06/10/2022 - 08:43

Liên kết đa bên để phát triển bền vững ÐBSCL 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Vùng ÐBSCL với thế mạnh về sản xuất thủy sản, trái cây, lúa gạo, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ÐBSCL đang đối mặt các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn, rác thải nhựa, ô nhiễm nước mặt từ hoạt động sinh hoạt, đô thị hóa, thâm canh nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Nơi đây cũng chịu tác động bất lợi do biến đổi khí hậu (BÐKH) như nhiệt độ bề mặt trái đất gia tăng, xâm nhập mặn…

Mô hình nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Trường Ðại học Cần Thơ vừa tổ chức tọa đàm Giải pháp khoa học và công nghệ trong thích ứng BÐKH và phát triển bền vững ÐBSCL. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Phát triển bền vững ÐBSCL tầm nhìn 2045 (SDMD 2045) do Trường Ðại học Cần Thơ khởi xướng. Qua đó, nhằm chia sẻ thông tin, thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng BÐKH ở vùng ÐBSCL. Ðây cũng là dịp để nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý liên quan đến lĩnh vực môi trường giao lưu, chia sẻ thông tin về đề xuất nghiên cứu, giải pháp khoa học nhằm phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng BÐKH.

PGS.TS Văn Phạm Ðăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BÐKH, Trường Ðại học Cần Thơ cho rằng, mặt trái của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng đến môi trường như thâm canh, tăng vụ, đô thị hóa làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường, giảm đa dạng sinh học, thay đổi dòng chảy… Tuy nhiên, dưới tác động của BÐKH tình trạng nói trên trở nên trầm trọng hơn.

Ðể xoay chuyển tình thế, nhiều địa phương trong vùng đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với trình trạng BÐKH và ô nhiễm môi trường. Bà Châu Thị Kim Thoa, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ đã và đang triển khai hàng loạt kế hoạch trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Ðơn cử như thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với BÐKH... Thành phố cũng triển khai hiệu quả các dự án ứng dụng công nghệ trong thích ứng BÐKH và bảo vệ môi trường như dự án thí điểm "Thu gom tự động rác nổi trên sông tại TP Cần Thơ" do tổ chức Làm sạch biển (TOC) của Hà Lan viện trợ không hoàn lại; Dự án "Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do BÐKH và Tăng cường mạng lưới quan trắc xâm nhập mặn trên địa bàn TP Cần Thơ" do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc viện trợ thông qua Quỹ Hợp tác Mekong - Hàn Quốc; Dự án "xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030"…

Các nhà khoa học, viện trường, các tổ chức trong và ngoài nước cũng nỗ lực tìm giải pháp, thực hiện đề tài nghiên cứu về BÐKH và bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên ở ÐBSCL. PGS.TS Nguyễn Văn Công, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi triển khai nhiều nghiên cứu về đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước dưới đất. Ðơn cử: Phần mềm quản lý dữ liệu đa dạng sinh học; ứng dụng Webgis chia sẻ trực tuyến dữ liệu và dự báo chất lượng nước; ứng dụng mô hình ủ biogas cho nông hộ ÐBSCL; ứng dụng Internet of Things (IoT) trong quan trắc môi trường phục vụ thủy sản và nông nghiệp… Các nghiên cứu này đã được triển khai tại một số địa phương trong vùng và mang lại hiệu quả bước đầu".

Ông Nguyễn Phương Duy, Ðiều phối chương trình thực phẩm, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, khẳng định: WWF luôn đồng hành cùng sự phát triển của vùng ÐBSCL. Hiện WWF đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ÐBSCL ứng phó với BÐKH, sản xuất thân thiện với môi trường như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong sản xuất tôm, kết hợp thúc đẩy cam kết quốc tế về C-free (không chuyển đổi rừng ngập mặn, đất ngập nước sang nuôi tôm); thúc đẩy giải pháp thích ứng với xâm nhập mặn, sụt lún ÐBSCL, kết hợp với kết nối tài chính để triển khai nhân rộng; thí điểm giải pháp dựa vào các tiến trình tự nhiên; Bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu Ramsars, trồng và tái tạo rừng…

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Với sứ mệnh nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực, trong đó các lĩnh vực liên quan đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và BÐKH, Trường Ðại học Cần Thơ cam kết đồng hành với các tỉnh, thành và sẵn sàng làm đầu mối trong công cuộc phát triển bền vững ÐBSCL. Những kết quả nghiên cứu, thành tựu khoa học của trường góp phần cung cấp thông tin khoa học ứng dụng vào điều kiện thực tế của địa phương hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng khả năng chống chịu đối với hiện tượng BÐKH trong hiện tại và tương lai, không chỉ cho ÐBSCL mà còn cho cả nước.

Cũng liên quan đến vấn đề liên kết, PGS.TS Nguyễn Văn Công đề xuất: Vấn đề bảo vệ nguồn nước, Việt Nam cần phối hợp với các quốc gia thượng nguồn cùng quản lý xử lý tác động môi trường xuyên biên giới. Bên cạnh đó, ÐBSCL cần nhạy bén nắm bắt các hỗ trợ của Chính phủ để tăng cường hợp tác quốc tế trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng tại ÐBSCL; phối hợp các viện, trường trong nước, công ty, doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết. Một số ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong vùng ÐBSCL tiếp cận tài chính xanh (bền vững nguồn thu nhập, thu hút đầu tư); thúc đẩy mạnh mẽ quá trình "số hóa" trong sản xuất, định hướng sản xuất thuận thiên với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.

Theo ông Nguyễn Phương Duy, các mô hình, kết quả nghiên cứu khoa học về thích ứng với BÐKH ở ÐBSCL cần được đánh giá sát thực, rút kinh nghiệm và có những nghiên cứu sâu hơn sau khi ứng dụng trong thực tiễn. Ðồng thời, cần đẩy mạnh quốc tế trong việc xây dựng nghiên cứu, đào tạo kết hợp với các dự án thực hành thực địa; tăng cường hợp tác công tư để tối ưu hóa chi phí, chia sẻ dữ liệu về các nghiên cứu thích ứng BÐKH và phát triển bền vững ÐBSCL.

Chia sẻ bài viết