08/12/2022 - 13:44

Lây nhiễm HIV ở giới trẻ đang gia tăng 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

HIV/AIDS có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, trong đó, số ca nhiễm mới tập trung ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chủ yếu là công nhân các khu công nghiệp và sinh viên các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Các chuyên gia cảnh báo, cộng đồng cần chung tay, chú trọng truyền thông liên tục và sâu rộng về những nguy cơ lây nhiễm HIV, cách phòng tránh cho giới trẻ cũng như hướng tới việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này.

Ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Bình Thủy thường xuyên tuyên truyền trong học sinh, sinh viên về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Bình Thủy thường xuyên tuyên truyền trong học sinh, sinh viên về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số người nhiễm HIV độ tuổi 15-16 tăng gấp 3 lần từ năm 2011 đến năm 2019. Đặc biệt, số người mắc mới tập trung ở nhóm MSM tăng từ 3,9% năm 2011 lên 13,3% năm 2020. Số người nhiễm mới ở Việt Nam có tỷ lệ cao hơn thế giới. Theo thống kê của ngành Y tế năm 2021, đường lây truyền bệnh chủ yếu qua đường tình dục không an toàn, ngày càng gia tăng, chiếm gần 80% nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, mắc bệnh chủ yếu là nhóm MSM, chiếm hơn 85% trường hợp mắc bệnh.

Theo TS.BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, HIV không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, tác động nặng nề đến xã hội, chất lượng dân số và nền kinh tế đất nước. Đồng thời tạo áp lực lên hệ thống y tế về nhu cầu điều trị, chăm sóc. Về mặt xã hội, cả người bệnh và gia đình phải chịu sự kỳ thị từ cộng đồng.

Theo các chuyên gia y tế, cần có giải pháp căn cơ và lâu dài để dự phòng sớm cho thanh thiếu niên tránh bị lây nhiễm HIV nói riêng và các bệnh lây qua đường tình dục khác. Trong đó, việc giáo dục truyền thông là cốt lõi, vì đây là nhóm đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh cao. Thanh niên có trình độ, kỹ năng sẽ tạo ra động lực thay đổi nhận thức của cộng đồng rất lớn cũng như góp phần thay đổi chính sách xã hội trong tương lai. Đó chính là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và gia tăng.

TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên - Học viện Thanh thiếu niên cho rằng, thời gian gần đây, xã hội bớt định kiến và cởi mở hơn với nhóm đồng giới. Tuy nhiên, nhóm này vẫn gặp nhiều khó khăn, thường che giấu nhu cầu bản năng. Ở những bạn trẻ đã mắc bệnh, khả năng gây lây lan dịch bệnh cao hơn và khó phát hiện hơn. Do đó, muốn tiếp cận, truyền thông giáo dục, trước hết phải cởi mở, thấu hiểu mới giúp được họ. Việc kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS dẫn đến nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Người bệnh khó tiếp cận các dịch vụ, công tác hỗ trợ truyền thông cũng vô cùng khó khăn. Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), trong đó nhấn mạnh đến việc ngăn chặn dịch HIV/AIDS trong nhóm mới nổi, đặc biệt là nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

TS.BS Nguyễn Thu Giang cho biết thêm, các biện pháp cấp bách có thể giúp hoàn thành mục tiêu đề ra, bao gồm chiến lược truyền thông hiệu quả; quy trình cung cấp dịch vụ từ xét nghiệm đến dự phòng, điều trị và giảm nhẹ; nâng cao năng lực đội ngũ ngành Y tế trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, huy động nguồn lực và nhân lực từ các cấp, các ngành, chung tay trong lĩnh vực này; thí điểm và nhân rộng các mô hình, sáng kiến mới để đẩy mạnh tuyên truyền. Thực tế hiện nay, các nguồn viện trợ từ quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã giảm. Trước đây, nhờ sự tham gia mạnh mẽ của tất cả các ngành, nhiều tổ chức cộng đồng và vai trò của các chuyên gia, các nhà chuyên môn, hoạt động xã hội,... đã tạo nên thành tựu rất lớn trong công tác đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS của nước ta. Tuy nhiên, hiện nay, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV chủ yếu từ nguồn bảo hiểm y tế hạn hẹp. Vì thế, gánh nặng đặt ra rất lớn đối với ngành Y tế, cần có chiến lược quy mô mới đạt hiệu quả lâu dài. Quan trọng, rất cần sự đóng góp của giới trẻ, có ý thức về nguy cơ nhiễm bệnh, tuân thủ điều trị khi mắc bệnh, đồng thời trở thành những nhân tố tích cực góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
HIVMSM