22/03/2011 - 08:22

Libye hứng chịu các đợt không kích mới

Sáng qua 21-3, các cường quốc phương Tây tiếp tục đợt không kích thứ hai vào Libye sau khi ngăn chặn các lực lượng trung thành với Tổng thống Muammar Gadhafi tiến công vào Benghazi, căn cứ còn lại của quân nổi dậy, và tiêu diệt hệ thống phòng không của Libye để máy bay của liên quân có thể tuần tra bầu trời nước này.

Mỹ cùng với các đồng minh Anh, Pháp, Ý, Canada và một số nước khác tiếp tục không kích Libye, đồng thời bác bỏ thông báo ngừng bắn của quân đội Libye đêm 20-3. Người phát ngôn quân đội Libye thông báo lệnh ngừng bắn mới và cho rằng các lực lượng vũ trang Libye đã truyền lệnh tới tất cả các đơn vị để đảm bảo đình chiến ngay lập tức, từ 9 giờ tối 20-3 (giờ địa phương). Tuy nhiên, cả trước và sau tuyên bố trên của quân đội Libye, chiến sự vẫn tiếp diễn. Bộ Quốc phòng Anh cho biết một trong số các tàu ngầm của nước này một lần nữa đã khai hỏa tên lửa dẫn đường Tomahawk, một phần trong đợt tấn công thứ hai. Ý cũng tuyên bố nước này đã đưa máy bay chiến đấu tuần tra bầu trời Libye, sau khi tàu chiến, tàu ngầm Mỹ và Anh bắn 110 tên lửa Tomahawk đêm 19 và sáng 20-3.

Xe tăng và các phương tiện cơ giới của quân đội Libye bị dính bom
trong các cuộc không kích của liên quân. Ảnh: Reuters

 

Báo cáo về đợt không kích đầu tiên cho biết tòa nhà 3 tầng ở trung tâm chỉ huy quân sự của ông Gadhafi đã bị hư hại nặng. Để cho thấy sự tàn khốc của đợt tấn công bằng tên lửa, sáng qua, các quan chức Libye đã mời các phóng viên phương Tây tới khu phức hợp của ông Gadhafi ở Thủ đô Tripoli, với cảnh tượng ngỗn ngang nhà cửa và các trại lính, pháo chống máy bay và các loại vũ khí hạng nặng khác. Người phát ngôn chính phủ Libye Mussa Ibrahim cho rằng: “Đó là cuộc ném bom dã man, có thể làm thiệt hại hàng trăm dân thường vì họ đang tụ tập cách đó chỉ khoảng 400m”. Tuy nhiên, ông không cho biết liệu ông Gadhafi có ở bên khu vực này hay không. Các phóng viên cũng được đưa tới chứng kiến tang lễ của các nạn nhân trong các đợt không kích của liên quân tại một bờ biển ở Tripoli.

Phó Đô đốc Bill Gortney, Trưởng Tham mưu liên quân Mỹ, cho biết hệ thống radar và hoạt động trên không của Libye đã bị tê liệt, một sự suy yếu đáng kể khả năng phòng không của quân đội Gadhafi. Ông Gortney cho rằng quân nổi dậy ở Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libye, vẫn chưa tránh được mối đe dọa, nhưng các lực lượng của ông Gadhafi ở khu vực này đang bị kiệt sức và “tổn thương vì bị cô lập và hỗn loạn” sau các đợt không kích của liên quân.

Bên ngoài Benghazi, lửa cháy, xe tăng đứt xích và xe chở quân của các lực lượng thân ông Gadhafi nằm ngỗn ngang trên đường phố. Tuy nhiên, nhiều người lo rằng bộ binh của quân đội Libye có thể xâm nhập Benghazi theo cách mà liên quân không thể ngăn chặn từ trên không. Còn tại Misrata, thành phố lớn thứ ba ở phía Tây Libye, xe tăng chính phủ đã tiến vào trung tâm thành phố sau khi một căn cứ ở bên ngoài được các lực lượng của Gadhafi sử dụng bị trúng bom trong đợt không kích đầu tiên.

Sự hoài nghi gia tăng

Can thiệp quân sự vào Libye theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là để bảo vệ dân thường bị trấn áp trong cuộc biểu tình chống chính quyền Gadhafi kéo dài hơn tháng qua. Tuy nhiên, như Tổng thư ký Liên đoàn A-rập (AL) Amr Moussa đã chỉ trích, chiến dịch quân sự tại Libye “đã vượt ra ngoài mục tiêu áp đặt vùng cấm bay” và không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom vào dân thường. AL sẽ có cuộc họp khẩn cấp thảo luận những diễn biến mới nhất ở Libye.

Việc AL ủng hộ vùng cấm bay là điều kiện quan trọng để HĐBA thông qua nghị quyết, mở đường cho phương Tây không kích chống ông Gadhafi. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao đổi với Quốc vương Abdullah của Jordanie, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với các nhà lãnh đạo Algérie và Koweit, để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới A-rập. Do vậy, việc rút lại sự ủng hộ của AL sẽ gây nhiều khó khăn cho liên quân trong việc tránh “một chiến dịch kéo dài với kết quả không chắc chắn”.

Các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ bắt đầu chỉ trích ông Obama hành động quá chậm và yêu cầu tổng thống làm rõ sứ mệnh mà Mỹ muốn đạt được tại Libye là gì và đạt được điều đó như thế nào.

Trong khi đó, tại Brussels (Bỉ), các đặc phái viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không nhất trí về bất kỳ sự can thiệp nào của NATO nhằm thực hiện vùng cấm bay. Ít nhất hai nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Đức đã tuyên bố phản đối hành động này.

N. MINH
(Theo Guardian, Reuters, Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết