07/12/2014 - 20:01

Phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm

Liên kết là yếu tố sống còn

Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo các Vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) cả nước do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, nhiều ý kiến cho rằng: Để phát triển các VKTTĐ, khơi dậy sức mạnh toàn vùng thì liên kết là yếu tố sống còn. Liên kết giữa các địa phương nội vùng và với liên vùng để giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp thiết; đồng thời có tiếng nói chung kiến nghị Chính phủ giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền vùng.

Những bất cập

Cả nước hiện có 24 địa phương được Chính phủ quy hoạch nằm trong 4 VKTTĐ, gồm: VKTTĐ Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong 10 năm qua (2004-2014), tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 8,8% cao hơn mức bình quân chung cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa trong VKTTĐ tăng khá nhanh, từ 39,3% năm 1995 (cả nước 21%) đến 2013 đạt 48% (cả nước gần 30%) và bằng 69,5% dân số đô thị của cả nước. Bốn VKTTĐ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực. Rõ nét nhất là quá trình công nghiệp hóa đã tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực cho quốc gia, đóng góp kim ngạch xuất khẩu cả nước với 90,9% và chiếm 89,1% tổng thu ngân sách cả nước… Với những thành tựu này, các VKTTĐ đã trở thành trung tâm kinh tế của vùng lãnh thổ, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, có tiềm năng lớn để phát triển nhanh và toàn diện; tạo cục diện cho tăng trưởng và giao thương quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)- cơ quan đầu mối của Ban Chỉ đạo các VKTTĐ thì sự phát triển của các VKTTĐ đang bộc lộ nhiều hạn chế, quy chế phối hợp, điều phối vùng còn mang tính hình thức, các bức xúc của vùng (đặc biệt là hạ tầng cơ sở) chưa được giải quyết thỏa đáng.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu, cho biết: Hiện nay, bộ máy điều phối phát triển các VKTTĐ hoạt động chưa đạt hiệu quả do thiếu bộ phận điều phối vùng, thiếu cơ chế tài chính và trong cơ cấu tổ chức điều phối không có đội ngũ các nhà tư vấn. Sự vắng mặt của khu vực doanh nghiệp cũng khiến việc đề xuất hoạt động liên kết thiếu tính thực tế, gắn kết với thị trường và cũng không tranh thủ được một nguồn tài trợ quan trọng cho hoạt động liên kết. Lẽ đó, Bộ máy điều phối hiện chưa thể là một cơ quan tiếp nhận chính sách và tổ chức thực thi chính sách mang tính toàn vùng. Những hậu quả của thực trạng này làm cho các chính sách chung cho vùng không có cấp tổ chức triển khai thực hiện, các chính sách ban hành không có địa chỉ thực thi, các văn bản quy hoạch hay các chính sách vùng gần như chỉ nằm trên giấy mà không được triển khai thực hiện. Điều này còn gây lãng phí nguồn lực lớn cũng như xu thế phát triển chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn nhau giữa các địa phương.

 Chế biến cá tra xuất khẩu đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Hiện nay, cái yếu và thiếu nhất của các VKTTĐ là liên kết nội vùng và liên vùng. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà cho rằng, hiện thu nhập đầu người của VKTTĐ phía Nam trong đó có TP HCM cao nhất cả nước. Tuy nhiên, ngân sách đầu tư từ Trung ương cho các VKTTĐ còn hạn chế. Nguyên tắc điều phối chưa triển khai được do chưa có cơ chế ràng buộc liên kết, các nội dung liên kết chỉ mang tính hình thức, chưa cụ thể hóa. Việc chưa có trung tâm dữ liệu để chia sẻ thông tin cho các địa phương trong VKTTĐ cũng phát sinh nhiều bất cập. Còn theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, vai trò của Ban điều phối vùng mờ nhạt, nếu có vướng mắc trong các công trình liên kết vùng thì công tác xử lý rất chậm và chỉ giải quyết một số vấn đề nhỏ nhặt. Nhất là điều hành giải quyết ô nhiễm giữa các con sông giáp ranh, liên vùng; giải phóng mặt bằng các dự án. Vấn đề này cần sự nhập cuộc của các bộ, ngành Trung ương- cũng là thành viên của Ban Chỉ đạo điều phối. “Thực hiện quy hoạch chung cho vùng chưa tập trung, phối kết hợp chưa chặt chẽ. Cà Mau mạnh thủy sản nhưng có những địa phương không có thế mạnh thì lại có quá nhiều nhà máy chế biến thủy sản! Vấn đề là do thiếu liên kết giữa các địa phương trong nội vùng trong việc trao đổi hàng hóa, liên kết phát triển vùng nguyên liệu nên thiệt thòi trong làm thị trường, bán sản phẩm”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng nêu thực trạng.

Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm cho biết, VKTTĐ vùng ĐBSCL mới ra đời 6 năm nay (Quyết định 492 của Thủ tướng Chính phủ), sinh sau các VKTTĐ cả nước. Thời gian qua, phát triển kinh tế của VKTTĐ chưa đạt yêu cầu, nhiều dự án cấp vùng chưa phát triển như: nhà máy lọc dầu, công nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực… do sự liên kết hợp tác giữa các địa phương trong VKTTĐ còn rời rạc. Sự liên kết của ban điều phối vùng ĐBSCL với các Ban điều phối các vùng kinh tế trọng điểm khác chưa chặt chẽ. Tổ điều phối vùng kinh tế trọng điểm của Cần Thơ thì vai trò tham mưu còn hạn chế nên các đề xuất, tham mưu chưa đạt hiệu quả cao. Các chế độ chính sách cho các địa phương VKTTĐ chưa thỏa đáng, chưa tạo động lực cho các địa phương phát triển. Đơn cử như Cần Thơ là địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương nên không được hưởng các chế độ, ưu đãi khi đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Điều này làm hạn chế mục tiêu phát triển trở thành thành phố công nghiệp của Cần Thơ.

Liên kết phát triển

Từ những bất cập trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất duy trì cơ chế phối hợp, điều phối phát triển VKTTĐ giai đoạn 2014-2020; đồng thời đổi mới phương thức hoạt động, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức điều phối phát triển các VKTTĐ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo VKTTĐ), Hội đồng điều phối vùng. Giữ nguyên mô hình Tổ điều phối cấp tỉnh (do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối). Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng sẽ do chủ tịch các địa phương luân phiên nhau đảm nhiệm hằng năm. Nguyên tắc điều phối phát triển VKTTĐ dựa trên sự phát triển kinh tế của vùng xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; lấy hình thành cụm liên kết ngành làm trọng tâm; tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên tham gia phát triển vùng KTTĐ...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, nói: “Nguyên tắc hợp tác của các tỉnh trong VKTTĐ cần ưu tiên và dựa trên nguyên tắc bình đẳng, liên kết cùng có lợi. Cụ thể liên kết về giao lưu hàng hóa cần sự tham gia của các tổ điều phối và của Bộ Công thương trong vai trò cầu nối. Vai trò điều phối của Chủ tịch vùng kinh tế trọng điểm cần kéo dài 2 năm, vì 1 năm bàn giao cho địa phương khác thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê mạnh Hà, đề xuất: “Cần có cơ chế tài chính cấp vùng để cấp ngân sách cho vùng đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, hỗ trợ các địa phương giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, các con sông. Ban hành chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp. Chẳng hạn ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đầu vào, phụ trợ cho những doanh nghiệp trong VKTTĐ. Xây dựng trung tâm dữ liệu cấp vùng để cung cấp thông tin của các địa phương”. Còn lãnh đạo TP Đà Nẵng thì cho rằng, các bộ ngành Trung ương cần nghiên cứu thấu đáo các vấn đề phát triển thực tế của từng địa phương để có cái nhìn toàn diện về sự phát triển của các VKTTĐ và đưa ra định hướng đúng.

Nhiều ý kiến của các địa phương cho rằng, mô hình mà Bộ KH&ĐT đưa ra sẽ giải quyết những vướng mắc trong liên kết vùng hiện nay. Nhưng cần trao thêm quyền cho Ban Chỉ đạo điều phối vùng để quyết một số vấn đề chủ yếu phát triển. Đơn cử như một số dự án trọng điểm có tinh chất vùng (kết cấu hạ tầng: sân bay, khu công nghiệp, y tế, đào tạo nhân lực…). Nếu không có quyền thì ban điều phối chỉ mang tính hình thức. Theo lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương để VKTTĐ phát triển cần có chính sách riêng cho các VKTTĐ. Phải có ưu tiên khác biệt thì mới trở thành đầu tàu kéo cả vùng phát triển. Bởi đầu tư hạ tầng mà không có chính sách ưu đãi đầu tư, tăng vốn đầu tư thì các địa phương không thể làm được. Phải kết nối các VKTTĐ bằng các công trình giao thông trọng điểm liên vùng. Nâng cao vai trò của hội đồng quản lý vùng để xử lý các vấn đề kinh tế- xã hội vùng. Đặc biệt là hình thành thế trận an ninh quốc phòng. Hội đồng quản lý vùng ngoài tư vấn, điều phối còn tham mưu cho cấp Trung ương để quyết các vấn đề chung của vùng. Mặt khác, cần rà soát các quy hoạch kinh tế- xã hội cho các vùng để xem đã làm được gì, hạn chế và chưa làm được gì. Và cần có văn bản quy định pháp luật để ban hành quy định, có quy chế để ban điều phối có căn cứ pháp lý triển khai tốt.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những ý kiến đề xuất của các địa phương, các bộ ngành và yêu cầu Bộ KH&ĐT tổng hợp, chỉnh sửa; các bộ ngành liên quan cần chủ động đề xuất kế hoạch triển khai để thúc đẩy sự phát triển của các VKTTĐ. Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ KH&ĐT về mô hình điều phối mới, quy chế phối hợp. Cần có trung tâm dữ liệu vùng để chia sẻ các thông tin- đây là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong cung cấp dữ liệu kinh tế, thị trường, đầu tư (quản lý theo cơ chế mềm) để nhà đầu tư quyết định đầu tư. Cần có quy chế hoạt động cho ban điều phối vùng để chủ tịch ban điều phối có thêm nhiệm vụ giải quyết vấn đề và chịu trách nhiệm. Riêng thành lập quỹ phát triển vùng cần cân nhắc lại. “Chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, liên kết là yếu tố quyết định sự phát triển”- Phó Thủ tướng khẳng định.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết