Khi chọn “bạn trăm năm”, nhiều người thường đặt điều kiện gần cha, gần mẹ, có cơ ngơi tốt đẹp để nương nhờ tấm thân lên hàng đầu. Thế nhưng, với không ít người, tình yêu được xây dựng từ những “túp lều tranh”. Một số đôi vợ chồng mà tôi gặp ở Đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là điển hình. Điều gì đã khiến họ đến với nhau, để rồi gắn bó cả cuộc đời nơi đảo nhỏ xa xôi này?!
Lần nào ra Hòn Chuối, anh Nguyễn Văn Khá cũng nhiệt tình chạy đò đưa đón tôi vào tận đảo. Hỏi thăm mới biết, anh không phải là cư dân lâu đời trên đảo. Mê biển, mê rừng, mê tính nết hiền lành, thật thà, chăm chỉ của những “bông hoa” trên đảo nên Khá chọn đảo nhỏ Hòn Chuối làm quê hương thứ 2 của mình.
 |
Chị Trương Hồng Mơ thay chồng cắt tóc, chăm sóc con khi anh Dũng đi làm thuê. |
Sinh sống ở đảo chưa lâu nhưng nhắc đến vợ chồng Khá, cư dân trên đảo đều biết. Anh từng là lính Đồn Biên phòng 704 Hòn Chuối, hoàn thành nghĩa vụ và rời quân ngũ năm 2002. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ở đây, với vai trò là cán bộ Đội Vận động quần chúng, anh Khá hoạt bát, tận tình giúp đỡ mọi người nên ai cũng yêu quý. Trong đó, có cô gái tên Hồng Ngọc Quân, một trong những con em sinh sống lâu năm trên đảo Hòn Chuối. “Giữ lời ước hẹn “Ra quân anh cưới em”, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ảnh về thưa chuyện cùng gia đình ở tận huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, xin cha mẹ cho phép ra đảo cưới vợ. Lúc đầu, gia đình ai cũng nghi ngại về quyết định của ảnh nhưng rồi cũng chấp thuận vì ảnh cương quyết không lấy ai khác ngoài em. Không lâu sau, đám cưới được tổ chức cả trong đất liền và ngoài đảo” - nhắc chuyện xưa, Ngọc Quân đỏ mặt, e thẹn.
Sau 7 năm nên vợ chồng, đến nay anh chị Khá có với nhau 3 mặt con. Anh có chiếc xuồng nhỏ, vừa làm phương tiện giăng câu, giăng lưới... quanh đảo, vừa là phương tiện chuyên chở khách, hàng hóa thuê từ ghe, tàu lên đảo. Nhờ chăm chỉ làm lụng, đồng vợ đồng chồng... nên cuộc sống vợ chồng Khá cũng tạm ổn. Vào dịp Tết mỗi năm, Khá mới đưa vợ, con về thăm gia đình một lần. Khá tâm sự: “Ít có người chịu xa cha mẹ để ra tận đảo lấy vợ, rồi định cư lâu dài ở đây lắm, nhưng em không nghĩ vậy. Từng gắn bó một thời với đảo, cùng hoạn nạn, khó khăn với bà con trên đảo... nên em yêu con người và đảo nhỏ này lúc nào cũng chẳng hay. Rời đảo là thấy nhớ nhung da diết! Dù điều kiện sống có thiếu thốn, khó khăn, nhưng ở đây, con người luôn chăm chỉ, thật thà, chất phác, sống có tình có nghĩa. Vợ em cũng là người phụ nữ như vậy. Bởi vậy, em nguyện gắn bó cả đời mình với đảo”.
Cũng vì yêu sự thật thà, chăm chỉ của con người trên đảo nên Trương Hồng Mơ, sinh năm 1986, quê ở xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, tình nguyện “làm dâu” đảo xa. Chồng của Mơ là chàng trai dân tộc Khmer tên Kim Ngọc Dũng, sinh năm 1980, quê ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Từ nhỏ, Dũng đã theo gia đình ra đảo sinh sống, anh rất khỏe mạnh, rắn chắc, và giỏi giắn. Đề cập đến chuyện lấy vợ, Dũng cười khoe: “Chưa ai đi lấy vợ mà khỏe như tôi đâu. Chẳng cần tán tỉnh, chẳng cần hẹn hò, chỉ nhờ người mai mối rồi quá giang tàu cá vào bờ đám hỏi, sau đó làm đám cưới rồi rước dâu ra đảo. Cả hai họ đều được lênh đênh trên biển, ai cũng thích!”.
“Quen nhau tình cờ nhưng lấy anh Dũng không phải tình cờ đâu. Em có người cô họ sinh sống ở đảo này. Lần đó ra thăm, cô làm mai mối, nhưng chưa hề gặp ảnh lần nào, chỉ thoáng nhìn ảnh từ đằng xa thôi, rồi tìm hiểu, dò hỏi bà con trên đảo về ảnh. Đến ngày cưới, tụi em mới biết mặt nhau. Em đã không chọn lầm. Ảnh cũng như những trai tráng khác trên đảo, thật thà, khỏe mạnh, siêng năng, chăm chỉ, hết lòng yêu thương gia đình, vợ con” - Mơ tự hào kể về chồng mình.
 |
Sân chơi duy nhất của trẻ em trên đảo là Cầu cảng đang xây dựng dở dang. |
Đến nay, Dũng và Mơ cưới nhau được 6 năm, có với nhau 2 mặt con, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Mấy tháng gần đây, Dũng và Mơ phải vất vả hơn trước bởi chiếc xuồng nhỏ là gia tài duy nhất để anh giăng câu và chạy đò thuê bị sóng lớn đánh dạt vào ghềnh đá,... vỡ nát. Vì vậy, cả hai vợ chồng hàng ngày cùng đi làm thuê, vá lưới cho các ghe lưới khác trên đảo để có tiền nuôi con. “Khó khăn là vậy nhưng cuộc sống vợ chồng em rất hạnh phúc. Có cùng hoạn nạn thì tình nghĩa vợ chồng mới thêm bền chặt chứ anh” - Mơ tâm sự.
Đề cập đến đời sống của cư dân trên đảo, Trung tá Lê Hoàng Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng 704 Hòn Chuối, cho biết: “Trên đảo hiện có gần 30 hộ dân sinh sống, phần lớn là hộ đồng bào dân tộc Khmer. Bà con chủ yếu mưu sinh bằng nghề giăng câu, thả lưới quanh đảo. Mỗi năm, cư dân trên đảo phải dời nhà 2 lần để tránh gió, bão. Điều kiện khó khăn là vậy nhưng cư dân trên đảo rất đoàn kết, thật thà, siêng năng... Có lẽ vì đức tính, phẩm chất ấy mà những gia đình ở đây gắn bó keo sơn, thậm chí nhiều chàng trai, cô gái không ngần ngại xa quê hương ra tận đảo lập gia đình, rồi định cư lâu dài ở đảo”.
***
Con tàu của các anh lính Biên phòng từ từ rời đảo đưa tôi vào đất liền. Trời trong xanh, biển trong xanh... như chính cuộc sống giản dị, thanh bình của cư dân đảo nhỏ này. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, con người nơi đây trở nên rắn rỏi, kiên trì, mạnh mẽ hơn... Tình yêu và sự keo sơn của họ vững vàng như những tảng đá quanh đảo, luôn ưỡn mình che chắn sóng trước bão giông...
Bài, ảnh: HỮU TÙNG