26/07/2021 - 15:02

Nỗ lực đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

Bài 2: Kiềm giữ tội phạm mua bán người: Kinh nghiệm từ miền núi Nghệ An 

Những năm trước đây, Nghệ An là một trong những tỉnh có tình trạng mua bán người diễn ra tương đối phức tạp, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nhiều nơi khác nhau. Trong đó, nổi lên việc lợi dụng môi giới lao động để lừa gạt bán nạn nhân, dụ dỗ phụ nữ mang thai ra nước ngoài bán trẻ sơ sinh... Tuy nhiên, gần đây, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc, biên giới tỉnh Nghệ An cơ bản được kiềm giữ, đẩy lùi.

Tổ chức ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động mua bán người, mua bán con ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - Ảnh: Công an tỉnh Nghệ An cung cấp

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Nghệ An, xung quanh vấn đề này.

* Xin đồng chí cho biết về kết quả hoạt động phòng chống mua bán người tại tỉnh Nghệ An từ đầu năm 2021 đến nay?

- Thượng tá Trần Ngọc Tuấn: Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã mở một đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, qua đó đã phát hiện, điều tra, làm rõ, bắt giữ 8 vụ, 12 đối tượng. Bên cạnh đó, đã giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu, đưa về Việt Nam 8 phụ nữ, trẻ em nghi là nạn nhân của hoạt động mua bán người xảy ra từ các năm trước.

Lực lượng công an đã giải cứu, đưa về Việt Nam 3 phụ nữ mang thai huyện Kỳ Sơn sang Trung Quốc với ý đồ sinh con rồi bán con cho người Trung Quốc (thường gọi là mua bán bào thai); ngăn chặn kịp thời 3 phụ nữ mang thai ở tỉnh khác đang trên đường đi ra phía bắc (nghi là để sang Trung Quốc) với mục đích để sau khi sinh con ra rồi bán.

Bên cạnh đó, đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp chủ động triển khai các đợt cao điểm tấn công tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép, người nước ngoài nhập cảnh trái phép (đây là các hoạt động tiềm ẩn liên quan đến tội phạm mua bán người). Kết quả, từ ngày 15/3-15/6/2021, đã đấu tranh, điều tra, làm rõ, khởi tố điều tra một vụ, 2 đối tượng có hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”; một vụ, 4 đối tượng có hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”; xác minh, làm rõ 3 vụ, 7 đối tượng nghi vấn có hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép; phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng khởi tố điều tra một vụ, 3 bị can về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Đồng thời, trong đợt cao điểm, công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 76 vụ, 103 đối tượng có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh, xử phạt 350 triệu đồng.

* Kết quả trên cho thấy con số tội phạm hoạt động mua bán người đã giảm so với các năm trước đây. Đó là nhờ sự chỉ đạo, phối hợp như thế nào từ các lực lượng chức năng, thưa đồng chí?

- Thượng tá Trần Ngọc Tuấn: Thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh, trong đó chủ công là công an tỉnh (cơ quan thường trực Chương trình Phòng, chống mua bán người tỉnh Nghệ An) đã tích cực, chủ động phối hợp các ngành, các cấp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, trọng tâm là Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng chống mua bán người, nhất là ở những vùng tiềm ẩm nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giáp biên giới, kinh tế khó khăn; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, đối tượng, địa bàn trọng điểm; phân công, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị thuộc cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Bên cạnh đó, lực lượng công an đã phối hợp các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống mua bán người thiết thực với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với phong tục, tập quán, dân tộc và phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn (như đẩy mạnh tuyên truyền trên không gian mạng, các ứng dụng mạng xã hội, báo, cổng thông tin điện tử, cấp phát hàng ngàn cuốn tập san, tạp chí, xây dựng các phóng sự phát thanh-truyền hình...).

Các ngành công an, phụ nữ... tiếp tục phối hợp xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm nói chung, phòng chống mua bán người nói riêng gắn với phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (điển hình như: Mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương; “Phòng chống tảo hôn” tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương; “Phòng chống mua bán người và di cư không an toàn” và câu lạc bộ “Bình yên” tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp; “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” ở 2 xã Tam Quang, Nga My, huyện Tương Dương; “Câu lạc bộ phòng chống mua bán người” ở Kỳ Sơn...).

Đồng thời, chúng tôi cũng đã tăng cường triển khai các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm mua bán người, trong đó đã làm tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý cư trú, quản lý chặt chẽ người nước ngoài đến địa bàn; quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, các trung tâm môi giới hôn nhân, giới thiệu việc làm, đưa người đi du học hoặc xuất khẩu lao động làm việc tại nước ngoài…, không để các đối tượng lợi dụng các hoạt động này để thực hiện hành vi mua bán người.

Từ ngày 15/3-15/6/2021, công an tỉnh tổ chức kiểm tra kiểm tra đột xuất 106/190 tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động đưa người ra nước ngoài, qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý một số đơn vị có vi phạm liên quan, trực tiếp trao đổi, yêu cầu 106 tổ chức, cá nhân liên quan cam kết chấp hành đúng quy định pháp luật về xuất khẩu lao động, du học, du lịch; không tổ chức hoặc môi giới đưa người ra nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài trái phép; vận động học viên, người lao động khi ra nước ngoài phải đúng hợp đồng.

* Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, các lực lượng chức năng tiếp tục có giải pháp gì để đấu tranh với loại tội phạm này?

- Thượng tá Trần Ngọc Tuấn: Công an tỉnh Nghệ An đã lên kế hoạch tiếp tục phối hợp các ngành biên phòng, hải quan triển khai kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực biên giới, các hoạt động xuất cảnh ra nước ngoài, thành lập các chốt kiểm soát kỹ trên toàn tuyến biên giới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; phối hợp với các cơ quan chức năng của Lào thường xuyên tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, lợi dụng di cư tự do để thực hiện hành vi mua bán người. Qua công tác kiểm tra, hướng dẫn các quy định của pháp luật liên quan xuất cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài, 6 tháng đầu năm, công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 224 trường hợp vi phạm quy định pháp luật về xuất, nhập cảnh với số tiền 696,5 triệu đồng.

Tỉnh Nghệ An luôn thực hiện nghiêm theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác này. Tuy tội phạm mua bán người ở địa bàn tỉnh Nghệ An đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn, gia tăng trở lại. Đáng lo ngại nhất vẫn là trình độ nhận thức, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, chủ yếu là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông còn hạn chế, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh xác định, cùng với những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, tuyên truyền của cơ quan chức năng thì việc tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân là biện pháp căn cơ để giúp người dân chủ động tránh xa được những cạm bẫy của tội phạm mua bán người.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết