã phải đối mặt với những đợt hạn mặn lịch sử trong hơn 100 năm qua...

Thiếu nước ngọt, tăng nguy cơ hạn mặn

ĐBSCL được xem là “vựa lúa” của cả nước, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

ĐBSCL được xem là “vựa lúa” của cả nước, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Mùa khô năm 2020-2021, hạn mặn được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khốc liệt, gây đe dọa đến sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương. PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho biết, đến ngày 16-2-2021, mực nước ở lưu vực sông Mekong ở mức +7,08m, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 0,44m, nhưng thấp hơn khoảng 0,12m so cùng kỳ năm 2016. Xâm nhập mặn đang thấp hơn năm 2016 và 2020 nhưng cao hơn TBNN từ 6-13km. Xâm nhập mặn 4g/l ở sông Vàm Cỏ Tây đã vào sâu 68km, sông Vàm Cỏ Đông 66km, sông Hàm Luông 56km, sông Cổ Chiên 51km, Sông Hậu 45km, sông Cái Lớn 45km… Dự báo ranh xâm nhập mặn 4g/l mùa khô năm 2020-2021 ở sông Vàm Cỏ Tây có thể vào sâu 90-95km, sông Hàm Luông 70km, sông Cổ Chiên 63km, Sông Hậu 60km. Từ cuối tháng 2 và tháng 3-2021, nhiều vùng ven biển ĐBSCL có thể sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong đó, có khoảng 37.822ha lúa vụ đông xuân 2020-2021 ở các tỉnh ven biển ĐBSCL và khoảng 50.078ha cây ăn trái có nguy cơ bị hạn mặn gây hại.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đề nghị các địa phương cần có kế hoạch chủ động nguồn nước, quan tâm dự trữ nước cho cả mùa khô. Sử dụng nước hợp lý, bố trí thời vụ và xây dựng cơ cấu sản xuất phù hợp. Chú ý các giải pháp chống hạn mặn các vùng ven biển, vận hành tốt các công trình thủy lợi để ngăn mặn và lấy nước ngọt, quan tâm làm đập tạm đa cấp tích nước trên các hệ thống kênh, mương và tích nước phân tán theo quy mô hộ gia đình; áp dụng các kỹ thuật và chế độ tưới nước cho cây trồng theo hướng tiết kiệm và xem xét chuyển đổi sản xuất phù hợp...

Theo PGS.TS Trần Bá Hoằng, trong trung và dài hạn, để đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng ĐBSCL cần có sự vào cuộc đồng bộ từ địa phương đến Trung ương để thực hiện tốt các giải pháp tạo nguồn, bảo vệ nguồn nước ngọt (kiểm soát mặn, kiểm soát xả thải...), tăng cường tích trữ nguồn nước mưa. Quy hoạch sản xuất theo hướng giảm sử dụng nước ngọt, tăng cường sử dụng nước mưa và áp dụng các giải pháp quản trị, sử dụng nước hiệu quả. Tăng cường hợp tác với các nước khu vực sông Mekong.

Cần phối hợp đồng bộ

ĐBSCL không chỉ đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt và các điều kiện bất lợi cho sản xuất ngày càng tăng mà gặp khó trong việc nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trong vùng. Nguyên nhân do sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi còn manh mún và nhỏ lẻ, giá thành sản xuất còn cao và chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường về số lượng lớn và chất lượng đồng đều. Từng hộ nông dân và địa phương riêng lẻ không thể giải quyết được các vấn đề trên mà cần phải tăng cường liên kết, phối hợp một cách đồng bộ và kịp thời.

Để ngành Nông nghiệp Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ đề xuất Bộ NN&PTNT sớm xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển một số ngành hàng nông sản chủ lực theo hướng bền vững gắn với xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư. Quan tâm có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách tích tụ đất đai, khuyến khích nông nghiệp tuần hoàn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, nguồn nước và lượng phù sa giảm. Chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như cá tra, trái cây… trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL trong triển khai thực hiện liên kết vùng, trong đó quan tâm thúc đẩy liên kết, chia sẻ, khai thác nguồn nước. Quan tâm hợp tác cùng các địa phương để nâng cao chuỗi giá trị các ngành hàng, xây dựng trung tâm logistics nông sản, trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, trung tâm phòng chống thiên tai cấp vùng  tại TP Cần Thơ.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các cấp thẩm quyền Trung ương sớm hoàn thành quy hoạch vùng ĐBSCL, đặc biệt lưu ý các quy hoạch có mang tính liên kết vùng, liên kết phòng, chống hạn mặn và đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất.

Tại TP Cần Thơ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT vừa có buổi làm việc với Giám đốc sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhằm trao đổi, tìm giải pháp thúc đẩy nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, liên kết vùng ĐBSCL quan trọng nhất là liên kết không gian kinh tế của vùng (bao gồm các lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp…) mới quyết định sự phát triển, hạ tầng là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ. Đối với nông nghiệp, cần chú ý liên kết các ngành hàng và những nông sản tương đồng để tạo ra giá trị cao. Hướng tới cần có bản tin về nông nghiệp ĐBSCL. Cần lập nhóm Zalo lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành ĐBSCL để chia sẻ thông tin kịp thời. Để khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác. Cùng sản xuất một quy trình và mua chung, bán chung mới giảm được chi phí, tạo ra nông sản chất lượng đồng đều và thuận lợi đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Kích hoạt đầu ra bằng giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết