09/11/2019 - 07:30

Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer 

Đồng bào dân tộc Khmer đến cư trú rất sớm ở vùng ĐBSCL, tập trung trên các giồng cát cao ở các vùng ven sông, ven biển: Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu lên đến Cần Thơ và vùng An Giang, Kiên Giang. Ở Cần Thơ có khoảng 22.000 người Khmer, chiếm hơn 1,9% tổng dân số của thành phố, cư trú tập trung ở các huyện: Cờ Đỏ, Thới Lai, Ô Môn, Vĩnh Thạnh. Đồng bào Khmer góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của thành phố với bản sắc truyền thống, trong đó có lễ hội Ok-Om-Bok.

Lễ hội Ok-Om-Bok

Trong tiếng Khmer “Ok” nghĩa là đút, “Om-bok” nghĩa là cốm dẹp vì trong lễ hội này có thực hiện nghi lễ đút cốm dẹp. Lễ Ok-Om-Bok thường được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch. Đây là thời điểm mùa gieo trồng sắp chấm dứt và mùa thu hoạch đang bắt đầu.

Người Khmer Nam bộ chủ yếu làm nông nên gắn bó mật thiết và tôn thờ tự nhiên như những vị thần. Mặt trăng được xem như vị thần cai quản thời gian, thủy triều và thời tiết. Do đó, lễ hội Ok-Om-Bok là nhằm đưa tiễn mùa mưa, mùa nước, chào đón mùa khô và tạ ơn Thần Mặt trăng đã ban cho mùa màng tốt tươi. Lễ hội Ok-Om-Bok thường được đồng bào Khmer tổ chức trong phạm vi gia đình hoặc ở chùa, ở các nơi sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, có ánh trăng rằm soi sáng.

Trong lễ hội Ok-Om-Bok, ngoài nghi lễ cúng trăng, đồng bào Khmer còn tổ chức nhiều hoạt động có tính chất hội khác: đua ghe ngo, thả đèn nước và thả đèn gió.

- Thả đèn nước là thả ánh lửa trên mặt nước mục đích chính là tỏ lòng biết ơn Thần Nước, “Mẹ Sông” và gửi lời tạ lỗi đến vị thần này vì đã làm ô uế nguồn nước khi con người sinh hoạt, sản xuất. Chiếc đèn có cấu tạo như một ngôi đền, thường được làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa văn và gắn đèn nhiều màu sặc sỡ. Đầu đèn có treo cờ phướn, chung quanh cắm đèn cầy và nhang, bên trong có bày các thức cúng. Mở đầu buổi lễ thả đèn nước, sư sãi và đồng bào thắp nến và nhang xung quanh đèn rồi tụng kinh để tưởng nhớ đến Đức Phật và xin lỗi Đất và Nước vì đã làm dơ bẩn nguồn nước và đào xới đất.

- Thả đèn gió có ý nghĩa sâu xa là tạ ơn Thần Gió, một trong những vị thần cùng Thần Mặt trăng cai quản mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa. Mặt khác, việc thả đèn gió còn có ý nghĩa tống tiễn những điều xui rủi, không may mắn. Đèn gió được làm bằng giấy quyến, chiều cao lồng đèn khoảng 1m, chu vi tròn chừng 0,8m được kết lại bằng keo và thanh tre, trúc. Trong thân đèn có một sợi dây để treo lon, bát đựng chất đốt; chất đốt được làm từ bông và dầu dừa. Khi làm xong đèn gió, mọi người bắt ghế treo lên cao, đợi đến ngày 14 tháng 10 âm lịch sẽ thả đèn bay lên không trung đón ánh trăng rằm. Khi đốt lửa, không khí bên trong mất đi, tạo nên một lực đẩy đèn gió bay lên cao, đung đưa theo gió.

- Sôi động nhất là hội đua ghe ngo (Um-tuk), được tổ chức vào buổi trưa (11-12 giờ) ngày 15 tháng 10 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, hội đua ghe ngo cũng là một nghi lễ tống tiễn Thần Nước, Thần Mưa của người Khmer ở vùng hạ lưu sông Mekong. Đua ghe ngo còn để cảm ơn đất và nước về những ân huệ, những tặng vật đã ban cho con người. 

Ghe ngo là một loại thuyền đặc biệt có hình dáng dài như một con rắn, phần đầu và phần đuôi cong lên, không có mui, có chiều dài từ 22-24m, có khoảng 20-24 khoang. Chiều ngang ghe khoảng 6 tấc, vừa đủ cho 2 quân chèo ngồi, toàn ghe có khoảng 43-52 quân chèo. Ghe ngo được ghép bằng những mảnh ván của một thân cây sao nguyên vẹn khoét ruột kiểu thuyền độc mộc. Phần đầu, đuôi ghe được chạm trổ, sơn phết rất tinh xảo mô phỏng hình con rồng, thần rắn Na-ga… Ghe ngo của một nhà chùa và được xem như một vật thiêng chỉ dùng duy nhất cho cuộc đua ghe hàng năm, được nhà chùa cất giữ cẩn thận trong một ngôi nhà cao ráo, thoáng đãng gọi là Rông-tuk. Theo đồng bào Khmer, mỗi chiếc ghe ngo đều có một vị thần linh trông giữ, nên có những nghi lễ riêng khi xuất ghe đi dự hội, xuất phát trước mỗi cuộc đua hay kết thúc hội đua đưa ghe lên nhà ghe...

Lễ vật dâng cúng

Lễ vật dâng cúng của người Khmer trong lễ hội rất phong phú. Ngoài đèn cầy, nhang thơm, trầu cau, thuốc hút, trà ngon, cơm canh… người Khmer còn chú trọng kẹo, bánh làm bằng gạo, nếp. Bên cạnh đó, còn có những lễ vật đặc biệt như:

- Sla-thô: Một vật cúng làm bằng phần lõi của cây chuối. Thân cây chuối khi tước vỏ bên ngoài có màu trắng bóng rất đẹp. Người Khmer dùng thân cây chuối làm trụ cắm nhang, bông hoa, trầu cau để đem vào chùa cúng. Đôi khi thân chuối được thay bằng quả dừa dùng trong lễ hạ thủy ghe ngo hoặc lễ dâng bông. Họ còn lấy bẹ chuối làm thành những chiếc thuyền gọi là Sâm-pou dùng trong nghi thức tống tiễn như lễ đưa ông bà, trong hội thả đèn nước.

- Chơng-thbâung: Tên gọi một cái thúng trong đựng lúa, gạo… dâng cúng trong lễ cắt tóc trả ơn mụ hoặc trong đám ma. Ngoài ra, trong các ngày lễ tết người Khmer còn đem thóc, gạo dâng vào chùa để lấy phước. Nhà chùa dùng gạo thóc ấy để dâng sư sãi. Khi nhận lễ, thường có một vị sư đại diện tụng kinh cám ơn, cầu phúc cho thí chủ.

- Phướn: có hình dạng cá sấu, có ý nghĩa xua đuổi tà ma. Phướn trắng thường dùng trong tang lễ của người Khmer. Trong các lễ khác, người ta dùng phướn dài nhiều mét, may bằng vải màu sặc sỡ. Đôi khi họ cũng dùng phướn giấy chỉ dài vài mươi phân. Cờ phướn được dùng để treo trong các đám phước ở chùa hay trong các đám rước như lễ thả đèn nước.

- Lọng: Trên bàn thờ Phật trong chùa hay tại tư gia, thường thấy những chiếc lọng để che các tượng, vật thờ. Lọng được làm bằng vải hoặc giấy màu, trên nhỏ, dưới to, đặt chồng lên nhau trên một cái trục. Lọng biểu hiện cho sự hiện hữu của “Têvada”, một vị thần chăm lo đời sống cho dân chúng trong năm.

- Cây bông (Đơm-phoka): Một cây có nhiều tầng, lá vàng, bạc… Đây là  hình thức đóng góp kinh phí (gọi là dâng bông bạc) để trùng tu, sửa chữa chùa chiền và cung cấp lương thực, thực phẩm đến các đại đức, chư tăng. Ngày xưa, cây bông chủ yếu sử dụng trong lễ dâng y cà sa, nhưng ngày nay thường được chưng một cặp trên các bàn thờ của người Khmer.

- Âm nhạc - lễ nhạc cũng được xếp vào lễ vật dâng cúng của người Khmer. Trong các lễ lớn, người ta đánh “Nhạc ngũ âm”, múa trống Cha-yam cho thêm phần trang trọng, vui tươi. Trong các lễ cúng người ta còn đánh trống Skôr, kéo đàn Trô-Khse-bei âm thanh réo rắc, thúc giục… để tạo không khí chung cho lễ hội.

Lễ cúng trăng tại chùa San-vor Pôthi-nhen quận Ô Môn, năm 2018.

Lễ cúng trăng được tổ chức thống nhất vào đêm 15 tháng 10 âm lịch tại khuôn viên chùa, hoặc tại từng nhà hay nhiều nhà cùng tập trung lại tổ chức ở một nơi rộng rãi. Nơi đây, trước khi mặt trời lên tới đỉnh, mọi người tụ tập lại để chuẩn bị cúng.

Lễ cúng trăng tại khuôn viên chùa

Trước hết, người ta đào lỗ cắm 2 cây tre làm trụ và buộc 1 cây làm đà ngang dài khoảng 3 mét, hình thức giống như 1 cái cổng bằng tre, có trang trí hoa lá. Một số nơi trên cổng này, người ta còn giăng 1 dây trầu gồm 12 lá trầu được cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và 1 dây cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như 2 cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng này người ta thường đặt một chiếc bàn cúng và bày lên đó các  vật cúng: bát nhang, đèn cầy, một cặp cây bông, bệ cúng đóng bằng gỗ…

Cách bày trí trên bệ cúng 4 bậc như sau: bậc dưới cùng là trầu cau đã têm; đến trầu cau còn nguyên; thuốc rê (thuốc lá sợi) và bậc thứ tư là thuốc lá điếu hoặc thuốc rê quấn sẵn.

Cách bày trí trên có ý nghĩa cúng kiến tổ tiên, những người đã khuất, đồng thời thể hiện sự mời chào khách quý. Ngoài cốm dẹp là thức cúng chính, còn bắt buộc phải có các loại nông sản thu hoạch tại địa phương: lúa nếp, khoai lang, khoai sọ, trái dừa tươi, chuối, cây mía, cam bưởi, bánh kẹo...

Lễ cúng trăng tại gia đình

Thường được tổ chức đơn giản hơn, người ta chỉ đem 1 cái bàn để trước sân, trên phủ một tấm vải đẹp, bày ra bát nhang, đèn cầy... Ngoài cốm dẹp là lễ vật chính phải có, còn các loại nông sản khác: khoai, chuối, mía cây, trái dừa tươi… Chuẩn bị xong, mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía mặt trăng để chờ làm lễ. Đúng khi mặt trăng lên cao tỏa ánh sáng, người ta đốt nhang thắp đèn cầy, rót trà rồi mời một cụ già làm chủ lễ. Ông khấn vái, nói lên lòng biết ơn của bà con đối với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do bà con dâng và ban cho bà con sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Cúng xong, chủ lễ tập trung trẻ em lại ngồi xếp chân, chắp tay mắt hướng về mặt trăng, lấy cốm dẹp cùng các vật cúng khác, mỗi thứ một ít, đút vào miệng chúng, còn tay kia đấm vào lưng hỏi các cháu muốn gì. Bọn trẻ thường được dặn trước phải nói là muốn vàng bạc, châu báu, muốn làm quan... Lúc đó, chủ lễ khuyên dạy: “Muốn giàu sang thì ráng lao động, muốn làm quan thì ráng học hành”. Xong thủ tục này, mọi người cùng nhau dùng các thức cúng. Sau đó mọi người quây quần, múa hát, vui chơi.

*   *   *

Lễ hội truyền thống Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời có giá trị sâu sắc về khoa học và lịch sử. Lễ hội còn thể hiện rõ nét lịch sử canh tác lúa mùa lâu đời, các hình thức diễn xướng, trò chơi, ẩm thực dân gian, sự ra đời môn thể thao đua ghe của đồng bào Khmer...

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Chia sẻ bài viết