30/07/2021 - 15:28

Lấy nạn nhân làm trung tâm giải pháp về phòng, chống mua bán người 

Theo Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, mỗi năm các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 260 vụ với 340 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến “Chung tay phòng, chống mua bán người."

Đây là năm thứ 6 Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống mua bán người cho nhân dân, phụ nữ và trẻ em.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh hai năm trở lại đây, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh đã để lại những hệ quả tiêu cực, tội phạm mua bán người bất chấp thủ đoạn, tăng cường lợi dụng mạng xã hội để lừa bán nạn nhân. Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội.

Báo cáo toàn cầu về tình hình mua bán người năm 2020 cho thấy trong số những người bị lừa bán thông qua quan hệ trên mạng xã hội thì có tới 69% là người trưởng thành.

Dịch COVID-19 cũng tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập của người dân, đặc biệt của phụ nữ, khiến họ dễ trở thành nạn nhân của mua bán người.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, có 51% nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và 29% trẻ em bị mua bán là do gia đình không êm ấm hoặc thiếu sự chăm sóc của cha mẹ.

Trong khi đó, việc các nước tăng cường kiểm soát biên giới trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 càng khiến thủ đoạn của tội phạm mua bán người có xu hướng tinh vi hơn, sử dụng mạng xã hội nhiều hơn, địa bàn hoạt động và mục đích mua bán người mở rộng hơn, khiến cho tình trạng mua bán người bị đẩy sâu vào trong bóng tối và gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh triệt phá, giải cứu nạn nhân.

Chính vì vậy, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cần có sự nỗ lực quyết liệt trong thực hiện mục tiêu kép - vừa chống dịch, vừa ổn định và phát triển kinh tế, cùng với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân về phòng, chống mua bán người là những giải pháp quan trọng, căn cơ nhằm chặn đứng loại tội phạm mua bán người.

"Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm nay được Liên hợp quốc xác định là "Lắng nghe nạn nhân-Dẫn lối hành động," khuyến nghị các quốc gia lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người. Đây cũng là quan điểm, cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống mua bán người," bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga kêu gọi các cấp hội phụ nữ, cán bộ hội viên, phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các ngành, các cấp chủ động, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm; tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân.

Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả hoạt động của Ngôi nhà bình yên, Ngôi nhà nhân ái để nơi đây thực sự là điểm tựa nâng đỡ chị em trở về, tái hòa nhập cộng đồng, cùng chung tay xây dựng một xã hội bình an, gia đình hạnh phúc.

Nhấn mạnh rằng trong thời gian tới tình hình tội phạm sẽ có những diễn biến phức tạp, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị nâng cao vai trò tham mưu của lực lượng công an trong tổ chức, thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm buôn mua bán người giai đoạn 2021-2025; xác định công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội về phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an. (Nguồn: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và cộng đồng về phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và đồng bào dân tộc miền núi...

Theo báo cáo toàn cầu về tình hình mua bán người năm 2020 của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm, vào năm 2018 có khoảng 50.000 người được phát hiện và báo cáo là nạn nhân của mua bán người tại 148 nước và con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, mỗi năm các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 260 vụ với 340 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người.

Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 nạn nhân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em; một số trường hợp là nhằm mục đích mua bán trẻ sơ sinh, nội tạng, bộ phận cơ thể.

Trong nhiều năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát huy thế mạnh của tổ chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người với cách tiếp cận truyền thông đa dạng, phối hợp nhiều hình thức như tổ chức các phiên chợ truyền thông, phiên tòa giả định, triển lãm...

Hội tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, truyền thông chung giữa các tỉnh, huyện hai bên biên giới, chủ động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về có việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống.

Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết