28/03/2009 - 08:29

Lấy lòng người nhà!

Mới đây, Bộ Công thương vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí trên 51 tỉ đồng cho chương trình xúc tiến thương mại nội địa năm 2009. Theo dự thảo chương trình, nhiều chương trình điều tra thị hiếu người tiêu dùng (NTD), điều tra hệ thống phân phối, tổ chức phiên chợ... sẽ được triển khai. Trong đó, chương trình nổi bật nhất là đẩy mạnh hàng Việt về nông thôn sẽ được hỗ trợ hơn 9 tỉ đồng.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành thương mại trong nước khi mà sức mạnh của thị trường trên 80 triệu NTD đã được quan tâm, đặc biệt là khu vực nông thôn với hơn 70% dân số. Không phải đợi tới Phiên chợ nông thôn trong chuỗi sự kiện Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức ngày 8-3-2009 tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang, vấn đề thị trường nội địa (TTNĐ) và thiết lập mạng lưới phân phối cho khu vực nông thôn mới được đặt ra. Trong những năm thị trường xuất khẩu mặt hàng thủy sản như tôm, cá tra gặp khó khăn, các nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu nghĩ đến việc chú trọng “sân nhà”. Từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, vấn đề này càng được tập trung thảo luận nhiều trong các cuộc hội thảo lớn, nhỏ và cả những diễn đàn trên báo chí. Nhưng qua sự kiện này và những kinh nghiệm cụ thể được chia sẻ từ những DN đã thành công, nhiều DN càng thấy rõ “cái tình” của NTD nông thôn. Các DN đã bắt đầu quan tâm... “lấy lòng người nhà”.

Agifish - một trong những DN xuất khẩu cá tra, cá ba sa nổi tiếng- đã bắt tay đầu tư cho TTNĐ ngay sau vụ kiện cá tra, cá ba sa ở Mỹ năm 2001. Agifish đã phải tốn nhiều tiền của và tâm sức để phát triển sản phẩm cho TTNĐ với hơn 60 sản phẩm chế biến từ con cá tra, ba sa; phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối trên cả nước; thuyết phục NTD mà trong đó đại bộ phận chưa quen với thực phẩm đông lạnh và chưa phân biệt được cá tra và cá ba sa. Vậy mà Agifish đã làm được và được NTD yêu mến bình chọn danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền. Lúc đầu, có nhiều đồng nghiệp “cười” Agifish “lượm bạc cắc”, nay thì Agifish đã chứng minh được tầm nhìn chiến lược của mình. Vài năm gần đây, ở các siêu thị đã bắt xuất hiện các sản phẩm thủy hải sản chế biến của một số DN chuyên làm hàng xuất khẩu ở ĐBSCL như: Kim Anh, Phú Thạnh... Doanh số hàng thủy hải sản đông lạnh tại các siêu thị cũng không ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên, chiếm ưu thế hơn hẳn vẫn là những thương hiệu đến từ TP Hồ Chí Minh, Nha Trang... và gần đây là sự tham gia của Co.opMart.

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tập trung phát triển TTNĐ cũng là chiến lược phát triển dài hạn của toàn ngành. Trong tình hình xuất khẩu dệt may gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đẩy mạnh khai thác TTNĐ là sự lựa chọn của nhiều DN. Hiện nay, Vinatex đang tận dụng hệ thống 55 siêu thị ở 22 tỉnh thành, khoảng 20 cửa hàng thời trang và hệ thống phân phối sẵn có của nhiều DN may lớn đã đầu tư nhiều năm để bán ra thị trường sản phẩm của các DN trong ngành với chi phí lưu thông thấp nhất. Nhiều DN dệt may đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng TTNĐ trong năm nay từ 20-200% với việc đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng mọi nhu cầu của NTD từ thành thị đến nông thôn. Đây là những mục tiêu tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh doanh số của các ngành hàng đều giảm sút.

NTD nông thôn thu nhập thấp nhưng xứng đáng được cung cấp sản phẩm chất lượng và đúng nhu cầu. Khi mà thị trường nông thôn tràn ngập các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giá rẻ của Trung Quốc và các sản phẩm ngoại nhập, sự quan tâm hiện nay của các DN trong nước đối với khu vực này tuy có chậm nhưng không trễ. Việc quan tâm và đáp ứng thị hiếu, phát triển kênh phân phối dành cho NTD nông thôn đã và đang được xúc tiến. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chính sách chăm sóc khách hàng, các chế độ hậu mãi phải được thực hiện tốt, quyền lợi của người tiêu dùng phải được bảo vệ. Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các hiệp hội. Trách nhiệm này không chỉ dừng lại ở việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời và hợp lý những trường hợp thắc mắc, khiếu nại của khách hàng mà còn ở việc cung cấp thông tin đầy đủ, thỏa mãn quyền được biết về sản phẩm cho NTD. Khắc phục dần tình trạng DN hành xử theo kiểu “ông lớn” còn NTD thì “thấp cổ bé miệng”; các cơ quan chức năng cấp phép cho DN nhưng “quên” khâu hậu kiểm... Có làm được như vậy, NTD trong nước không chỉ tin dùng hàng Việt mà còn yêu mến và tự hào về hàng Việt.

KIM XUYẾN

Chia sẻ bài viết